Bán tận ngọn

Với kinh nghiệm bán hàng điện thoại ở Mỹ, Scudamore đã áp dụng triệt để vào việc tiếp thị và tăng doanh thu khủng cho bản quyền Giải ngoại hạng Anh. The New York Times từng nhận xét về Scudamore như sau: “Như một con quái vật, Scudamore nghĩ ra vô vàn cách thức để vơ vét từng đồng doanh thu cho bóng đá Anh từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ".

leftcenterrightdel

Nhiều nhà đài coi Giải ngoại hạng Anh là “át chủ bài” để thu hút người xem. Ảnh: Getty

Ở khu phố Gloucester Place, quận West End (London), văn phòng của Ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh trông thật khiêm tốn, có chưa đầy 30 nhân viên. Trên tấm biển cũ kỹ đề địa chỉ văn phòng còn có một dòng lưu ý: “Những cuộc làm việc chỉ dành cho người có hẹn trước”. Nhân viên ở đây làm việc chủ yếu dưới các tầng hầm chứ không phải là cao ốc văn phòng. Scudamore cũng không thấy khó chịu khi vào làm việc dưới mặt đất. Với ông, kiếm càng nhiều doanh thu cho Giải ngoại hạng Anh mới quan trọng, còn ngay cả làm việc trong túp lều với người đàn ông này cũng là chuyện nhỏ. Từng ngày, từng giờ, Scudamore vắt óc nghĩ ra cách tận dụng tối đa doanh thu từ bản quyền quốc tế Giải ngoại hạng Anh. Vậy là thay vì đấu thầu với mức giá cố định cho các vùng-lãnh thổ trên toàn thế giới, Scudamore quyết định xé nhỏ bản quyền giải đấu cao nhất xứ sương mù, bán cho từng quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chiến thuật của Scudamore phát huy tác dụng ngay lập tức. Năm 2010, tại Hồng Công (Trung Quốc), hệ thống truyền hình cáp thuê bao i-Cable đã thắng quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh với giá gần 100 triệu bảng Anh (giai đoạn 2010-2013), cao hơn 30% so với giá trị hợp đồng trước đó (giai đoạn 2006-2009) của Đài Truyền hình Now Tivi. Đến năm 2016, hai nhà đài này nhận ra họ đã quá mải mê cạnh tranh, đấu đá nhau để mang lại doanh thu khổng lồ cho Giải ngoại hạng Anh. Sẽ không còn chuyện cạnh tranh nữa, họ sẽ thống nhất một mức giá, những điều khoản hợp đồng để không bị Scudamore “dắt mũi”. Hoặc là Scudamore phải đồng ý, hoặc là không bên nào đạt được mục đích. Nhưng Scudamore đúng là cáo già, ông ta biết tỏng ý định của lãnh đạo hai đài trên nên ngay từ năm 2015 đã âm thầm thương lượng với một nhà thầu khác. Năm 2016, đài truyền hình băng thông rộng của Trung Quốc là LeTV đã giành được quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh tại Hồng Công, nơi có dân số khoảng 7 triệu người, với mức giá 260 triệu bảng Anh cho giai đoạn 2016-2019. Mỉm cười đắc thắng nhưng Scudamore vẫn không quên cảm ơn sự hợp tác tuyệt vời của lãnh đạo Now Tivi và i-Cable trong thời gian trước đó và hẹn “gặp lại” khi có cơ hội.

Doanh thu khổng lồ

Ở Thái Lan, cũng là câu chuyện tương tự. Năm 2010, TrueVisions giành quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh giai đoạn 2010-2013 chỉ với 35 triệu bảng Anh. Nhận thấy sự vô lý, Scudamore tiếp tục chơi trò đi đêm với một số đối tác và việc này lại sớm phát huy hiệu quả. Năm 2013, kênh truyền hình cáp mới thành lập ở Thái Lan là Cable Thai Holding (CTH) đã giành quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải (2013-2014, 2014-2015, 2015-2016) với giá thầu cao kỷ lục 200 triệu bảng Anh.

Ở Brazil cũng trong giai đoạn 2013-2016, Fox Sports International và ESPN chỉ mất 40 triệu bảng Anh cho bản quyền Premier League. Tại sao lại có chuyện giá thấp đến vậy? Ở Brazil, người dân không hâm mộ bóng đá Anh. Với họ, bóng đá xứ samba là số 1 thế giới. Tưởng “cứng” nhưng hóa ra, người Brazil cũng mềm lòng, dần hâm mộ Premier League. Nắm bắt được xu thế, ESPN chấp nhận bỏ ra hơn 100 triệu bảng Anh để giành quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Brazil giai đoạn 2016-2019.

