Nghị định số 36/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ về chế độ, chính sách đối với vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao như: Được chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương; chế độ dinh dưỡng đặc thù; bảo đảm học tập văn hóa, chính trị; ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm; hưởng lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động... Tuy nhiên, với nhiều VĐV thành tích cao, thể thao vẫn chưa là một nghề, phải trông chờ vào tiền thưởng mới đủ lo toan cuộc sống.

Long đong những mảnh đời thể thao


Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, võ sĩ Đào Hồng Sơn (Đội tuyển Jiu-jitsu Việt Nam) đã mất đi một khoản tiền đáng kể là ship đồ thể thao và dạy thêm võ thuật tổng hợp. Các giải đấu liên tục bị hoãn và hủy, tập luyện cũng chỉ cầm chừng càng khiến thu nhập của Hồng Sơn thêm bấp bênh. Đôi mắt đượm buồn, chàng trai sinh năm 1997 này trải lòng: “Vì nuôi con nhỏ nên gia đình không thể chỉ trông chờ vào tiền công tập luyện và thi đấu của em trên đội tuyển được. Nếu không có dịch Covid-19, em tranh thủ làm thêm mỗi tháng cũng kiếm được từ 4 đến 5 triệu đồng. Số tiền này phần nào giúp cuộc sống của gia đình em đỡ khó khăn hơn”.

Không khá hơn Đào Hồng Sơn là mấy, đã hơn một năm qua, đô cử Phạm Tuấn Anh (Đội tuyển Cử tạ Việt Nam) chưa gửi được tiền về phụ giúp gia đình. Không có giải đấu đồng nghĩa với không có tiền thưởng, nguồn thu nhập chính bị ảnh hưởng khiến cho nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền của Tuấn Anh còn nặng hơn cả gánh tạ trên vai. Phạm Tuấn Anh tâm sự rằng, nếu các giải đấu diễn ra bình thường, mỗi năm anh kiếm thêm được từ 30 đến 40 triệu đồng tiền thưởng bởi thành tích thi đấu. Năm nào có SEA Games thì số tiền thưởng được tăng lên, có thể đạt được từ 80 đến 100 triệu đồng. Nhưng gần hai năm qua, dịch Covid-19 khiến các giải thể thao bị “đóng băng”, tiền công tập luyện trên đội tuyển của Tuấn Anh cũng không để dư ra được mấy.

Hoàn cảnh của Đào Hồng Sơn và Phạm Tuấn Anh là câu chuyện chung của nhiều VĐV khác. Thực tế, hầu hết các VĐV thể thao thành tích cao của Việt Nam đều không đủ sống với tiền công. Bởi vậy, tiền thưởng là phương thức duy nhất để VĐV trang trải cuộc sống. Tùy theo quy định của địa phương mà mỗi VĐV được thưởng theo thành tích thi đấu. Ví dụ, một VĐV Đoàn thể thao Hà Nội giành huy chương vàng (HCV) quốc gia sẽ được đơn vị thưởng 15 triệu đồng, huy chương bạc (HCB) nhận thưởng 10 triệu đồng và 5 triệu đồng là phần thưởng cho VĐV đoạt huy chương đồng (HCĐ). Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng làm tốt chế độ chính sách như Đoàn thể thao Hà Nội. Nhiều địa phương chỉ có mức thưởng 5 triệu đồng cho HCV, có những địa phương lại trao thưởng bằng hiện vật.

Để nuôi hy vọng thoát nghèo, nhiều VĐV phải hướng đến đích cao hơn từ các giải thưởng cấp khu vực, châu lục và thế giới. Theo đó, VĐV giành HCV Olympic được thưởng 350 triệu đồng, giành HCB Olympic nhận thưởng 220 triệu đồng và HCĐ là 140 triệu đồng. Tại đấu trường ASIAD, VĐV giành HCV nhận 140 triệu đồng tiền thưởng, HCB nhận 80 triệu đồng và HCĐ nhận 55 triệu đồng. Còn tại SEA Games, mỗi HCV được thưởng 45 triệu đồng, HCB là 25 triệu đồng và HCĐ là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, đâu phải VĐV nào cũng may mắn giành được phần thưởng trên bởi việc góp mặt tại các giải đấu quốc tế cũng đã là cả một hành trình đầy khó khăn.

leftcenterrightdel

Thu nhập của một vận động viên bi sắt chỉ trông vào tiền công và tiền thưởng.

Ảnh: HỮU TRƯỞNG  

Trò chuyện với ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Nghệ An, chúng tôi hiểu thêm về những thiệt thòi mà các VĐV phải trải qua để theo đuổi đam mê. Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, sở dĩ nhiều VĐV vẫn chưa đủ sống với tiền công tập luyện và thi đấu bởi nhận thức của xã hội vẫn chưa coi thể thao là một nghề, VĐV vẫn chưa được quan tâm đúng mức. “Mấy năm qua, chúng tôi tuyển chọn VĐV năng khiếu rất khó khăn. Bởi không ít VĐV khi theo thể thao vẫn không đủ sống, nhiều người không nhìn thấy tương lai khi theo thể thao. Tuổi nghề của VĐV thường không dài. Đặc biệt, sau khi VĐV giải nghệ, nhiều em phải bắt đầu lại từ đầu, trong khi cơ sở vật chất của nhiều trung tâm còn rất khó khăn nên sự hỗ trợ dường như không có. Nhiều VĐV trông chờ vào tiền thưởng cho đỡ khó khăn, nhưng đã gọi là thưởng trong thể thao thì thường không mang tính ổn định”, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết.

