Nhớ lại SEA Games 31 trên sân nhà, chủ nhà Việt Nam tổ chức 40 môn, với đa phần là các môn Olympic nhằm mục tiêu cao đẹp là nâng tầm thể thao khu vực. Việt Nam muốn qua SEA Games 31 góp phần tạo đà cho thể thao Đông Nam Á có sự tiến bộ vượt bậc, hướng tới những mục tiêu rõ ràng, chẳng hạn như Olympic Paris 2024.

Phải nhận thấy rằng, dù ganh đua quyết liệt ở SEA Games nhưng thể thao Đông Nam Á lại lép vế khi tham dự ASIAD, Olympic. Nếu việc này tiếp tục, thể thao Đông Nam Á khó có cơ hội tiếp cận với thể thao đỉnh cao thế giới, nhất là khi các nền thể thao hàng đầu châu lục như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran đã có những bước tiến vượt bậc.

Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao năm 2021, Ban tổ chức đã ra tuyên bố chung, theo đó: “Hỗ trợ đưa nhiều hơn các môn thể thao của ASIAD, Olympic vào các kỳ SEA Games. Phấn đấu thiết lập một nền tảng vững chắc cho các vận động viên Đông Nam Á tại các kỳ SEA Games và chuẩn bị cho ASIAD, Olympic. Duy trì cam kết đấu trường SEA Games là một sân chơi hội tụ sự tinh hoa xuất sắc của thể thao Đông Nam Á”.

leftcenterrightdel

Võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan (đai xanh) được kỳ vọng giành Huy chương Vàng tại SEA Games 32 - 2023. Ảnh: NHẬT ANH 

Tiếc là ở SEA Games 32, chủ nhà Campuchia lại cho thấy có vẻ chưa sẵn sàng thực hiện cam kết trên. Không thể chần chừ được nữa, bên lề các cuộc họp kỹ thuật trước thềm SEA Games 32, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã quyết định từ SEA Games 33-2025 được tổ chức ở Thái Lan sẽ có nhiều đổi khác so với các kỳ đại hội trước. Cụ thể, SEA Games sẽ chỉ tập trung thi đấu các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD, góp phần phản ánh đúng thực trạng phát triển và giúp thể thao Đông Nam Á tiếp cận với thể thao thế giới. Khi đăng cai tổ chức SEA Games, nước chủ nhà chỉ được chọn hai môn thể thao thế mạnh của mình ở nhóm 3 với tổng cộng 8 nội dung thi đấu.

Theo đó, nhóm 1 là những môn bắt buộc gồm: Điền kinh, các môn thể thao dưới nước (bao gồm các môn bắt buộc là bơi, lặn, bóng nước và môn tự chọn là bơi nghệ thuật). Nhóm 2 gồm các môn của Olympic và ASIAD với tối thiểu 14 môn. Nhóm 3 có thể chọn các môn như võ gậy, vovinam, muay, bóng sàn, silat, khiêu vũ thể thao, kempo, đá cầu...

Lâu nay, chính nhóm 3 này khiến cho SEA Games bị mang tiếng là “ao làng”. Khi SEA Games tổ chức ở quốc gia nào thì nước chủ nhà có xu hướng chọn nhiều môn thế mạnh để giành huy chương. Để đưa môn nằm trong nhóm 3 hoặc một môn “ầu ơ” vào SEA Games, chủ nhà sẽ vận động các quốc gia trong khu vực tham gia để phải có ít nhất 4 quốc gia dự thi. Tên môn thi, việc tranh tài, chấm điểm ở những môn nhóm 3 nhiều lúc đã đi ngược lại với tinh thần của Olympic. Đơn cử, lần đầu tiên xuất hiện tại SEA Games 26-2011 do Indonesia tổ chức, bộ môn đánh bài bridge được đưa vào nội dung thi đấu chính thức với 9 bộ huy chương. Theo như các thành viên đoàn thể thao Việt Nam (dù năm đó chúng ta không tham dự môn này) thì bridge có hơi hướng giống tá lả.

Muốn thể thao Đông Nam Á bứt phá, tiến sâu vào đấu trường ASIAD, Olympic thì cần phải có chiến lược lâu dài, khoa học, chọn những môn thể thao Olympic phù hợp với thể trạng, sức vóc con người Đông Nam Á. “Nhỏ mà có võ” chính là vậy! 

MINH CHIẾN