Thái Lan từ hai thập niên trước đã sớm đầu tư mạnh mẽ vào đấu trường ASIAD, coi đây là sân chơi lý tưởng để tiến ra “biển lớn” Olympic. Với thể thao Thái Lan, giành dưới 10 HCV ở 1 kỳ ASIAD coi như là thất bại. ASIAD 2014, thể thao xứ Chùa vàng giành 12 HCV. Các quốc gia trong khu vực như: Malaysia, Singapore có cho mình mỗi đoàn 5 HCV; Indonesia có 4 HCV; Myanmar được 2 và Việt Nam giành được duy nhất 1 HCV. 4 năm trước nữa, tại ASIAD 2010, Thái Lan có 11 HCV; Malaysia nổi bật với 9 HCV; Indonesia, Singapore cùng có 4 HCV; Philippines được 3 HCV và Myanmar được 2 HCV. Việt Nam vẫn chỉ được 1 HCV. Nhìn lại lịch sử để thấy Đoàn thể thao Việt Nam đề ra chỉ tiêu giành được từ 3 đến 5 HCV ở Á vận hội 2018, trong đó có “vàng” ở môn trọng điểm Olympic là khá cao.

Tất nhiên, khi đã đề ra chỉ tiêu này, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã tính toán kỹ lưỡng, nâng lên đặt xuống “các niềm hy vọng vàng” để mạnh dạn, tin tưởng đưa ra chỉ tiêu trên. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) thì: “Chỉ tiêu trên của Đoàn thể thao Việt Nam không phải là không có cơ sở; thậm chí có thể đoàn còn giành nhiều hơn 5 HCV, nhưng nếu không may mắn, chúng ta có thể… trắng tay”.

leftcenterrightdel
Phạm Thái Hưng tỏa sáng trong chiến thắng 3-2 của đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam trước Trung Quốc, tại vòng bảng ASIAD 2018. 

Ông Nguyễn Hồng Minh dẫn chứng ngay việc VĐV chủ nhà Indonesia Defia Rosmaniar giành tấm HCV nội dung quyền biểu diễn đơn nữ Taekwondo ASIAD 18, mà trước đó chẳng ai ngờ tới. Nội dung này sở hữu nhiều gương mặt đáng chú ý. Hàn Quốc, nơi sản sinh ra Taekwondo có võ sĩ Yun Jihye tài năng. Iran có nhà vô địch châu Á Marjan Salahshouri. Malaysia có nhà vô địch SEA Games 29 Yap Khim Wen. Ngoài ra, Châu Tuyết Vân của Việt Nam và Ju Yuhan của Trung Quốc cũng được đánh giá cao. Nhưng nhà vô địch không phải là một trong những cái tên kể trên, mà là Defia Rosmaniar, mới chỉ được biết đến với thành tích cao nhất là HCĐ đồng đội ở SEA Games 29.

Defia Rosmaniar bất ngờ đánh bại cả Châu Tuyết Vân và Yun Jihye lần lượt ở tứ kết và bán kết. Vào chung kết, cô vượt qua Marjan Salahshouri với điểm số cao bất ngờ 8.690. Trước đó ở tứ kết, Tuyết Vân dù sở hữu số điểm rất cao 8.330 vẫn bị Defia Rosmaniar đánh bại với 8.460 điểm.

“Chuyện gì cũng có thể xảy ra”, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam cho hay, khi phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đặt câu hỏi về tham vọng giành 3-5 HCV của Đoàn thể thao Việt Nam ở Á vận hội kỳ này. Ông Hoàng Vĩnh Giang khẳng định: “Cần phải tỉnh táo, đánh giá chính xác về tình hình ta và bạn. Ra thảm đấu, bước vào đường chạy, xuống đường đua xanh… 50-50 là khó nói rồi. Đó là chưa kể bạn cũng khát khao chiến thắng chứ, cũng đầu tư mạnh mẽ chứ. Không chỉ thể thao Việt Nam mà tất cả những nền thể thao hàng đầu châu Á đều coi Olympic là đỉnh cao nhất để hướng tới chinh phục danh hiệu, và ASIAD chính là một trong những kỳ sát hạch lớn nhất. Không phải ngẫu nhiên mà Đoàn thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành 3-5 HCV ở ASIAD 2018. Chúng ta đang làm rất tốt việc đào tạo VĐV liên thông từ các giải nhỏ đến các giải lớn; xây dựng một lộ trình hợp lý cho các VĐV tranh tài ở các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Chúng ta có tới 10 cơ hội giành HCV ở Á vận hội kỳ này. Trong đó, nhảy xa, bơi, bắn súng, wushu, pencak silat, đấu kiếm, cử tạ, vật nữ, thể dục dụng cụ… là những môn thể thao Việt Nam có thể kỳ vọng. Nếu các VĐV chọn đúng điểm rơi phong độ, thi đấu đúng như kỳ vọng và cộng thêm yếu tố may mắn, thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể vượt chỉ tiêu đề ra tại ASIAD 2018. Với trường hợp của Châu Tuyết Vân, hãy nhìn nhận ở khía cạnh tích cực là bạn hay hơn ta”.

Cùng với câu hỏi trên, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng: “Nếu nhìn vào các kết quả gần đây của những tuyển thủ quốc gia, tôi nhận định mục tiêu giành từ 3 đến 5 HCV của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 là có cơ sở. Niềm tin này đến từ Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh, HCB ASIAD 2014), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Ngoan (karatedo), Nguyễn Duy Tuyến (pencak silat) … cũng là những ứng cử viên sáng giá đoạt HCV trên đất Indonesia. Nhân đây, tôi kể lại chuyện cũ. ASIAD 2006 (Doha, Qatar), khi tôi là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, chúng ta đặt mục tiêu giành 5 HCV. Chúng tôi đặt niềm tin vào “nữ hoàng kata” Nguyễn Hoàng Ngân, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn, cơ thủ Dương Anh Vũ, lực sĩ thể hình Phạm Văn Mách… nhưng tất cả những niềm hy vọng ấy đều chỉ giành HCB. Tuy nhiên, bất ngờ có thể đến bất kỳ lúc nào và không thể nói chắc chắn điều gì trong thể thao. Tôi để ý ở Á vận hội kỳ này, ở những môn, nội dung có những nhà vô địch châu Á hoặc vô địch thế giới, Olympic, phần ta vượt trội bạn là không có. Còn phần chúng ta tương đương hoặc thấp hơn các bạn một chút thì có nhiều. Nói vậy để thấy chiến thắng của Olympic Việt Nam trước Olympic Nhật Bản (1-0), hay đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia hạ Trung Quốc (3-2) là những kết quả tuyệt vời. Để từ đó giới chuyên môn và người hâm mộ có cơ sở tin tưởng vào việc Đoàn thể thao Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu giành 3-5 HCV ở ASIAD 2018”.

KHOA MINH