Tập đoàn Russell là một mạng lưới gồm 24 trường đại học, trong đó có trường Bristol. Theo một thống kê của truyền thông Anh, trong 3 năm qua, 12 sinh viên của tập đoàn này đã chết vì nhiều lý do khác nhau, trong đó tự tử do áp lực học hành là một nguyên nhân. Trước thực trạng trên, ban lãnh đạo Trường Đại học Bristol quyết định đưa môn học “hạnh phúc” trở thành điều kiện bắt buộc để sinh viên có thể tốt nghiệp. Trước đó, năm 2018, trường đã tổ chức khóa học thí điểm với sự tham gia của 400 sinh viên và đã có những phản hồi tích cực.

leftcenterrightdel
Học sinh Ấn Độ trong buổi học “hạnh phúc” năm 2018. Ảnh: Getty

Theo ban giám đốc nhà trường, khóa học “hạnh phúc” sẽ kéo dài trong 12 tuần, tương đương với 20 trong 120 tín chỉ đối với sinh viên năm thứ nhất. Ngay trong tháng 9 tới, môn học này sẽ do Giáo sư Bruce Hood, một chuyên gia tâm lý nghiên cứu về hoạt động của não người phụ trách. Mỗi tuần, sinh viên sẽ có một buổi học về “hạnh phúc”. Tại đây, Giáo sư Bruce Hood sẽ giúp sinh viên giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm cả mối liên hệ giữa hạnh phúc và di truyền. Trong mỗi giờ học, sinh viên cũng được giao bài tập làm tại lớp. “Khóa học này được xây dựng trên nền tảng mà chúng tôi đã dạy cho sinh viên hồi năm ngoái nhưng chúng tôi sẽ giám sát các em chặt chẽ hơn, buộc họ phải thực sự nỗ lực khi tham gia”, Giáo sư Bruce Hood nói.

Trên thực tế, các khóa học “hạnh phúc” tương tự đã được tổ chức ở nhiều trường đại học trên thế giới, trong đó có Trường Đại học Yale ở Mỹ. Laurie Santos, một giảng viên của trường Yale, đã chỉ ra kết quả tích cực của sinh viên sau khóa học: “Tôi nhận được email từ các sinh viên nói với tôi rằng lớp học đã thay đổi cuộc sống hoặc quỹ đạo của họ”.

“Tâm lý tích cực” cũng là một trong những khóa học nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của sinh viên các trường đại học Pháp kể từ năm 2007.

Tại Ấn Độ, những lớp học “hạnh phúc” được mở ra từ cuối năm 2018 cũng đã mang lại những tín hiệu tích cực. Trước đây, quốc gia đông dân thứ hai thế giới luôn áp dụng tiêu chí học tập là trên hết. Học vất vả, thi khó, tỷ lệ đầu vào giới hạn tại các trường đại học có tiếng tăm, khiến môi trường trên lớp học luôn căng thẳng. Hậu quả cuối cùng là tỷ lệ tự sát ở giới học sinh trung học tăng cao. Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017 tiết lộ sự thật đáng báo động, cứ 4 học sinh từ 14 đến 15 tuổi lại có một em phải đánh vật với tình trạng trầm cảm. Để tìm lối thoát cho những bế tắc trên, Bộ Giáo dục Ấn Độ đã triển khai các lớp học “hạnh phúc”.

Theo phương pháp mới, những giờ học hạnh phúc được thiết kế mà không cần giáo trình hoặc các bài kiểm tra. Với thời lượng 45 phút đều đặn, lớp học duy trì mỗi ngày trong tuần dạy những đứa trẻ biết cách ngồi tĩnh lặng, nhận diện những dòng suy nghĩ tiêu cực và bình tâm đối diện. Học sinh cũng được giảng về giá trị cuộc sống, hướng dẫn có các kỹ năng tư duy phản biện hay bày tỏ những giá trị sống cơ bản như lòng dũng cảm, sự tử tế, thái độ tôn trọng và lòng biết ơn. Ngoài ra, các em còn được học cách tự chăm sóc bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần. Shubha, một học sinh lớp 6 đã chia sẻ rằng, em rất hài lòng khi tham gia khóa học “hạnh phúc” ở trường. Sau khóa học, em nhận ra rằng, khi tâm trạng không tốt, làm việc sẽ không hiệu quả. Vì vậy, “hãy tạo tâm trạng tích cực khi bắt tay vào học tập”.

Theo các nhà giáo dục, khóa học “hạnh phúc” đã giúp các em biết cách giải tỏa cảm xúc, tự đối diện với trạng thái lo lắng, căng thẳng, để trở thành một cá nhân khỏe mạnh, sẵn sàng vượt qua mọi trải nghiệm dẫu tích cực hay tiêu cực.

ANH NGỌC