Việc gia nhập UNESCO một năm trước khi trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc (LHQ) không chỉ thể hiện việc Việt Nam sẵn sàng hội nhập quốc tế mà qua đó giúp bạn bè trên thế giới hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Hình mẫu hợp tác hiệu quả
Thành lập ngày 16-11-1945, UNESCO được xem như là “ngôi nhà trí tuệ” của thế giới, là nơi tập hợp, quy tụ các nền văn hóa đa dạng với sự bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Việt Nam gia nhập UNESCO vào tháng 7-1976, ngay sau khi thống nhất đất nước và một năm trước khi trở thành thành viên đầy đủ của LHQ. Trong 46 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và luôn làm việc với tiêu chí hướng đến một mục tiêu cao hơn ở UNESCO.
Đánh giá về nỗ lực của Việt Nam tại UNESCO trong những năm qua, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định, Việt Nam là một hình mẫu hợp tác hiệu quả với UNESCO. Quả vậy, sau khi gia nhập UNESCO, với sự năng nổ, tích cực, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều cơ quan của UNESCO như: Cơ quan hoạch định chính sách và tài chính (1978-1983); Hội đồng Chấp hành (1978-1983), (2001-2005), (2009-2013), (2015-2019), (2021-2025); Phó chủ tịch UNESCO (2001-2003), thành viên Ủy ban Di sản thế giới (2013-2017)... Mới đây, ngày 6-7-2022, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, nhiệm kỳ 2022-2026. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO, sau nhiệm kỳ 2006-2010. “Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu, sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới. Đây cũng là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam, đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử của Việt Nam trong những năm vừa qua”, Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh.
Là thành viên tích cực của UNESCO, Việt Nam đã triển khai phê chuẩn nhiều công ước quan trọng của UNESCO như: Công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa... Việt Nam cũng đẩy mạnh đóng góp sáng kiến của mình trong các lĩnh vực chuyên môn như: Xóa mù chữ, trung tâm học tập cộng đồng, áp dụng nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững vào mô hình khu dự trữ sinh quyển...
Xác lập tên trên bản đồ di sản thế giới
Những nỗ lực và đóng góp tích cực của Việt Nam cho UNESCO đã được ghi nhận không chỉ bằng những đánh giá, những tán dương trên bàn hội nghị quốc tế mà còn bằng những ghi nhận hết sức cụ thể, thiết thực. Ông Michael Croft, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam (nhiệm kỳ 2017-2021), nhận định các quốc gia đều có những di sản văn hóa, song điểm khác biệt là văn hóa Việt Nam đi suốt chiều dài lịch sử đất nước. Di sản ngoại giao văn hóa cũng góp phần giúp Việt Nam chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Việt Nam không chỉ có nhiều di sản văn hóa truyền thống mà còn nhiều văn hóa đương đại.
Theo ông Michael Croft, Việt Nam đã kiên trì và thực hiện nhất quán một trong những mục tiêu quan trọng của UNESCO, đó là truyền thống văn hóa hòa bình, sự theo đuổi và thúc đẩy hòa bình. Ghi nhận thiện chí và nỗ lực này của Việt Nam, UNESCO đã vinh danh Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình” năm 1999, là thành phố đầu tiên của châu Á-Thái Bình Dương được trao tặng danh hiệu này. 20 năm sau, Thủ đô Hà Nội tiếp tục được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát huy đầy đủ tiềm năng của các công ước văn hóa của UNESCO. Đến nay, Việt Nam đã có 8 di tích được Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO công nhận là di sản thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào các danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và cần được bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ra, UNESCO cũng công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Việt Nam... Các di sản này đã giúp Việt Nam ghi tên vào bản đồ di sản thế giới, góp phần làm phong phú thêm văn hóa, văn minh nhân loại.
Ngoài vinh danh các di sản của Việt Nam, UNESCO còn thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các danh nhân Việt Nam như: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), 600 năm Ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm Ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019). Mới đây, tháng 11-2021, UNESCO đã thông qua Nghị quyết kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm Ngày sinh, 200 năm Ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Việc UNESCO và các nước thành viên thông qua nghị quyết cùng tôn vinh các danh nhân Việt Nam mang lại sự ghi nhận toàn cầu đối với những lý tưởng về hòa bình, bình đẳng xã hội, học tập suốt đời mà Việt Nam cùng chia sẻ với thế giới, phù hợp với những mục tiêu chung của tổ chức và những nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ của con người Việt Nam.
Khi đến thăm khu di sản Tràng An và cố đô Huế trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 7-9 vừa qua, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã rất ấn tượng về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế với du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên của Việt Nam. Theo bà, mỗi di sản, theo cách riêng của mình, góp phần thể hiện bề dày lịch sử của Việt Nam cũng như thể hiện sự giàu có và đa dạng của văn hóa Việt. Tổng giám đốc UNESCO cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam đã biết tạo dựng một mô hình phát triển dựa trên cơ sở đầu tư đáng kể cho giáo dục. Việt Nam cũng đã đưa ra những cam kết cụ thể để bảo vệ di sản, một trong những trụ cột tạo nên bản sắc và sự phát triển. Trong cả hai lĩnh vực, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng.
Mặc dù vậy, theo Tổng giám đốc UNESCO, các nỗ lực trên cũng cần được duy trì tốt để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Một thách thức khác mà Việt Nam cần phải vượt qua được mà bà Audrey Azoulay đề cập tới chính là biến đổi khí hậu. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói với tôi nhiều về biến đổi khí hậu và họ rất có ý thức về những thách thức đối với việc bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản. Việt Nam cũng đã rất nỗ lực, làm rất nhiều để làm sao dung hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển du lịch với bảo vệ di sản. Khu di sản Tràng An chính là một ví dụ tốt cho nỗ lực đó”, bà Audrey Azoulay nhấn mạnh.
Tổng giám đốc UNESCO cho rằng, cùng với việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, đã đến lúc phải phục hưng văn hóa trong thời đại mới. Đây cũng là định hướng mà UNESCO tiếp tục hợp tác và đồng hành với Việt Nam trong thời gian tới, phát huy các giá trị truyền thống được hun đúc từ hơn nghìn năm qua, đổi mới, sáng tạo để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại-kỷ nguyên văn minh trí tuệ và toàn cầu hóa.
Có thể khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, bao vây cấm vận hay hội nhập, sức sống Việt Nam nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng không ngừng phát triển và lớn mạnh, luôn luôn trỗi dậy với một sức mạnh phi thường. Gia nhập vào “ngôi nhà trí tuệ” UNESCO giúp Việt Nam hội nhập văn hóa thế giới sâu rộng hơn, góp phần củng cố “sức mạnh mềm” của ngoại giao Việt Nam, làm sâu sắc thêm giá trị nhân văn, cốt cách, khí phách, bản lĩnh con người Việt Nam, tô thắm lịch sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời trở thành một trong những động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội Việt Nam ngày càng phát triển.
MINH ANH