Bộ tiểu thuyết bất hủ Những người khốn khổ của nhà văn Pháp Victor Hugo (1802-1885) thuộc nhóm tác phẩm được liên tục nâng niu trên khắp hành tinh, kèm theo nhiều sản phẩm điện ảnh “ăn theo”. Do đó từ lâu, cụm từ “những người khốn khổ” trở thành thành ngữ, thậm chí tục ngữ trong đời sống thường nhật. Tục ngữ đặc biệt đó gợi nhắc sự bất ổn của thế giới do nghèo đói, thống khổ; nhắc đến những người thực sự đang bị coi rẻ. Tục ngữ ấy cũng là thông điệp riết róng: “Hãy tôn trọng và công bằng với dân thường nghèo khổ”. Tại Liên hoan phim Cannes 2019 vừa qua, thông điệp ấy một lần nữa được ngân lên khi bộ phim Những người khốn khổ được công chiếu. Nhưng, không như mọi người tưởng, đó chẳng phải một phim dựa theo tiểu thuyết của Hugo mà là một phim truyện mới toanh, kế thừa tư tưởng và tấm lòng của đại văn hào.
Bằng những thước phim hòa trộn nhân văn và bạo lực, phim dài đầu tay của Ladj Ly không nhằm tố cáo cá nhân mà tố cáo hệ thống, trong đó, các tác nhân ít nhiều đều là nạn nhân, là những người khốn khổ. Hình ảnh nhóm trẻ con trộm cắp, bạo lực khiến người xem đau nhói một thế hệ tương lai vốn là sản phẩm của tuần hoàn bạo lực xã hội/gia đình. Phim theo dạng hình sự, kiểu trộm cắp, truy tìm, gây rối và chống trả. Ở một khu phố nghèo, với những tộc người nhập cư, đoàn xiếc địa phương bị mất một con sư tử con. Ông trưởng đoàn xiếc biết tỏng thủ phạm, bèn ra tối hậu thư phải trả lại con vật trong vòng 24 giờ. “Hãy đợi đấy nhé!”. Thủ phạm-một đứa hay một nhóm trẻ vị thành niên vốn vẫn lêu lổng khắp nơi như thầm đốp lại. Cảnh sát phải vào cuộc.
Đội đặc nhiệm chống tội phạm gồm 3 người. Đội trưởng cậy quyền, hống hách, bị khinh bỉ. Viên cảnh sát thứ hai, cẩn thận, khoan hòa, được dân tin trọng. Còn người thứ ba, có phần ba phải, chỉ cốt hoàn thành nhiệm vụ. Qua mạng xã hội, nhóm phát hiện nhiều hình ảnh con sư tử và lần tới kẻ ăn cắp-một trẻ vị thành niên đang ở một sân vận động. Khi đội đặc nhiệm tới nơi, hai chục “bạn bè” của kẻ đạo chích ập vào căn vặn. Như được giải vây, tên trộm bỏ chạy. Nhưng cuối cùng nó vẫn bị tóm, sau cuộc rượt đuổi qua nhiều phố…
Đúng lúc đó, “đồng bọn” của nó xông tới, ném gạch đá vào đội đặc nhiệm… Viên cảnh sát thứ ba cuống lên, bắn tên trộm bị thương. Tên trộm ngất xỉu. Đám trẻ bị giải tán tức thì. Viên cảnh sát thứ hai chạy vào hiệu thuốc, tìm cách sơ cứu cho cậu bé; bất chấp viên đội trưởng định bỏ mặc. Cậu bé hồi tỉnh, xem chừng chỉ bị thương nhẹ. Có điều, viên cảnh sát thứ ba phát hiện một thiết bị bay nhỏ đang ghi hình hoạt động của đội. Cả đội tức tốc truy tìm cho được chủ của thiết bị. Vốn nhạy bén, viên đội trưởng lần ra địa chỉ của cậu chủ đó. Nhưng khi tìm đến nơi, cậu bé đã tẩu thoát. Lần theo tung tích, biết cậu tạt qua một quán ăn, trao chiếc thẻ nhớ đã được ghi hình cho chủ quán vốn là một tay anh chị hoàn lương, một tín đồ đạo Hồi, rất có “uy tín” ở khu phố. Viên đội trưởng định đe dọa chủ quán và dùng vũ lực đoạt lấy chiếc thẻ. Viên cảnh sát thứ hai nhẹ nhàng gạt đi và trao đổi nhũn nhặn với ông chủ quán. Một cuộc thương lượng diễn ra. Chủ quán bị thuyết phục rằng cậu bé trộm sư tử bị thương “là do tự ngã” như lời viên cảnh sát thứ hai. Ông ta đưa chiếc thẻ nhớ cho đội đặc nhiệm, đồng thời ân cần bảo đám trẻ chỉ chỗ chúng giấu con sư tử.
