Được hình hành từ châu thổ của 4 con sông Rhine, Maas, Schelde và Ijssel, gần 2/3 diện tích tự nhiên của Hà Lan nằm dưới mực nước biển. Vì thế, để tồn tại, từ hơn 2.000 năm qua, người Hà Lan đã tạo nên hệ thống đê điều, kè biển, cửa cống và cửa chắn lụt được ví như kỳ quan thế giới. Cùng đó, thay vì tìm mọi cách để chinh phục và đánh bại thiên nhiên, người Hà Lan học được cách “sống chung với lũ”. Chính phủ Hà Lan đã chọn giải pháp làm giảm sức mạnh của dòng nước tấn công đất liền. Thay vì phải nâng cao hệ thống đê, đập, người Hà Lan tập trung chuyển sang cải tạo đất để tạo những khoảng trống cho nước dâng tự nhiên, hay tạo ra những khu vực làm giảm lực của sóng biển.

Quảng trường Benthemplein có thể chứa hơn 1.800m3 nước. Ảnh: Planet

Trong số các địa phương của Hà Lan, Rotterdam (thành phố thấp hơn 6m so với mực nước biển) là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Tương tự nhiều vùng ngập trong mưa lũ khác trên thế giới, Rotterdam thường xuyên có mưa to cùng vô số cơn bão ghé thăm. Sự thay đổi khí hậu khiến lượng mưa lũ tại đây ngày một nhiều hơn. Thành phố hiện chịu hai áp lực: Nước biển dâng cao ở bên ngoài và lượng nước từ bên trong đất liền như nước mưa, nước thải, nước ngầm... đổ ra. Sau nhiều năm xây dựng hệ thống đê, kè, đập chắn nước hiệu quả từ biển và sông, thành phố Rotterdam vẫn không thể ngăn được những trận ngập úng hay mưa lũ do địa thế quá thấp. Như một hệ quả tất yếu, việc chống lũ không còn là yếu tố duy nhất người dân Rotterdam cần quan tâm mà vấn đề là phải làm sao sống cùng mưa lũ. Ý tưởng bơm thoát hết nước ra khỏi thành phố trong mùa lũ là phi thực tế. Vì thế, các chuyên gia đã đưa ra các ý tưởng để người dân sống trong cảnh nước ngập dâng cao mà vẫn sinh hoạt được.

Khoảng hơn một thập niên trở lại đây, thay vì tiếp tục xây dựng những công trình đê, kè, Rotterdam hướng tới tận dụng những cơ hội kinh tế từ thay đổi khí hậu và mưa lũ. Năm 2008, thành phố này thực hiện Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu”, nhằm hướng đến việc giúp người dân sống chung với thiên tai hơn là cố chống lại chúng. Cụ thể, dự án này ưu tiên đầu tư công nghệ, phát triển các kỹ thuật và tận dụng mọi nguồn lực để người dân có cuộc sống an toàn, bảo đảm sinh hoạt trong mùa lũ.

Trong Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu” của thành phố Rotterdam có hai nội dung nổi bật. Đầu tiên là phát triển nông nghiệp trên... nóc nhà, nhằm vào hai lợi ích: Phát triển kinh tế và góp phần giảm tình trạng ngập lụt. Để cổ vũ người dân nuôi trồng, canh tác trên nóc nhà, chính quyền Rotterdam hỗ trợ thiết kế cũng như đào tạo các kỹ thuật liên quan miễn phí. Hiện nay, những mảnh vườn trên nóc nhà tại Rotterdam đang giúp thành phố hấp thụ hơn 6.000m3 nước mỗi ngày. Chính quyền thành phố Rotterdam đã lên kế hoạch sẽ tăng hơn 100% diện tích nuôi trồng trên nóc nhà trong 10 năm tới và đặt mục tiêu hấp thụ 19.000m3 nước vào năm 2030 nhờ công nghệ này.

Ngoài tác dụng giảm ngập lụt, các mảnh vườn trên nóc nhà còn giúp các tòa nhà giảm khoảng 5oC và tiết kiệm 7% chi phí điều hòa.

Điểm nổi bật thứ hai trong Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu” ở thành phố Rotterdam là biến các quảng trường, công viên, bãi để xe thành bể chứa nước. Thông thường, các thành phố thường đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước hay kênh rạch để giảm tải cho hệ thống thoát nước nhưng việc này quá tốn diện tích và không thích hợp cho những vùng địa thế thấp như Rotterdam. Vì thế, chính quyền thành phố đã lựa chọn phương án xây dựng những công trình công cộng ở nơi thấp nhất để khi có mưa lũ, nước sẽ tự đổ về đó, bảo đảm an toàn cho người dân. Một dự án điển hình là Quảng trường Benthemplein. Quảng trường này có những khu trũng làm sân bóng rổ hay khu thi đấu với các bậc cao. Vào mùa mưa, chúng thành nơi chứa nước và có thể làm bể bơi nếu thiết kế thêm hệ thống lọc nước. Quảng trường Benthemplein có thể chứa hơn 1.800m3 nước.

Những giải pháp được thay đổi liên tục để ứng phó với bão lũ đã khiến Rotterdam-thành phố thấp nhất trong “vùng đất thấp” trải qua 800 năm “sống chung với lũ” mà vẫn giữ vững ngôi vị là đô thị lớn thứ hai Hà Lan và là cảng biển lớn nhất châu Âu.

KHANG AN