“Vụt lớn” trong làng túc cầu thế giới

Ngày 4-6, câu lạc bộ (CLB) Real Madrid ra thông báo: Tiền đạo người Pháp Benzema sẽ rời đội bóng sau 14 năm gắn bó.

Ngày 6-6, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha Real Madrid làm lễ chia tay, đồng thời cũng là buổi tri ân bởi những đóng góp của Benzema cho đội.

Mọi việc diễn ra vô cùng nhanh chóng, để kịp cho trung phong người Pháp ra mắt CLB mới Al-Ittihad (ở Saudi Pro League) vào ngày 7-6. Tại đội bóng Al-Ittihad, Benzema nhận mức lương lên tới 100 triệu euro/mùa giải, cho bản hợp đồng kéo dài 2 năm, trong đó có điều khoản tự gia hạn thêm 1 năm.

Việc có được chữ ký của chân sút 36 tuổi này chưa phải là bản hợp đồng cao cấp cuối cùng của Saudi Pro League, vốn đang bắt tay vào một dự án trị giá hàng tỷ USD, được hỗ trợ bởi sự giàu có dường như không đáy của Quỹ đầu tư công (PIF) do chính quyền Riyadh kiểm soát. Dự án trên nhằm giúp Saudi Arabia “vụt lớn” trong làng túc cầu thế giới, thực hiện tham vọng sớm giành quyền đăng cai World Cup 2030 (liên danh với Ai Cập và Hy Lạp).

leftcenterrightdel
Benzema nở nụ cười “triệu đô” khi gia nhập Al-Ittihad. Ảnh: Getty  

Các hoàng thân ở Saudi Arabia hy vọng sự có mặt của những ngôi sao như Ronaldo và Benzema sẽ thuyết phục thêm hàng chục hảo thủ thành danh khác theo chân họ tới vương quốc này. Các bản hợp đồng là một phần của kế hoạch đầy tham vọng, được hỗ trợ ở cấp cao nhất của Nhà nước Saudi Arabia nhằm lan tỏa danh tiếng của Saudi Pro League và vị thế của đất nước trong nền kinh tế toàn cầu.

Al-Ittihad ký hợp đồng với Benzema diễn ra vài ngày sau khi Saudi Arabia chuyển quyền sở hữu 4 CLB lớn nhất của Saudi Pro League cho PIF từ chính phủ, bằng cách thông báo quỹ này đã nắm giữ 75% cổ phần sở hữu trong mỗi đội: Al-Ittihad (nhà vô địch mới đăng quang ở Saudi Pro League); Al-Nassr (đội bóng đang thuê Ronaldo); Al-Ahli và Al-Hilal. Bộ tứ này là những CLB lớn nhất và được theo dõi nhiều nhất ở Saudi Arabia.

4 CLB trên sẽ là những đội bóng hưởng lợi chính từ trọng tâm mới của PIF trong việc nâng cao vị thế của giải đấu và hình ảnh quốc gia. Nhưng quyền sở hữu chung của PIF đối với 4 đội bóng đã đặt ra câu hỏi về tính liêm chính trong thể thao. Các quy tắc của cơ quan quản lý bóng đá toàn cầu FIFA và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cấm một chủ sở hữu kiểm soát nhiều CLB trong cùng một giải đấu. Các quan chức Riyadh cho biết trong tuần đầu tháng 6 này, họ đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm các nhóm CLB thuộc sở hữu của PIF tuân thủ những quy định về công bằng tài chính cũng như tính liêm chính nhưng họ không đưa ra bằng chứng nào cho thấy các biện pháp bảo vệ đó đã được áp dụng.

Khi Saudi Arabia thắng Argentina và gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng Hồi giáo ở World Cup 2022, chính quyền Riyadh càng củng cố quyết tâm dùng thể thao, trong đó có bóng đá làm đòn bẩy để xây dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Mục tiêu này nằm trong dự án mang tên “Tầm nhìn 2030” của Thái tử, Thủ tướng Mohammed bin Salman, người đang thay cha mình - Quốc vương Salman bin Abdulaziz, điều hành đất nước.

Một trong những mục tiêu của dự án là biến Saudi Pro League trở thành một trong 10 giải đấu có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Kỳ thực, FIFA, AFC lẫn các liên đoàn bóng đá châu lục đang lo ngại, Saudi Pro League khó có thể trở thành đối thủ thực sự của các giải đấu lâu đời hơn ở châu Âu và các nơi khác, nhưng nguồn lực của PIF có thể gây bất ổn cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ toàn cầu trị giá hàng tỷ USD, đẩy giá của những cầu thủ tài năng lên cao đến mức phi lý.