Đội đặc nhiệm đem sư tử về trả cho đoàn xiếc, chú sư tử chẳng hề hấn gì. Do quá giận dữ, ông trưởng đoàn xiếc bất ngờ nhét cậu bé đạo chích đang bị thương vào lồng sư tử. Viên cảnh sát thứ hai vội giương súng lên nhằm vào con vật, hễ nó động tĩnh gì là bắn để bảo vệ cậu bé đáng thương. Trưởng đoàn xiếc ngớ người, liền lôi cậu bé ra ngoài. Viên đội trưởng cũng quyết định thả cậu bé. Mọi người ai về nhà nấy, như không có chuyện gì xảy ra…
Sáng hôm sau, đội đặc nhiệm đi tuần như thường lệ. Họ nhận thấy có một lũ trẻ đang bám theo mình. Biết bị lộ, chúng ném lựu đạn hoa cải vào xe cảnh sát. Họ xuống xe. Lũ trẻ bỏ chạy thục mạng. Đội đặc nhiệm đuổi theo vào một khu nhà và mắc kẹt trong một cầu thang. Lũ trẻ biến mất nhưng đạn hoa cải và các vật dụng được tới tấp ném vào. Đội trưởng bị trúng một chiếc vỏ chai. Viên cảnh sát thứ hai gõ vào cánh cửa để báo động. Đúng lúc cửa sắp mở thì tên trộm xuất hiện, cầm chai thuốc nổ trên tay. Viên cảnh sát thứ ba giương súng vào nó. Tuy nhiên, hai bên vẫn chỉ nhìn nhau trừng trừng… Bỗng vang lên mấy câu của Victor Hugo trong tiểu thuyết Những người khốn khổ: “Này nhớ bạn ơi/ Không có cỏ dại/ Không có người tồi/ Chỉ kẻ trồng cấy/ Đuối tầm mà thôi”.
Đến đây, phim đặc tả một khu phố nghèo với lũ trẻ nghịch ngợm suốt ngày phá quấy cảnh sát.
Trường đoạn phim không nghẹt thở như thường lệ, không ma túy, mại dâm hay đâm chém kinh hoàng. Nhưng dư vị của nó là không thể chối cãi. Có gì đó bùi ngùi, có gì đó bâng khuâng. Nếu tự hỏi vì sao có những chuyện đó?… Bọn trẻ cần được đi học, cần được vui chơi lành mạnh... Cái gốc của mọi chuyện là làm sao mọi người, đặc biệt là trẻ em, được sống đúng mực, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với địa vị xã hội. Ba viên cảnh sát, mang tiếng là tinh hoa của ngành, cũng có gì đó tội nghiệp. Ấy là thực tế hiển hiện hằng ngày, gợi tới “những giọt nước mắt mà đời không trông thấy” (thơ Tchekhov). Chất hiện thực của Những người khốn khổ của Ladj Ly khiến không ít khán giả sững sờ. Quả vậy, chuyện quốc gia đại sự nào cũng khởi nguồn từ những chi tiết đời thường vụn vặt như thế này đây. Không ai hoàn toàn tốt. Cũng không ai hoàn toàn xấu. Xã hội cần được tổ chức và vận hành thế nào để ai cũng tự nguyện hạn chế tối đa cái xấu, phát huy tối đa cái tốt của mình; để ai cũng thấy cần sống biết điều, giữ mình và trọng người; để ai cũng được dễ chịu. Vai trò của người có quyền vì thế là quyết định.
