Đa cực sẽ là tất yếu?

Phát biểu trên diễn đàn Câu lạc bộ (CLB) Thảo luận quốc tế Valdai ngày 27-10-2022 tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trích dẫn lại một ý của nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn về việc phương Tây đã bị “lóa mắt” bởi tự cho mình là ưu việt hơn phần thế giới còn lại. Solzhenitsyn (1918-2008, Giải Nobel Văn học năm 1970) trong bài diễn từ nổi tiếng tại Đại học Harvard năm 1978 đã tuyên bố thẳng thắn rằng, phương Tây đã kiêu ngạo chối bỏ việc thấu hiểu phần thế giới còn lại.

Đã từ lâu rồi, phương Tây luôn cho rằng tất cả lĩnh vực hằng hà sa số của hành tinh chúng ta phải phát triển và vươn lên phát triển bằng những hệ thống hiện tại của họ, về mặt lý thuyết được mặc nhiên coi là hay ho nhất. Và mọi quốc gia đều bị xếp hạng theo mức độ mà họ có thể thích ứng với các tiêu chí của phương Tây. Và tiêu chí bạn-thù cũng mặc nhiên được xác định theo cách đó, giống phương Tây thì là “tiến bộ” và “phát triển”, không giống phương Tây thì là “man rợ” và “đáng bị trừng phạt”. Trong khi đó, từ lâu rồi phương Tây đã bị sa vào con đường suy thoái và dần dà đánh mất những phẩm hạnh khởi nguồn của mình.

Trong bài phát biểu tháng 10 tại CLB Valdai, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, trong nửa thế kỷ qua, phương Tây đã quá tự tin vào sự ưu biệt hiển nhiên của mình và ngày càng táo tợn hơn trong những chối bỏ các giá trị truyền thống của phần thế giới còn lại: “Ngay cả trong lúc nóng bỏng nhất của Chiến tranh lạnh, trên đỉnh điểm đối đầu của các hệ thống, tư tưởng và cạnh tranh quân sự cũng đã không ai nảy sinh ra trong đầu cái ý định bác bỏ bản thân sự tồn tại của văn hóa, nghệ thuật, khoa học của các dân tộc khác, những đối trọng phản biện của mình. Đã không một ai nảy sinh trong đầu cái ý nghĩ ấy cả. Phải, đã từng có những hạn chế nhất định đối với các mối quan hệ giáo dục, khoa học, văn hóa và thật đáng tiếc, cả về thể thao nữa.

Tuy nhiên, cả các nhà lãnh đạo Xô viết và Hoa Kỳ thời đó đều đã có đủ sự thấu hiểu rằng, đối với lĩnh vực nhân văn thì cần phải ứng xử một cách tế nhị với việc nghiên cứu, tôn trọng đối phương và đôi khi còn cần phải vay mượn của nhau nữa để gìn giữ ít nhất cho thì tương lai cơ sở xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và hiệu quả...”. Tuy nhiên, theo ông Putin, thật đáng tiếc là hiện nay, mọi sự đã thay đổi theo hướng thật tệ: “Điều gì đang xảy ra hiện nay? Trước đây, những phần tử quốc xã đã dùng tới việc đốt sách, còn hiện nay thì “những chiến sĩ nhiệt thành của chủ nghĩa tự do và tiến bộ” đang cấm đoán cả Dostoyevsky và Tchaikovsky”. Ông Putin coi đó là sự phá hủy văn hóa, “bóp chết mọi sự sống động và sáng tạo, không cho phép tư tưởng tự do phát triển trong bất cứ lĩnh vực nào, cả kinh tế, chính trị lẫn văn hóa...”.

Tổng thống Nga cũng rung lên hồi chuông báo động về sự tha hóa của tư tưởng tự do hiện đại ở phương Tây: “Nếu ngay từ ban đầu chủ nghĩa tự do cổ điển coi tự do của từng cá nhân như quyền tự do nói những gì mình muốn, làm những gì mình muốn thì tới thế kỷ 20, những người theo chủ nghĩa tự do đã bắt đầu tuyên bố về việc một xã hội cởi mở cũng có những kẻ thù! Và tự do của những kẻ thù như thế cần phải bị hạn chế, thậm chí cả bãi bỏ nữa. Hiện giờ, họ đã quá đà tới sự phi lý, khi mọi quan điểm khác họ đều bị coi là sự tuyên truyền và mối đe dọa đối với nền dân chủ...”.

Trong cách nhìn của Tổng thống Nga, cái gọi là phương Tây với những mâu thuẫn nội tại liên miên của nó trong quá khứ và đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay luôn luôn theo đuổi những trò “gắp lửa bỏ tay người”: “Ở đây không có gì mới cả. Đó là trò khiêu chiến ở Ukraine, khiêu khích xung quanh Đài Loan, gây bất ổn trên thị trường lương thực và năng lượng thế giới...”. Người đứng đầu nước Nga đã tuyên bố rằng, Moscow sẽ bắt đầu một cuộc đấu tranh mới nhằm thay đổi trật tự thế giới hiện nay, xóa bỏ vị thế "ăn trên ngồi trốc" của Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung trong các "ván bài" quốc tế.

leftcenterrightdel

Thế giới đa cực sẽ là tất yếu? Minh họa: MẠNH TIẾN


Kết cục đã được báo trước 

Thực ra, không phải tới bây giờ mới vang lên những hồi chuông báo động về sự bắt đầu của một quá trình “sao đổi ngôi” trong trật tự thế giới. Chính người Mỹ đã sớm nhận ra những nguy cơ đe dọa vai trò đầu tàu của họ trong một thế giới bị cuốn theo tưởng như không gì cưỡng nổi của xu thế toàn cầu hóa. Từ đầu thế kỷ 21 đã có không ít khẳng định cho rằng, sự suy giảm ảnh hưởng của một số cường quốc nhất định trên trường quốc tế cũng sẽ là kết quả tất yếu của xu hướng toàn cầu hóa, bởi lẽ không ai có thể nắm tay được từ sáng tới tối...