Thể thao góp phần xây dựng hình ảnh đất nước

Các quan chức Chính phủ Saudi Arabia cho biết, dự án tham vọng trên có mục tiêu rộng lớn, khi chính phủ coi thể thao là một lĩnh vực đầy triển vọng, họ cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế đất nước, đồng thời giúp giải quyết vấn đề béo phì đang trên đường trở thành quốc nạn.

Cách đây một thế kỷ, dân số của Saudi Arabia mới chỉ có 2 triệu người (nay xấp xỉ 36 triệu người), sống trong một quốc gia được bao phủ phần lớn bởi bán đảo Arab, với địa hình chủ yếu là sa mạc. Dầu mỏ đã giúp Saudi Arabia trở nên cực kỳ giàu có nhưng vấn đề là thế giới đang dần hạn chế nhu cầu và tránh phụ thuộc vào dầu mỏ. Gia tộc Saud (cầm quyền từ bao đời nay ở Saudi Arabia) sẽ phải làm gì để duy trì quyền lực ở một vùng đất chỉ có dầu và cát? Thành công của nước láng giềng Qatar trong việc tổ chức World Cup 2022 chính là gợi ý không thể tuyệt vời hơn cho gia tộc Saud và chính quyền Riyadh. Nằm chính giữa đất nước là thủ đô Riyadh (và xứ Najd).

leftcenterrightdel
 Bầu không khí cuồng nhiệt trên sân nhà của đội bóng Al-Ittihad, đương kim vô địch Saudi Pro League. Ảnh: Getty 

Có điều lạ, Riyadh là thành phố lớn nhất đất nước, là trung tâm chính trị của Saudi Arabia nhưng nó biệt lập với các trung tâm dân cư khác; một yếu tố giải thích phần nào lý do người dân thủ đô lại thực hành một hình thức Hồi giáo mà hầu hết dân chúng ở các vùng khác trên đất nước đều cho là quá cực đoan. Xứ Najd, nơi gia tộc Saud trị vì từ ngàn đời xưa nằm ở vùng đất trũng, không có sông ngòi, bao quanh bởi các sa mạc lớn, thế nên rất ít khi người dân các vùng khác ở Saudi Arabia đi qua thủ đô và xứ này, trừ phi những tín đồ Hồi giáo ở phía Đông muốn nhân thể hành hương đến thánh địa Mecca thì tiện đường thăm thú thủ đô. Nhưng vì có nhiều đường thuận tiện hơn để đến Mecca, nên hàng trăm năm qua và cho đến tận bây giờ, nhiều người Saudi Arabia vẫn bỏ qua Riyadh trong các chuyến hành hương.

Thái tử, Thủ tướng Mohammed bin Salman, người thực tế đang nắm quyền trị vì Saudi Arabia biết rõ điều này. Ông muốn thay đổi nhận thức của người dân trong nước và thế giới về tầm ảnh hưởng của Riyadh bằng “Tầm nhìn 2030”, trong đó có việc xây dựng siêu thành phố lớn nhất hành tinh (tên gọi Neom trị giá 500 tỷ USD ở biển Đỏ) và đầu tư vào thể thao, trong đó có bóng đá. Khi đội tuyển Saudi Arabia thắng Argentina 2-1 ở vòng bảng World Cup 2022, không rõ bằng cách nào mà nhật báo The New York Times (Mỹ) có được bức ảnh Thái tử, Thủ tướng Mohammed bin Salman đang ôm các cộng sự nhảy múa ăn mừng trong cung điện hoàng gia. Điều này cho thấy vị thái tử đứng đầu chính quyền Riyadh hâm mộ thể thao tới mức nào. Người hàng xóm Qatar nhỏ bé còn đăng cai tổ chức được World Cup 2022 thì không có lý do gì, một quốc gia lớn mạnh trong vùng Vịnh như Saudi Arabia lại không thể làm được điều tương tự.

Thế nên trong hợp đồng với Ronaldo, Benzema và nhiều ngôi sao sân cỏ tới đây (ít nhất là 20 hảo thủ nữa), ngoài khoản lương cứng kếch xù, PIF còn chủ động thêm vào điều khoản, nếu như các ngôi sao trên góp phần giúp Saudi Arabia giành quyền đăng cai World Cup 2030, thì họ sẽ nhận được khoản tiền thưởng trị giá hàng trăm triệu USD.

TRUNG GIANG