Được biết, Tổng thống Pháp Macron đã rất xúc động khi xem Những người khốn khổ. Ông ngộ ra rằng chính phủ của ông chịu trách nhiệm về những thiệt thòi của các em nhỏ ở các khu đông người nhập cư. Bộ phim được tặng giải của ban giám khảo ở Liên hoan phim Cannes 2019. Sau đó được cử tranh Giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất đầu năm 2020. Ngày 28-2-2020, phim giành 4 giải Cesar, một giải thưởng được xem là “Oscar của điện ảnh Pháp”, trong đó có Cesar Phim xuất sắc nhất năm.
Những người khốn khổ là phim truyện dài đầu tay của Ladj Ly, nhà điện ảnh Pháp da màu gốc Mali, sinh năm 1978. Từ nhỏ, anh đã suy tư nhiều từ thực tế phũ phàng. Ví như bố anh phải lao động cật lực, gia đình sống tạm ổn nhưng bố luôn không thoải mái. Noi gương bố, anh cũng cần cù hơn người nên gia đình riêng (một vợ, ba con) cũng tạm ổn. Yêu thích điện ảnh, anh tranh thủ làm nhiều phim video từ nhỏ. Hầu hết là chuyện người thực, việc thực ở khu phố anh cư trú. Anh đặc biệt chăm chú ghi lại những hoạt động của cảnh sát, phần lớn là hoạt động bất bình thường. Những thước phim tài liệu của anh về những cuộc “nổi loạn” năm 2005 của dân nhập cư gây chấn động nước Pháp. Từ những thước phim còn giữ được, năm 2018, anh làm phim tài liệu Những người khốn khổ, chủ yếu về những đau buồn của dân nhập cư, được khen ngợi nhiều và nhận không ít phần thưởng.
Chính phim tài liệu này gợi ý cho anh về phim truyện dài Những người khốn khổ. Bộ phim này có thể coi như một phim tự truyện. Nó là kết quả đáng mừng của 40 năm lao động, suy tư, cảm xúc chuẩn xác của một người đàn ông mã thượng, nắm được cốt yếu của lẽ đời. Đó là hãy hành xử chuẩn mực với mọi người mọi nơi, mọi lúc. Anh giao lưu với ai cũng trên cơ sở khiêm nhường và phục thiện. Cho nên, các cảnh sát quý trọng anh. Có người thành bạn chí cốt. Anh ngạc nhiên nhận ra rằng thực sự họ cũng chẳng sung sướng hơn mình, cũng ở nhà xập xệ, đồng lương “giật gấu vá vai”, cũng đau đầu vì cấp trên hay hoạnh họe… Chiêm nghiệm đời thường cứ thế đi vào tác phẩm, hòa với kỷ niệm tình bạn ấu thơ quý báu, trải nghiệm ấy tạo nên chất thơ bàng bạc của phim, khiến nhiều người rơi lệ.
Vâng, có lẽ ai cũng muốn sống lương thiện, cũng muốn làm điều tốt cho đồng loại. Nhưng sao chúng ta luôn gặp rắc rối đủ chuyện và thường cảm thấy bị xúc phạm hoặc coi thường? Dư âm đọng lại trong lòng khán giả là sự trân quý nhau giữa người với người, trân quý có thực và có vẻ không tự giác. Cái mới này của bộ phim tinh tế vô cùng. Ladj Ly đã làm được một cách tự nhiên, giàu sức thuyết phục.
Con đường phía trước còn lắm chông gai. Khi phim của anh được đề cử cho Giải Oscar, hai tờ báo cánh tả liền nhắc lại chuyện cũ, rằng anh từng bị đi tù vì “mưu mô giết người”. Tờ Le Monde (Thế giới) cải chính: Năm 2011, anh bị đi tù thật nhưng đó là án oan, do cả giận mất khôn, anh chỉ bảo vệ bạn mình bị sỉ nhục chứ không giết ai cả…
NHẬT NGUYỄN