Còn nhớ, trung tuần tháng 12-2012, Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NIC) đã công bố một báo cáo dài 140 trang về xu thế phát triển trên trường quốc tế cho tới năm 2030. Một trong những luận điểm được các tác giả của bản báo cáo này đề xuất là, Washington sẽ mất vị thế của một siêu cường vượt trội và điều đó hiển nhiên sẽ tác động không nhỏ đến các tiến trình đang diễn ra trên thế giới. Bản báo cáo đó có nhan đề “Xu hướng toàn cầu năm 2030: Những thay thế trong tương lai”, đã nêu ra 4 xu thế lớn tác động mạnh mẽ khiến thế giới biến đổi mau lẹ. Và các cá nhân sẽ ngày càng có điều kiện để gia tăng ảnh hưởng của mình so với các quốc gia. Tầng lớp trung lưu sẽ bùng nổ và cuối cùng là tình trạng khan hiếm nước, thực phẩm, năng lượng, dẫn tới việc Mỹ đánh mất vai trò “chủ xị” của mình trong cuộc chơi toàn cầu.

Các chuyên gia tình báo Mỹ trong bản báo cáo trên cũng cho rằng, đến năm 2030, vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới sẽ thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, theo họ, sự thống lĩnh có thể có của Bắc Kinh trong lĩnh vực kinh tế tự thân nó sẽ không làm suy yếu ảnh hưởng của Washington với tư cách như một siêu cường. Sở dĩ nước Mỹ sẽ thôi không được làm “sen đầm quốc tế” nữa là do trên thế giới ở thời điểm đó sẽ hình thành và củng cố một trật tự mới, vận hành theo những quy tắc không giống như hiện nay.

Nếu trong giai đoạn đương đại, quyền định đoạt những công việc quốc tế quan trọng đang tập trung trong tay theo cách riêng rẽ ở một số quốc gia “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thì trong tương lai, tới năm 2030, nó sẽ bị điều tiết giữa những “anh hai” này. Theo các nhà nghiên cứu, trong thực tế, quan hệ giữa các nước này sẽ giống như một mạng lưới mà trong đó, những chi tiết riêng lẻ theo kiểu “ngậm miệng ăn tiền” của nước này sẽ không thể có bất kỳ tác động đáng kể nào tới các nước khác.

Cũng theo các tác giả của bản báo cáo từ NIC, trong hệ thống toàn cầu mới, trụ lại ở vị trí hàng đầu sẽ là những hiệp hội khu vực và các liên minh chính trị. Trong xu thế đó, Washington sẽ bị rơi vào thế kẹt: Đúng như nhiều người dự đoán, vào năm 2030, mức độ ảnh hưởng của các nước châu Á (bao gồm cả sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ) sẽ trở nên lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng ở Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại. Về “lục địa cũ” thì như các chuyên gia tình báo Mỹ dự đoán, Liên minh châu Âu sẽ chỉ có mức gây ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế thấp hơn so với các nước thuộc cái gọi là “nhóm mười một” (bao gồm: Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Mexico, Nigeria, Pakistan, Philippines, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam)...

Các chuyên gia tình báo Mỹ khi nêu rõ sự suy yếu đi của Mỹ trong tương lai vẫn nhấn mạnh tới vai trò cần thiết của Washington trên trường quốc tế trong việc duy trì một sự cân bằng lực lượng. Nếu như nước Mỹ không may sa cơ lỡ vận đến mức cực chẳng đã phải từ bỏ mọi cam kết quân sự và ngoại giao thì chắc chắn, tất cả phần còn lại của thế giới sẽ bị rơi vào tình trạng hỗn loạn... Tất nhiên, như thực tế hiện nay cho thấy, ở không ít nơi trên thế giới, một khi Washington can thiệp vào bằng con đường quân sự thì sự hỗn loạn hiện hữu rất nhiều khả năng sẽ lại càng gia tăng cường độ hơn...

Rõ ràng, trong thế giới hiện đại, chưa có nước nào khác đủ tiềm lực để “chọc trời khuấy nước” trên trường quốc tế như Mỹ. Đó là một thực tế mà nhiều quốc gia từng phải bấm bụng chấp nhận. Tuy nhiên, từ sau khi Liên bang Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, có vẻ như hình ảnh đã thay đổi. Một thế giới mới không cần nhất nhất tuân theo những tiêu chí do Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung áp đặt đang hình thành. “Những ngày hạnh phúc”, như Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở Berlin ngày 22-11-2022, đã kết thúc. Nguyên nhân khởi nguồn dẫn tới thực trạng buồn này không phải là chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga hay những hệ lụy từ đại dịch Covid-19.

Nhà lãnh đạo Đức cho rằng, phương Tây bắt đầu thôi “không yên tĩnh” nữa chủ yếu là vì sự vươn lên của những nước châu Á từ hàng chục năm nay trong sản xuất hàng hóa rẻ tiền đối với các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Hiện nay, các nước châu Á đã đủ sức để cạnh tranh với châu Âu trong lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu và công nghệ. Đấy mới là thách thức lớn nhất đối với phương Tây trong tương lai gần gụi nhất. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga và đại dịch Covid-19 chỉ góp phần làm gia tăng ảnh hưởng tiêu cực nảy sinh từ sự cạnh tranh mới đó đối với thế giới phương Tây.

HỒNG THANH QUANG