Đưa thể thao phong trào đi vào chiều sâu
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng và phát triển sự nghiệp TDTT, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả quản lý nhà nước và đầu tư xây dựng các cơ sở tập luyện TDTT. Cả nước hiện có hơn 113.000 công trình thể thao, và cùng với đó, công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về lợi ích của việc tập luyện TDTT cũng được đẩy mạnh. Tính đến hết năm 2020, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ 34,4% dân số. Số hộ gia đình luyện tập TDTT thường xuyên đạt 25,6%. Số trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt 100%; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 79%...
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các chỉ tiêu lớn trong chiến lược cơ bản đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu về TDTT quần chúng. Dù vậy, khi đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Chiên, Phó vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thừa nhận: “Phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh song chưa đều, chất lượng chưa cao. Các chính sách phát triển TDTT quần chúng còn thiếu, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện TDTT ở các khu sinh hoạt chung, sinh hoạt cộng đồng và những khu công viên còn thiếu. Bên cạnh đó, nhiều khu chung cư được xây dựng rất lớn, nhưng dành đất, lắp đặt trang thiết bị tập luyện chung rất ít. Để phong trào TDTT quần chúng đi sâu vào đời sống nhân dân thì cần sự chung tay của các bộ, ban, ngành chứ không riêng gì ngành thể thao”.
|
|
Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa sâu (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19). |
Nhiều chuyên gia nhận định, để phát triển thể thao thành tích cao thì cần phải đầu tư có chiều sâu vào TDTT quần chúng. Muốn phát triển TDTT quần chúng thì cần bố trí đủ ngân sách và từng bước tăng tỷ trọng chi ngân sách sự nghiệp TDTT tại địa phương, quy hoạch đất dành cho TDTT và xây dựng các thiết chế thể thao cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân và công nhân lao động. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật được sử dụng các trang thiết bị tập luyện, cơ sở vật chất, công trình thể thao hiện có thuộc sự quản lý của địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng, đề xuất: “Cần phải tăng cường bồi dưỡng tài năng trẻ thể thao; đầu tư, phát triển các môn thể thao có thế mạnh của địa phương và chú trọng các môn thể thao có trong chương trình Olympic, ASIAD để nâng cao thành tích thể thao. Ngoài ra, phương án đẩy mạnh phát triển các môn thể thao giải trí gắn với phát triển du lịch sẽ tạo thêm động lực để phát triển phong trào TDTT toàn dân trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa được mục tiêu này thì cần có nguồn lực rất lớn”.
Cái khó bó cái khôn
Trò chuyện với ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, chúng tôi phần nào hình dung được bức tranh về lịch sử phát triển của thể thao Việt Nam (TTVN). Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, trước kia phát triển thể thao thành tích cao tại Việt Nam được áp dụng theo kiểu “ngắt ngọn”. Tức là thông qua các giải trẻ, huấn luyện viên sẽ tuyển chọn những vận động viên (VĐV) năng khiếu về bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Cách làm này tạo hiệu quả tức thì, đỡ tốn chi phí đào tạo nhưng không mang giá trị bền vững cao, bởi phần lớn các VĐV năng khiếu khi được phát hiện, tuyển chọn theo cách này đã quá tuổi, không được đào tạo bài bản dẫn đến thiếu bản lĩnh thi đấu, không đạt đến đẳng cấp chuyên môn cao nhất... Gần hai chục năm qua, TTVN đã có sự chuyển dịch rõ rệt khi ngày càng nhiều địa phương tập trung nguồn lực để đào tạo những VĐV năng khiếu từ nhỏ. Ngoài việc được đào tạo trong môi trường thể thao chuyên nghiệp, những tài năng này còn được đầu tư đi tập huấn nước ngoài để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đủ nguồn lực để đào tạo VĐV năng khiếu bởi đòi hỏi kinh phí rất lớn. “Quanh đi quẩn lại, chúng ta mới chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và quân đội là những đơn vị có sự đầu tư lớn cho thể thao thành tích cao. Nhiều địa phương hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn và đào tạo VĐV; vẫn còn chạy theo thành tích để báo cáo thay vì phát triển thể thao một cách bài bản, bền vững”, ông Hoàng Vĩnh Giang khẳng định.
