Khó có chuyện liên doanh
Ngày 14-6-2018, trái bóng World Cup lăn trên các sân cỏ nước Nga thì trước đó một tuần, ngày 8-6, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) mới chính thức công bố mua được bản quyền World Cup 2018. Khi đó, Tập đoàn Vingroup đã tài trợ 5 triệu USD để VTV có đủ tiền mua bản quyền World Cup 2018 từ Infront Sports & Media. Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đóng góp một phần kinh phí để cùng VTV sở hữu gói bản quyền này. Sau đó, World Cup 2018 được phát sóng trên VTV và truyền hình Viettel. Tổng số tiền các đơn vị bỏ ra để mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 tại Việt Nam được cho vào khoảng 12 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng).
World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Qatar từ ngày 20-11 đến 18-12. Thời điểm này vẫn chưa có đơn vị truyền hình, doanh nghiệp truyền thông hay viễn thông nào trong nước mua được bản quyền truyền hình giải đấu. Thời gian qua, đơn vị nắm bản quyền World Cup 2022 tại Việt Nam là Infront Sports & Media đã rao bán với mức giá 15 triệu USD (tương đương 350 tỷ đồng).
Ở khu vực Đông Nam Á, cùng với Việt Nam thì Thái Lan, Singapore vẫn chưa có bản quyền truyền hình World Cup 2022. Bốn năm trước, World Cup 2018, lần đầu tiên Singtel, Starhub và Mediacorp chung chi 25 triệu USD để phát sóng toàn bộ giải đấu ở Singapore. Hiện 3 nhà đài trên đang tích cực đàm phán mua bản quyền World Cup 2022. Tuy nhiên, khác với Thái Lan, Việt Nam, 3 nhà đài của Singapore đã đổ áp lực chi phí về phía khán giả. Người dân quốc đảo sư tử chỉ được xem 9-10 trận đấu phát miễn phí. Khán giả muốn xem trực tiếp toàn bộ 64 trận ở World Cup 2022 dự kiến phải chi khoảng 90USD cho các kênh truyền hình trả tiền.
Có ý kiến đưa ra ngụ ý VTV cùng các nhà đài nên liên doanh để đàm phán với đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình World Cup 2022. Nhưng chuyện ở ta khác chuyện bên Singapore.
Trước đó vào năm 2016, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) tập hợp 10 đơn vị có nhu cầu mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh nhằm tránh mua giá cao. Khi đó, đối tác nước ngoài ra giá 80 triệu USD cho gói truyền hình 3 mùa giải Ngoại hạng Anh 2016-2019 tại Việt Nam. Tổ đàm phán của VNPayTV tuyên bố chỉ mua với giá dưới 46 triệu USD. Dù vậy không đi đến đâu, các doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung, cuối cùng K+ tách ra và mua riêng bản quyền giải đấu.
VNPayTV khuyến nghị các nhà đài, doanh nghiệp không nên “xé rào đi đêm” mua bản quyền Ngoại hạng Anh, trong khi K+ cho rằng chính VNPayTV đã chậm trễ trong việc triển khai đàm phán với đối tác, dẫn đến thiệt hại về kinh doanh cho các nhà đài. Sau sự việc trên, các đơn vị truyền hình, viễn thông tại Việt Nam ngầm hiểu mô hình tập hợp các đơn vị để cùng mua bản quyền những sự kiện thể thao lớn trên lý thuyết thì hay nhưng thực tế lại không khả thi.
Quay trở về bản quyền truyền hình World Cup 2022, không ngạc nhiên khi một số đơn vị trong nước đàm phán riêng lẻ. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, Tập đoàn Viettel và FPT đang tích cực đàm phán với Infront Sports & Media để có được bản quyền truyền hình World Cup 2022, qua đó phục vụ đông đảo người hâm mộ cả nước.
Tăng phi mã
Năm 2010, hệ thống truyền hình cáp thuê bao i-Cable (Hồng Công, Trung Quốc) thắng quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa bóng, với giá gần 100 triệu bảng Anh, cao hơn 30% so với giá trị hợp đồng trước đó của giải với đài truyền hình Now TV. Khi hợp đồng hết hạn vào năm 2013, Giám đốc điều hành Ngoại hạng Anh là Scudamore đã thuyết phục Now TV quay lại đấu thầu, và lần này, họ đã thắng thầu với giá 130 triệu bảng Anh cho 3 mùa giải 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016. Kết thúc mùa giải 2015-2016, hai nhà đài Now TV và i-Cable ngồi lại với nhau, họ có chung cảm giác bị Scudamore “xỏ mũi” trong gần một thập niên.
