Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, có những lá đơn được lớp thanh niên ngày ấy viết bằng máu, với mong muốn duy nhất là được dâng hiến sức lực, tuổi xuân cho Tổ quốc.

Những ngày qua, Bắc Giang, Bắc Ninh được ví như những mặt trận lớn, nóng bỏng, khi “giặc" Covid-19 hoành hành dữ dội. Trong số những "chiến binh áo trắng" từ khắp các địa phương tình nguyện về "chiến đấu" trong tâm dịch, có một sinh viên y khoa giấu gia đình, xung phong về chống dịch tại Bắc Ninh. Chỉ đến khi sắp bước vào "mặt trận", em mới nhắn tin về nhà để bố mẹ đỡ lo. Đáp lại chuyện “đi trốn” của con là sự đồng tình và những lời căn dặn ấm lòng từ người cha. 

leftcenterrightdel
Sinh viên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tham gia chống dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y sĩ, bác sĩ và các lực lượng vũ trang đang ngày đêm chiến đấu với Covid-19 trên tuyến đầu; những tình cảm, tấm lòng và tinh thần sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi của nhân dân cả nước với bà con vùng dịch; hay chuyện giấu gia đình đi vào tâm dịch của nữ sinh viên y khoa nọ... đang tiếp tục hun đúc và làm đằm sâu hơn cốt cách cao đẹp của con người Việt Nam. Trách nhiệm với Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân vì cộng đồng, những phẩm chất ấy đã ngấm vào huyết quản, thường trực trong tâm thức của nhiều người Việt Nam. Nó như ngọn lửa luôn âm ỉ, chực chờ, nếu biết cách đánh thức, khơi dậy sẽ ngay lập tức bùng lên mạnh mẽ và bền bỉ.

Trốn ra mặt trận. Trong quá khứ, đó là những câu chuyện đẹp, là chất xúc tác tạo nên nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho ý chí, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng dân tộc, giữ nước, giữ nhà của cha ông ta. Nay, hành động ấy lại tiếp tục tạo nên nguồn cảm hứng, sức mạnh, niềm tin và khát khao cống hiến của người Việt Nam trên hành trình khống chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19.

PHẠM HOÀNG HÀ