Sau khi Scudamore nghỉ hưu, người kế nhiệm Richard Masters cũng cho thấy tài năng phi thường trong lĩnh vực kinh doanh. Bản quyền truyền hình quốc tế của Giải ngoại hạng Anh hiện đạt 5,3 tỷ bảng Anh trong giai đoạn 2022-2025. Ở Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan là hai quốc gia có người hâm mộ cuồng Premier League nhất, tiếp đến là Malaysia, Việt Nam...

Ngay trên sân nhà, Giải ngoại hạng Anh vừa có chiến thắng ngoạn mục, đó là thỏa thuận tiền bản quyền truyền hình giải đấu cao nhất xứ sương mù đạt 6,7 tỷ bảng Anh trong vòng 4 năm (2025-2029) từ Sky và TNT Sports. Dù phải bỏ ra khoản tiền rất lớn nhưng không nhà đài nào của Anh được phép độc quyền phát sóng trực tiếp toàn bộ các trận đấu trong mùa giải Premier League. Với quy định cấm chiếu các trận đấu diễn ra lúc 15 giờ thứ bảy hằng tuần (được đặt ra nhằm bảo đảm cổ động viên xứ sương mù trực tiếp ra sân để theo dõi trận đấu), số trận mà mỗi đài truyền hình của Anh được phát trực tiếp khoảng 215 trận mỗi mùa.

The Athletic thống kê, tổng giá trị các gói bản quyền truyền hình Premier League tại thị trường Anh giai đoạn 2022-2025 là 5 tỷ bảng Anh; con số này cao gấp hơn 25 lần so với thời điểm năm 1992 khi giải đấu mới thành lập. Theo số liệu của Beyond Football, dù thiệt hại nặng về kinh tế vào mùa bóng 2019-2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng Giải ngoại hạng Anh vẫn đóng góp 9 tỷ bảng Anh vào GDP của Vương quốc Anh năm 2020; con số này đạt xấp xỉ 10 tỷ bảng Anh vào năm 2022.

Cựu Giám đốc điều hành Giải ngoại hạng Anh Richard Scudamore luôn tin tưởng mọi lợi ích của giải đấu, của các câu lạc bộ luôn có cách giải quyết hài hòa. Chỉ cần lãnh đạo các câu lạc bộ chịu ra mặt gặp nhau, ăn bữa tối với tối thiểu 5 món thì không có cuộc tranh cãi nào phải đi vào ngõ cụt. Doanh thu từ bản quyền Premier League sẽ giúp các ông chủ đội bóng hài lòng, cầu thủ yên tâm cống hiến... Còn nếu không chịu thỏa hiệp, nhượng bộ thì chỉ có nước chết đói, như bài học đau thương cho tất cả các bên ở mùa giải 1985-1986. Số là hồi đó, bóng đá Anh vốn dĩ không giống một sản phẩm truyền hình cho lắm. Cơ sở hạ tầng của các câu lạc bộ xập xệ, nhà vệ sinh nồng nặc mùi xú uế, mái che sân vận động bị dột, ghế ngồi cũ kỹ... Ai muốn đến sân vào dịp cuối tuần để thưởng thức bóng đá cơ chứ? Trọng tài và các cầu thủ còn không có phòng riêng để thay đồ. Sân Ewood Park của đội bóng Blackburn thập niên 1990 còn không có khu nhà tắm cho cầu thủ. Phòng thay đồ cho cầu thủ và trọng tài ở cách sân hơn một cây số. Sau khi thay đồ xong, trọng tài cùng cầu thủ hai đội được xe bus đưa vào sân. Hậu vệ Le Saux của Blackburn nhớ lại: “Chúng tôi hoàn toàn đập nát ý chí của đối thủ ngay từ trước khi bóng lăn”.

Không đạt được thỏa thuận với hai đài truyền hình BBC và ITV, mùa giải bóng đá Anh 1985-1986 khởi tranh vào tháng 8 đã không có đài nào tường thuật. Thậm chí một số đài còn từ chối thông báo kết quả trận đấu trong các bản tin thời sự tối. Với đa phần người hâm mộ ở sứ xương mù, mùa giải trên như vô hình. Giới lãnh đạo các đội bóng ở Anh đã nghi ngờ từ lâu hai đài BBC và ITV bắt tay nhau để dìm giá bản quyền giải đấu. Sự nghi ngờ này càng có cơ sở khi vào tháng 6-1985, lãnh đạo hai đài này đi chung taxi đến sân White Hart Lane (Tottenham) đàm phán về bản quyền truyền hình Giải vô địch bóng đá Anh (từ năm 1992 đổi thành Premier League), dẫn đến việc mùa giải 1985-1986 không được truyền hình trực tiếp, các đội sụt giảm doanh thu. Vắng mặt trên truyền hình vài tuần, lãnh đạo nhóm “big Five”, gồm Manchester United, Liverpool, Everton, Arsenal và Tottenham quyết định xóa bỏ tư cách thành viên của họ trong Football League để thiết lập một giải đấu riêng, mở ra việc thành lập Premier League vào năm 1992.

TRUNG GIANG