Cuối cùng, lãnh đạo hai nhà đài quyết định không lao vào cuộc bỏ thầu Ngoại hạng Anh và Scudamore sẽ phải lắng nghe những điều khoản của họ, hoặc là không có gì hết. Scudamore im lặng trước yêu sách của i-Cable và Now TV. Không phải ông ta e sợ, mà là một lần nữa, Scudamore đã mang về rất nhiều tiền cho các đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh. Trong khi lãnh đạo i-Cable và Now TV ngồi bàn mưu tính kế, Scudamore đã lặng lẽ thương thuyết với nhà thầu thứ ba, đài truyền hình băng thông rộng LeTV (Trung Quốc). Khó tin nhưng là sự thật khi LeTV bỏ ra tới 260 triệu bảng Anh để giành quyền phát sóng Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải tiếp theo tại Hồng Công (Trung Quốc), nơi chỉ có 7 triệu dân.
Trước đó, vào năm 1997, Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh bán bản quyền phát sóng nước ngoài của giải đấu chỉ với 98 triệu bảng Anh cho 3 mùa giải 1997-2000. Vừa mới lên nắm quyền giám đốc điều hành, Scudamore cho rằng mức giá trên là sự coi thường giải đấu mang tính giải trí cao của làng thể thao thế giới. Đến năm 2001, việc phát sóng giải Ngoại hạng Anh ở bên ngoài lãnh thổ nước Anh chỉ thu về 178 triệu bảng trong 3 mùa bóng, 2000-2003.
Không thể chần chừ được nữa, Scudamore thuyết phục lãnh đạo các đội bóng ở Ngoại hạng Anh xé nhỏ bản quyền phát sóng nước ngoài của giải đấu ra nhiều gói thầu nhỏ để mang về lợi nhuận tối đa. Chiến lược này lập tức thành công rực rỡ. 3 mùa giải tiếp theo, từ 2004 tới 2007, bản quyền quốc tế của giải đấu có doanh thu 325 triệu bảng Anh. Thêm 3 mùa bóng nữa, từ 2007 tới 2010, con số này là 625 triệu bảng Anh và trong giai đoạn 2010-2013, số tiền lên tới 1,4 tỷ bảng Anh. Từ một hợp đồng duy nhất bán cho đối tác (rồi sau đó đối tác xé nhỏ bán kiếm lời), Scudamore đã trực tiếp bán bản quyền giải Ngoại hạng Anh cho 80 đối tác nước ngoài, để giải đấu được phát sóng ở 211 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê, tổng doanh thu bản quyền quốc tế của Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải: 2022-2023, 2023-2024, 2024-2025 đã đạt 5,3 tỷ bảng Anh.
FIFA chẳng học đâu xa. Họ học chính mô hình kinh doanh thành công của Ngoại hạng Anh. Khi World Cup được phát sóng rộng rãi trên VTV ở thập niên 1990, ban tổ chức giải đấu gần như tặng không bản quyền, hoặc cùng lắm thì đổi chút ít quảng cáo. World Cup 2006, bản quyền truyền hình dậy sóng khi Tập đoàn FPT mua lại từ Công ty Infront (Thụy Sĩ), sau bán cho VTV với giá 2,1 triệu USD. 4 năm sau, Tập đoàn Dentsu (Nhật Bản) bán bản quyền truyền hình World Cup 2010 cho VTV với giá 2,7 triệu USD. Giá bản quyền truyền hình World Cup 2014 tăng lên hơn gấp đôi, xấp xỉ 7 triệu USD, khi VTV mua lại từ đối tác MP&Silva.
FIFA và các đơn vị mua lại bản quyền World Cup từ tổ chức này giương đủ các “kênh sóng” để nắm bắt thị hiếu khách hàng ở từng quốc gia, vùng lãnh thổ và châu lục. Với châu Á, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Việt Nam... được đánh giá là vô cùng quan trọng bởi có số lượng đông đảo người hâm mộ. Thế nên, sẽ là cuộc đấu trí căng thẳng để có được bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở Việt Nam.
HÀ THÀNH