QĐND - Số phận nghiệt ngã đã không cho Platini hưởng cái niềm vui chinh phục được một giải thế giới dù đang ở vào thời kỳ đỉnh cao phong độ của mình. Nhưng giữa hai nỗi thống khổ mang tên World Cup vào các năm 1982 và 1986, ít ra số phận cũng công bằng khi để cho Platini có cơ hội tham gia một giải đấu mà Platini chính thức trở thành một “ông vua” của bóng đá châu Âu và hơn hết, là một trong số những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Pháp. Đó chính là Giải vô địch bóng đá châu Âu năm 1984 (Euro 84) diễn ra trên đất Pháp, quê hương của Platini.

Ngoài đội Pháp chủ nhà, tham dự giải châu Âu lần này có 7 đội đứng đầu 7 bảng ở vòng loại là các đội Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Nam Tư, Ru-ma-ni, Tây Đức, Tây Ban Nha. Ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch có đội Đức, á quân giải vô địch thế giới 1982. 

Tại giải đấu này, thể thức thi đấu có những thay đổi. 8 đội được chia làm hai bảng, mỗi bảng 4 đội, đấu vòng tròn chọn ra hai đội đầu bảng vào bán kết. Trận khai mạc ngày 12-6-1984 gặp Đan Mạch trên sân Công viên các Hoàng tử ở Paris trước 47.570 khán giả là một trận đấu vô cùng khó khăn với Platini và đồng đội. Các cầu thủ Đan Mạch đeo bám Platini rất chặt, dùng mọi biện pháp nhằm hạn chế tầm hoạt động của Platini. Thế nhưng, họ đã không thể nào cản phá được sự phối hợp giữa các cầu thủ tuyến tiền vệ của đội Pháp, bao gồm Michel Platini, Luis Fernandez, Jean Tigana, Alain Giresse. “Bộ tứ huyền hoặc” này đã gần như “nuốt chửng” tuyến giữa của Đan Mạch và gây sức ép mạnh mẽ lên khung thành của thủ môn Ole Qvist. Sức ép đó đã được chuyển hóa thành bàn thắng ở phút 79, khi trong một pha phối hợp với Alain Giresse, Platini đã sút tung lưới Ole Qvist, ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. 

Trận đấu thứ hai gặp đội tuyển Bỉ ngày 16-6 trên sân La Beaujoire ở Nantes thực sự là một trận đấu riêng của Platini với cú hat-trick đầu tiên ở giải này. Ngay phút thứ 4, Platini đã ghi bàn thắng mở điểm cho đội tuyển Pháp. Đến phút 33, Giresse nhân đôi cách biệt rồi 11 phút sau, đến lượt Fernandez nâng tỷ số lên 3-0. Sang hiệp 2, Pháp tiếp tục dồn ép buộc đội Bỉ phải hạ thấp đội hình chịu đòn. Phút 74, Platini ghi bàn thứ hai của mình trong trận đấu này từ chấm phạt đền, nâng tỷ số lên 4-0. Và khi trọng tài Bob Valentine người Xcốt-len chuẩn bị nổi còi hết giờ thì Platini đã hoàn tất cú hat-trick của mình, ấn định tỷ số 5-0 nghiêng về phía Pháp.

Cầu thủ M.Platini. Ảnh tư liệu

47.510 khán giả trên sân Saint-Etienne ngày 19-6-1984 chứng kiến một trận đấu đầy kịch tính giữa Pháp, đội đã chắc chắn lọt vào vòng bán kết, với Nam Tư, đội đã chắc chắn bị loại. Nam Tư chủ động tiến công và đã có bàn thắng mở tỷ số do công của Milos Sestic ở phút 32. Chỉ khi sang đến hiệp 2, “bộ tứ huyền hoặc” mới bắt đầu vận hành trơn tru và phát huy hết công suất. Platini đã có thêm một trận đấu xuất thần, vừa tổ chức thế công của đội tuyển áo lam, vừa tự mình ghi bàn. Phút 59, Platini gỡ hòa 1-1 cho Pháp, rồi 3 phút sau đó, nâng tỷ số lên 2-1. Đến phút 77, Platini hoàn thành cú hat-trick thứ hai của mình tại giải đấu này. Anh là cầu thủ duy nhất trong lịch sử đã lập hai hat-trick tại một kỳ Euro.