Nghe nhận xét của ông Nguyễn Hoàng Trung, tôi nhớ đến câu chuyện đúng dịp kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, một nữ VĐV điền kinh của Việt Nam đã tâm sự rằng: “Đã hai năm qua bọn em không nhận được tiền thưởng của địa phương cho thành tích thi đấu quốc gia. Em chỉ mong được nhận tiền thưởng như đã hứa, bởi em cần có tiền mua sữa cho con”.

Chế độ tăng nhưng...


Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 24-12-2018, các VĐV đội tuyển quốc gia nhận tiền công tập luyện và thi đấu là 270.000 đồng/người/ngày, còn đội tuyển trẻ quốc gia nhận 215.000 đồng/người/ngày. Đối với các VĐV cấp tỉnh tuyến 1 là 180.000 đồng/người/ngày; tuyến 2 hưởng 75.000 đồng/người/ngày; tuyến 3 nhận 55.000 đồng/người/ngày. Như vậy, nếu một VĐV không được triệu tập lên đội tuyển quốc gia thì chỉ nhận mức tiền công khoảng 5.400.000 đồng/tháng, tuyến 2 chỉ là 2.250.000 đồng/tháng và tuyến 3 là 1.650.000 đồng/tháng. Có một nghịch lý là mức thu nhập của VĐV cấp tỉnh còn thua xa lương công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Theo đó, tiền lương bình quân của công nhân trong năm 2020 ước đạt 7,54 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, mấy năm qua mới có chuyện nhiều VĐV đã phải chia tay đam mê thể thao để đi làm công nhân bởi nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền không biết san sẻ cùng ai.

leftcenterrightdel
 Đô cử Hoàng Thị Duyên thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters 

Khi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, mỗi VĐV sẽ được nhận khoảng 8.100.000 đồng/tháng và mọi chế độ ở địa phương đều tạm thời bị cắt (bởi theo quy định VĐV chỉ được hưởng tiền công tập luyện tại một đơn vị). Kể cả trường hợp của 18 VĐV thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 cũng chỉ được hưởng chế độ như trên. Tuy nhiên, khi Thế vận hội kết thúc, kế hoạch tập trung đội tuyển tạm dừng thì các VĐV kể trên trở về địa phương cũng chỉ hưởng mức theo quy định là 180.000 đồng/ngày. Không có thành tích đồng nghĩa với việc VĐV không có tiền thưởng, thậm chí áp lực còn tăng lên gấp bội từ những chỉ trích của dư luận bởi kết quả không như mong muốn trong thời gian qua.

So với Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2011, chế độ tiền công tập luyện, tiền ăn hằng ngày của VĐV hiện nay đã tăng lên đáng kể. Theo quy định cũ, tiền công tập luyện của VĐV quốc gia chỉ là 150.000 đồng/ngày. Với các địa phương, chế độ cho VĐV chỉ lần lượt là 80.000 đồng, 40.000 đồng và 30.000 đồng cho các tuyến 1, 2, 3. Bởi vậy, Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ra đời đã cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho sự nghiệp phát triển thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đã chi trả chế độ cho VĐV theo quy định mới. Đề cập tới vấn đề này, ông Lại Phúc Lộc, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội cho rằng: “Thực tế, việc chi trả chế độ, chính sách cho VĐV còn tùy thuộc vào ngân sách của mỗi địa phương. Có một số địa phương vẫn đang áp dụng chế độ cũ, thu nhập của các VĐV gặp nhiều khó khăn”.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: “Những năm qua, ngành thể thao đã chủ động tham mưu các chế độ, chính sách cho VĐV. Có thể khẳng định rằng, sự ra đời của Nghị định số 152/2018/NĐ-CP thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho thể thao, tạo động lực để thể thao Việt Nam phát triển. So với giai đoạn trước thì mức thu nhập của các VĐV thể thao có tăng nhưng chưa tương xứng với đặc thù, trình độ nghề nghiệp. Khác với lĩnh vực khác, các VĐV thể thao cần một chế độ chăm sóc đặc biệt. Bởi sau mỗi buổi tập luyện, thi đấu thì ngoài việc phải ăn uống đủ dưỡng chất, họ cần phải bổ sung năng lượng thông qua thuốc bổ. Đáng nói, nhiều VĐV các bộ môn vẫn phải tự bỏ tiền túi để mua thuốc bổ trong khi tiền công tập luyện lại không cao. Nhiều huấn luyện viên đã tâm sự với tôi rằng, nhiều lúc đi tuyển sinh gặp được VĐV năng khiếu có chất lượng tốt nhưng không sao thuyết phục được gia đình các em. Họ không ngần ngại chất vấn: Tương lai của con tôi sẽ ra sao khi theo thể thao? Nhiều gia đình nghĩ rằng thể thao không có tương lai, không xem thể thao là một nghề trong xã hội và lo ngại rằng sau khi giải nghệ, con em họ sẽ làm gì”.

Theo Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức ăn hằng ngày của VĐV đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia trong thời gian tập trung tập huấn là 320.000 đồng/người/ngày. VĐV đội tuyển cấp tỉnh có mức ăn 240.000 đồng/người/ngày và 200.000 đồng/người/ngày là mức ăn của VĐV đội tuyển trẻ cấp tỉnh/ngành. Mức ăn hằng ngày khi VĐV tập trung thi đấu lần lượt là 320.000 đồng dành cho đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia; 240.000 đồng dành cho VĐV đội tuyển cấp tỉnh và đội tuyển trẻ cấp tỉnh/ngành. Thực tế, VĐV chỉ nhận tiền công tập luyện, còn số tiền ăn đã trừ vào các suất ăn hằng ngày.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG