2022 là năm viên mãn với đội tuyển bóng đá nữ quốc gia. Đội tuyển đoạt vé dự World Cup 2023 ở Australia và New Zealand, và giờ là bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games. Thầy trò huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung quả là biết cách mang đến niềm vui cho người hâm mộ. Chúng tôi cứ nhớ mãi bầu không khí SEA Games tưng bừng ở hai xã miền núi đặc biệt khó khăn là Na Loi và Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An). Quãng thời gian 3 tuần diễn ra SEA Games 31 là từng đó ngày bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở Na Loi và Nậm Cắn háo hức, sắp xếp mọi công việc từ lên nương, tỉa bắp, làm việc để có thời gian cùng nhau xem thi đấu thể thao.

leftcenterrightdel
Niềm vui thắng trận của đội tuyển nữ Việt Nam. TRỌNG HẢI 

Tối thứ bảy (21-5), rất đông bà con dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông... ở bản Na Loi, xã Na Loi tập trung đến nhà chị Lô Thị Hiền để xem trận chung kết bóng đá nữ. Người già, con trẻ; nam có, nữ có đủ cả, cùng nhau xem bóng đá. Những đứa trẻ mặc áo cờ đỏ sao vàng, một số diện cả áo in số, in tên như cầu thủ thực thụ.

Theo chị Lương Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Na Loi: Bà con DTTS, với chủ yếu là người Thái và Khơ Mú rất hâm mộ thể thao, đặc biệt là phụ nữ. Vì thế, bà con cũng rất quan tâm tới SEA Games 31. Trong số các môn thể thao, chị em thích nhất môn bóng chuyền nữ và bóng đá nữ. Mỗi khi có trận đấu của hai môn thể thao này diễn ra, chị em đều sắp xếp thời gian để xem và còn bàn tán rất sôi nổi. “Mồi nhậu” ưa thích của chị em trong các buổi gặp mặt xem thầy trò HLV Mai Đức Chung thi đấu là nước chè xanh, mận chấm chẩm chéo, muối ớt, với các ông chồng thì có thêm cút rượu nhâm nhi.

leftcenterrightdel
 Đội trưởng Huỳnh Như với pha bóng tinh tế vượt qua thủ môn đội bạn và ghi bàn thắng quyết định đem về tấm Huy chương Vàng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại trận chung kết. Ảnh: TRỌNG HẢI

Bản Na Loi đã có điện lưới nhưng chỉ khoảng 10 hộ trong tổng số 89 hộ dân có ti vi. Vì vậy, bà con thường tập trung để xem SEA Games 31 tại 10 hộ dân này. Mọi người ăn cơm thật sớm để chắc cái bụng, nhà nào không kịp ăn vẫn đi xem đúng giờ. Chị em thuộc cả tên một số cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia như đội trưởng Huỳnh Như, tiền đạo Hải Yến, Tuyết Dung... Khi trận chung kết môn bóng đá nữ tại SEA Games 31 kết thúc với phần thắng 1-0 thuộc về đội tuyển nữ Việt Nam, bằng pha lập công của Huỳnh Như, chị em ở bản Na Loi hò reo đến khản giọng.

Với những bản không có điện, bà con cùng nhau xem tường thuật trực tiếp bóng đá qua điện thoại thông minh có lắp sim 3G. Điện thoại nhỏ, tiếng cũng nhỏ nhưng không vì thế mà làm giảm sự hâm mộ của các chị em với đoàn quân của HLV Mai Đức Chung.

Chị Lương Thị Nga cho biết thêm: Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng phong trào thể dục-thể thao của phụ nữ DTTS ở Na Loi rất phát triển, thậm chí có phần sôi nổi hơn cả nam giới. Mỗi chiều, cứ khoảng 17 giờ, chị em lại rủ nhau ra sân của bản để đánh bóng chuyền. Hội phụ nữ còn nhờ nam giới ở xã dạy cho chị em chơi bóng chuyền.

leftcenterrightdel
Cầu thủ Nhâm Mạnh Dũng (17) đánh đầu ghi bàn thắng quyết định cho đội tuyển U.23 Việt Nam đoạt tấm Huy chương Vàng môn bóng đá nam tại SEA Games 31. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Còn ở xã Nậm Cắn, nơi có 4 hệ dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh, trong đó người Mông chiếm 70,5%, bà con cũng luôn theo sát từng trận đấu của đội tuyển U.23 Việt Nam, đội tuyển nữ Việt Nam. Trong 4 bản người dân tộc dọc đường 7A là Tiền Tiêu, Trường Sơn, Khánh Thành, Noọng Dẻ, một số hộ gia đình đã có ti vi thì bà con xem SEA Games 31 qua các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Với hai bản ở xa hơn là Huồi Pốc và Pà Ca, bà con xem các môn thi đấu tại SEA Games 31 bằng điện thoại di động. Tối 22-5, khi đội tuyển U.23 Việt Nam giành huy chương vàng (HCV) ở SEA Games 31, bảo vệ thành công chức vô địch, bà con reo hò phấn khích vang cả một góc núi rừng. 

leftcenterrightdel
 Người hâm mộ xuống đường ăn mừng chức vô địch của U.23 Việt Nam. Ảnh: TUẤN HUY

Được hòa mình vào bầu không khí SEA Games nơi vùng cao thật là sướng. Nhà nào sang thì có thêm nồi cháo gà sau chiến thắng của thầy trò HLV Park Hang-seo. Khó khăn thì đã khó khăn rồi. Nhưng thành tích của các đội tuyển bóng đá nam, nữ nước nhà tại SEA Games 31 xứng đáng để bà con vùng cao Na Loi và Nậm Cắn nổi lửa vào đêm tối. Trong tiết trời se lạnh, xì xụp bát cháo gà, uống chút rượu quả là cách cộng hưởng vào niềm vui chiến thắng không thể nào tuyệt vời hơn của đồng bào các dân tộc ở Na Loi. Chia tay đồng bào ở Na Loi và Nậm Cắn, chúng tôi cứ ước giá như có điều kiện, sẽ làm vài chuyến xe đưa người hâm mộ nơi vùng cao này về với Việt Trì (Phú Thọ), Thiên Trường (Nam Định), về với Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) để bà con được trực tiếp cổ vũ các đội tuyển bóng đá quốc gia tranh tài. Ước mơ đó thực sự khó thành hiện thực. Nó dài và xa như quãng đường hơn 600km từ Thủ đô đến hai xã vùng cao này.

Nhờ ăn ở với bà con Na Loi và Nậm Cắn đúng dịp diễn ra SEA Games 31, chúng tôi thêm hiểu tình yêu của đồng bào các dân tộc với thể thao nước nhà, với ngày hội thể thao của khu vực Đông Nam Á. Khó khăn, vất vả vẫn còn nhưng những con tim ở Na Loi, Nậm Cắn luôn hướng về Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, để dõi theo những bước chạy của Tiến Linh, Hùng Dũng, Huỳnh Như, Hải Yến...

leftcenterrightdel

Chị em đồng bào dân tộc ở bản Na Loi (xã Na Loi) xem trực tiếp trận chung kết bóng đá nữ ở SEA Games 31 qua điện thoại. Ảnh: HOÀNG LAN 

Chị Lương Thị Nga tâm sự với chúng tôi: “Bà con ở Na Loi có thể kể vanh vách các trận đấu gần đây của bóng đá nam, nữ nước nhà. Ai cũng cần sự động viên tinh thần. Chiến thắng của đội tuyển nữ quốc gia, của U.23 Việt Nam là sự khích lệ rất lớn, để chúng tôi vui với niềm vui của người hâm mộ nước nhà và cùng nhau hướng tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống”.

HOÀNG LAN