Đúng như lời ông Hoàng Vĩnh Giang, trong quá trình tham gia tác nghiệp ở nhiều giải đấu thể thao cấp quốc gia, chúng tôi biết được một thực trạng về bệnh thành tích trong thể thao của nhiều địa phương hiện nay. Theo đó, nhiều huấn luyện viên, trưởng bộ môn đã tâm sự rằng, muốn một bộ môn của địa phương có thể tồn tại và phát triển thì cần phải đạt được số lượng huy chương theo kế hoạch. Chỉ cần hai đến ba năm không hoàn thành chỉ tiêu thì bộ môn đó đứng trước nguy cơ bị giải thể. Hẳn người hâm mộ thể thao không khỏi đau lòng khi vào tháng 2-2021, một đội bóng chuyền địa phương phát triển lâu năm tại Việt Nam thông báo kế hoạch giải thể vì không có thành tích, VĐV phải tự tìm bến đỗ khác. Địa phương đó dự kiến sẽ dồn lực để đầu tư môn bắn cung bởi cơ hội tranh chấp huy chương cao hơn nhiều so với bóng chuyền. Muốn tồn tại thì không có cách nào khác là bộ môn đó phải đạt được thành tích, bởi những nhà quản lý thể thao của địa phương cũng cần có thành tích để báo cáo với cấp cao hơn. Câu chuyện giúp bạn có huy chương, nhường thành tích vì thế xuất hiện ngày càng nhiều. Bởi nếu không giúp, chẳng may bộ môn đó của đơn vị bạn bị giải thể thì không có đối thủ thi đấu, VĐV biết chơi với ai?
Ngoài căn bệnh thành tích, chế độ cho VĐV chưa tương xứng thì cơ sở vật chất nghèo nàn cũng là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của TTVN. Rõ ràng Việt Nam đã thiếu sự đầu tư bảo đảm cho việc nâng cao thành tích của VĐV ở đấu trường lớn hoặc nói chính xác hơn là đầu tư không đủ tầm. Nhiều chuyên gia thể thao đều có chung quan điểm, muốn TTVN phát triển thì trước hết cần tập trung giải quyết các vấn đề từ cách làm, kinh phí và cơ sở vật chất. Hiện chúng ta gặp vấn đề là thiếu con người và đầu tư chưa tới, trong đó kinh phí đóng vai trò quan trọng. TTVN được Nhà nước đầu tư tốt nhưng chưa đủ, lại chưa tận dụng được các nguồn lực khác trong xã hội. Các môn thể thao cần có cơ chế hoạt động, như ở môn bóng đá, khi liên đoàn tự chủ trong các hoạt động, kêu gọi được nhiều nguồn lực hỗ trợ, được làm kinh tế thể thao để tái đầu tư cho đào tạo.
Thế giới hiện ghi nhận hai trường phái phát triển thể thao thành tích cao đạt hiệu quả tối ưu. Một là tập trung nguồn lực đầu tư cho thể thao học đường mà Mỹ là một ví dụ điển hình. Theo mô hình này, học sinh, sinh viên có thể thoải mái lựa chọn những môn thể thao mà mình yêu thích. Các em được tập luyện bài bản dưới sự hướng dẫn của giáo viên, giảng viên là những chuyên gia trong lĩnh vực thể thao. Những kỳ Olympic qua, đoàn thể thao Mỹ luôn duy trì được trong tốp đầu dựa vào nền tảng thể thao học đường. Tuy nhiên, phát triển theo mô hình này cần một nguồn kinh phí rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất TDTT trong trường học mà không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng. Hai là mở ra nhiều “lò” đào tạo thể thao thu hút những VĐV tham gia tập luyện từ nhỏ mà Trung Quốc là một ví dụ. Trong môi trường này, những VĐV nhí sớm phải khổ luyện từ nhỏ thông qua các giáo án tập luyện nghiêm khắc. Tuy nhiên, cách làm này không được nhiều người đồng tình bởi họ cho rằng VĐV tập luyện và thi đấu giống như một cái máy và điều này vô tình tước đoạt tuổi thơ của các em.
Việc phát triển thể thao thành tích cao thông qua nền tảng từ thể thao quần chúng được xem là chiến lược phù hợp với tiềm lực và văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài việc cần nguồn lực đầu tư lớn từ ngân sách, nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa thì mỗi địa phương cần có chiến lược phát triển thể thao định hướng một cách rõ ràng. Không thể hôm nay thích môn này, mai đầu tư cho môn khác và cũng không thể phát triển thể thao theo cách “ăn xổi”, chạy theo thành tích mãi được.
“Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu: Số VĐV quốc gia đạt 4.000 người vào năm 2020 và đạt trên 5.000 người vào năm 2030. Huấn luyện viên các cấp đạt khoảng 2.500 người vào năm 2020 và đạt trên 4.000 người vào năm 2030. Trọng tài các cấp đạt 3.500 người vào năm 2020 và trên 4.000 người vào năm 2030 (trong đó trọng tài cấp quốc tế đạt 300 người vào năm 2020 và đạt 350 người vào năm 2030). Đối với SEA Games, phấn đấu xếp hạng 1-2 toàn đoàn giai đoạn 2020-2030. Đối với ASIAD, phấn đấu xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu châu lục giai đoạn 2020-2030. Đối với Olympic, giai đoạn 2020-2030 có 30 đến 50 VĐV tham dự, đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có huy chương vàng. |
(còn nữa)
Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG