Trước đó, nhà đương kim vô địch Saudi Arabia Al Hilal sẵn sàng trả 350 triệu euro mỗi năm cho Messi (lần đề nghị thứ hai) nhưng vẫn bị từ chối. Nếu Messi nhận lời Al Hilal, đội bóng sẽ bố trí cho ngôi sao người Argentina sinh sống ở một siêu biệt thự, với 4 siêu xe để sẵn ở 4 góc biệt thự. Đặc biệt, một chuyên cơ luôn đậu sẵn ở sân bay, chỉ để chuyên chở Messi mỗi khi anh về thăm nhà.

Thế nhưng, chưa có tín hiệu nào cho thấy Messi sẵn sàng gia nhập Al Hilal. Sẽ là những lời đề nghị nữa chăng...?

Sau thành công của Qatar với World Cup 2022, chính quyền Riyadh (Saudi Arabia) đang sốt sắng, tích cực dùng thể thao để quảng bá hình ảnh đất nước. Nếu như Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sớm dùng đòn bẩy thể thao trong định hướng phát triển và xây dựng thương hiệu quốc gia như một “sức mạnh mềm” đặc biệt thì gần đây, Saudi Arabia mới triển khai ồ ạt với phong cách mạnh mẽ hơn, chi nhiều tiền hơn. Đơn cử, kỷ lục tiền lương cầu thủ đang thuộc về Cristiano Ronaldo (CR7), với 200 triệu euro mỗi năm tại CLB Al Nassr (đội bóng thuộc sở hữu của Hoàng tử Faisal Bin Turki và Quỹ đầu tư công Quiddiya), nhưng CR7 đang không thấy vui khi phải thi đấu tại Saudi Arabia. Không loại trừ khả năng, CR7 sẽ sớm chia tay Al Nassr. Cristiano Ronaldo mà rời đi thì phải có ngôi sao trám chỗ. Mới đây, tiền đạo Benzema đã trao đổi với lãnh đạo CLB Real Madrid rằng anh muốn ra đi, sau khi nhận lời đề nghị có mức lương trị giá 100 triệu euro/năm từ một CLB của Saudi Arabia. Theo nhận định của tờ Marca, nhật báo thể thao số 1 Tây Ban Nha, thì CLB Al Nassr chính là bến đỗ mới mà Benzema muốn cập bến. Gần bước sang tuổi 36, đương kim Quả bóng Vàng Benzema cũng cần phải tích lũy một số tiền lớn để dưỡng già. Một chi tiết đáng lưu ý, Benzema theo đạo Hồi, nên sẽ không mấy khó khăn để chân sút người Pháp có thể hòa nhập vào văn hóa ở vùng Vịnh nói chung, Saudi Arabia nói riêng.

leftcenterrightdel
Benzema đang sốt sắng muốn sang Saudi Arabia thi đấu. Ảnh: Getty 

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều sử dụng và phát huy “sức mạnh mềm” để nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới. Với xu thế phát triển chung đó, sử dụng “sức mạnh mềm” trở thành một lựa chọn quan trọng đối với các quốc gia vùng Vịnh để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó có Saudi Arabia. Mà Saudi Arabia chẳng học đâu xa, họ đang học chính UAE, Qatar khi tận dụng lãnh địa thể thao để gia tăng sự ảnh hưởng. Bóng đá, đua ngựa, quần vợt, điền kinh, golf... chính là những môn thể thao được Saudi Arabia đầu tư nhiều nhất, gấp rút trong thời gian qua với mong muốn gia tăng tầm ảnh hưởng của mình. Thậm chí, để có cơ hội đăng cai World Cup 2030, Saudi Arabia đã liên minh với Hy Lạp và Ai Cập.

Theo Mundo Deportivo (Tây Ban Nha), Saudi Arabia đã gửi lên FIFA kế hoạch đăng cai World Cup 2030 xuyên lục địa với 3 nước đồng chủ nhà, gồm: Saudi Arabia, Ai Cập và Hy Lạp. Đây là dự án trong Chương trình “Tầm nhìn Arab năm 2030” của chính quyền Riyadh. Nếu liên minh này giành được quyền đăng cai, thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, World Cup được tổ chức ở 3 châu lục.

Saudi Arabia đang thực hiện dồn dập những bước đi trong kế hoạch quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua thể thao, bằng việc tiếp tục đầu tư vào Newcastle. Những khoản chi tiêu hợp lý từ Quỹ đầu tư công Saudi Arabia đã giúp Newcastle trở thành thế lực ở Ngoại hạng Anh, kết thúc mùa giải 2022-2023 với vị trí thứ 4 và giành quyền tham dự Champions League mùa giải tới. Quả ngọt đã tới, giờ là lúc chính quyền Riyadh tiếp tục hậu thuẫn mạnh mẽ cho những hoạt động thể thao khác, trong đó ưu tiên chào đón các siêu sao thể thao thế giới đến thi đấu tại Saudi Arabia.

Trong động thái mới nhất, CLB Al-Nassr vừa gửi lời mời đến Sergio Busquets, sau khi tiền vệ này nói lời chia tay Barcelona, bằng bản hợp đồng hai năm, tiền lương 80 triệu euro/năm. Tiền lương hẳn dễ dàng tăng lên 100 triệu euro/năm nếu như Sergio Busquets còn chần chừ. Không loại trừ khả năng sắp tới, Giải bóng đá vô địch Saudi Arabia sẽ là thiên đường cho các ngôi sao sân cỏ, vốn đã bước vào hoàng hôn của sự nghiệp.

TRUNG GIANG