Người đẹp Chai Nicole Bangayan từng tham gia một cuộc thi hoa hậu ở Philippines cách đây hai năm, đơn giản là muốn làm vui lòng cha mẹ. “Cha mẹ muốn nhìn thấy tôi tự tin trên sân khấu. Vì thế, họ đã mời thầy dạy tôi cách trình diễn cũng như trả lời các câu hỏi vấn đáp. Cha mẹ muốn tôi giành được các danh hiệu, nhưng điều đó đồng nghĩa với tốn kém”.
Gia đình Chai chỉ là một trong hàng trăm nghìn gia đình ở Philippines đam mê với các cuộc thi hoa hậu. Họ cuồng nhiệt với các nữ hoàng sắc đẹp, sẵn sàng đứng dưới trời nắng nhiều giờ để chào đón Pia Wurtzbach-Hoa hậu Hoàn vũ 2015 hay Catriona Gray-Hoa hậu Hoàn vũ năm 2018. Không tự hào sao được khi Philippines hiện sở hữu 4 danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ, 1 danh hiệu Hoa hậu Thế giới, 6 danh hiệu Hoa hậu Quốc tế và 4 danh hiệu Hoa hậu Trái đất. Điều này khiến Philippnies trở thành quốc gia thành công thứ hai, sau Venezuela trong 4 cuộc thi sắc đẹp quan trọng nhất hành tinh.
Theo Giáo sư José Capili của Trường Đại học Philippines Diliman, các cuộc thi sắc đẹp ở Philippines bắt nguồn từ năm 1908 khi chính quyền thuộc địa tổ chức lễ hội hóa trang đầu tiên với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, miền. “Một cuộc thi sắc đẹp đã được tổ chức bên lề sự kiện và cuối cùng, cuộc thi này (sau đó được đổi tên thành Hoa hậu Philippines) trở thành sự kiện chính”. Giáo sư Capili cho biết thêm, vào thập niên 1970, các cuộc thi hoa hậu được tổ chức rộng rãi ở Philippines nhằm chuyển sự chú ý của dư luận khỏi các vấn đề chính trị và xã hội. Các chính trị gia địa phương coi đó là cơ hội và bắt đầu ủng hộ tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong khu vực bầu cử để duy trì hình ảnh tốt đẹp với người dân.
Cho đến nay, mỗi hòn đảo, mỗi thành phố, mỗi quận đều tổ chức các cuộc thi sắc đẹp theo cách riêng của mình. Theo Robert Requestintina, người phụ trách trang giải trí của tờ Manila Bulletin, các cuộc thi này thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp trong xã hội, từ cộng đồng LGBT đến người cao tuổi, thậm chí cả người giúp việc gia đình. Ở bất cứ đâu, họ cũng bàn luận xoay quanh chủ đề cuộc thi, từ màn trình diễn đến phần thi ứng xử. Các cơ quan truyền thông cũng tăng số lượng bài viết trên trang nhất trước mỗi cuộc thi, có các chuyên mục đánh giá trang phục, sự chuẩn bị và tình huống ứng xử của từng thí sinh.
|
|
Hoa hậu Hoàn vũ 2018 Catriona Gray. Ảnh: Vogue |
Giống như Venezuela, ở Philippines cũng có các “lò đào tạo” hoa hậu thu hút nhiều người đẹp tham gia, trong đó Aces & Queens là “lò đào tạo” nổi tiếng nhất. Các người đẹp mong muốn đổi đời nhờ cuộc thi hoa hậu phải tập luyện cả ngày trên đôi giày cao 16cm. Họ được dạy làm tóc, trang điểm, trình diễn trang phục, cách trả lời câu hỏi ứng xử. Đặc biệt, họ được đào tạo để phát triển sự tự tin và có tinh thần chiến thắng. “Điều quan trọng, ngoài chất lượng câu trả lời, các thí sinh phải biết thể hiện biểu cảm phù hợp khi nói. Tôi gọi là vũ đạo trên khuôn mặt”, Gerry Diaz, Giám đốc của Aces & Queens nói.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ Philippines mơ ước trở thành hoa hậu, bởi lẽ ngoài việc mang vinh quang về cho đất nước, cho địa phương, đây còn là cơ hội giúp họ thoát nghèo và phát triển sự nghiệp. “Đối với những ai muốn theo nghề điện ảnh hoặc truyền hình, kết hôn với người có tầm ảnh hưởng hoặc trở thành nữ doanh nhân, nhân vật chính trị, cuộc thi hoa hậu chắc chắn là bàn đạp tốt nhất”, Giáo sư Capili nhấn mạnh. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, ở một quốc gia có 1/5 người sống với mức thu nhập dưới 3 euro mỗi ngày như Philippines thì các cuộc thi hoa hậu còn là cơ hội nuôi dưỡng hy vọng nuôi sống cả gia đình.
HOÀNG CHÂU