Trận bán kết Pháp - Bồ Đào Nha được coi là một trong số những trận đấu hay nhất trong lịch sử các Vòng chung kết giải bóng đá châu Âu. Phút 24, Platini chuyền bóng cực đẹp cho Jean Francois Domergue mở tỷ số cho đội Pháp. Sang hiệp 2, phút 74, Rui Jordao gỡ hòa 1-1, đưa hai đội vào thi đấu hai hiệp phụ. Tới phút 98, từ một đường chuyền bên cánh phải vào khu vực cấm địa đội Pháp, bóng tới chỗ Rui Jordao và cầu thủ này nhảy lên đánh đầu hụt, nhưng bóng nảy lên và… bay vào lưới đội Pháp! Thủ môn Joel Bats của Pháp đứng như trời trồng. 2-1 cho Bồ Đào Nha. Nhưng vẫn Domergue đã mang lại niềm hy vọng cho người Pháp khi một lần nữa ở phút 114 ghi bàn gỡ hòa 2-2.

Kim đồng hồ cứ nhích dần về những giây cuối cùng và các cầu thủ Bồ Đào Nha chuẩn bị sửa soạn cho những loạt đá phạt đền. Platini khoát tay vẫy các đồng đội của mình tràn lên tấn công. Cảm hứng từ Platini đã truyền sang các đồng đội và tinh thần các cầu thủ Pháp trở nên hưng phấn lạ thường. Phút 119, một mình Jean Tigana, cầu thủ da màu trong “Bộ tứ huyền hoặc” thực hiện một đường bóng solo dọc xuống cánh phải, khi xuống đến sát đáy biên ngang mới quất ngược trở lại trước khung thành Bồ Đào Nha. Platini di chuyển tới đón bóng, khống chế một nhịp rồi tung cú sút nặng như búa tạ tung nóc lưới thủ môn Manuel Bento, mang lại chiến thắng 3-2 cho Pháp. Cả nước Pháp như nổ tung trong niềm vui sướng bất tận. Sau bao nhiêu năm trời, đội bóng của họ mới có mặt trong trận chung kết một giải đấu lớn.

Đối thủ của Pháp trong trận chung kết Euro 84 trên sân Công viên các Hoàng tử ngày 27-6-1984 là Tây Ban Nha. Đội Pháp được hưởng một quả đá phạt trực tiếp cách khá xa vòng cấm địa, hơi chếch về phía bên trái cầu môn Tây Ban Nha. Platini đã sút bóng vào đúng vị trí mà thủ môn Arconada vừa mới nhấc chân lên. Arconada đã đổ người đón được nhưng có lẽ do lúng túng nên tuột tay để bóng trôi qua vạch cầu môn vào lưới. 1-0 cho Pháp. Sau này, thủ môn Arconada thú nhận: “Chính vì Platini quá nổi tiếng về tài sút phạt nên tôi đã mất bình tĩnh và sơ suất khiến đội tôi thua một quả không đáng!”. Đó là bàn thắng thứ 9 của Platini ở giải lần này.     

Với 9 bàn thắng sau 5 trận đấu, Platini đoạt ngôi Vua phá lưới của giải. Lối chơi của Platini ở giải này đã đạt tới sự hoàn mỹ, thanh thoát, nhẹ nhõm nhưng lại ẩn tàng một sức hủy diệt lớn. Platini đã ghi bàn trong từng trận đấu, ở mọi tư thế, sút phạt, đánh đầu, sau những pha phối hợp hoặc sút cầu môn, bằng cả chân phải, chân trái… Điều đặc biệt là Platini đã làm tất cả những điều đó với vị trí của mình ở khu vực giữa sân, vừa bao quát cả trận đấu lại phải vừa tham gia vào từng tình huống cụ thể. Nói một cách khác, Platini là một trong những cầu thủ toàn năng nhất mà thế giới bóng đá đã từng được chứng kiến.

 Nước Pháp tự hào vì có Just Fontaine với kỳ tích ghi 13 bàn thắng ở một Giải vô địch thế giới, giờ đây lại có thêm Platini giữ kỷ lục khó có thể bắt kịp là ghi nhiều bàn thắng nhất ở một Giải vô địch châu Âu. Cái bóng của Platini đã trùm lên Euro 84 lớn đến nỗi nhiều người đã gọi đó là Euro - Platini!

YÊN BA
Bài 2: “Phóng pháo cơ” G.Muller và libero huyền thoại F.Beckenbauer
Bài 1:“Con nhện đen” trong khung thành - Lev Yashin