Ở lần thứ hai nhận vinh dự và trọng trách đăng cai (SEA Games 31), thể thao Việt Nam quyết tâm vượt lên chính mình, nâng tầm ngày hội của thể thao khu vực ngay từ gốc với chương trình thi đấu có sự áp đảo của các môn Olympic.

Khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam

Được ví là “kiến trúc sư trưởng” của thể thao Việt Nam nói chung, thể thao Hà Nội nói riêng, cố Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã có công rất lớn trong việc gây dựng, phát triển nhiều môn thể thao, như: Điền kinh, cầu lông, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, wushu... theo chiến lược “đi tắt đón đầu”, với những dấu ấn rất đậm nét trong giai đoạn mới hội nhập trở lại sân chơi khu vực là Đại hội thể thao Đông Nam Á, trong đó có thành công rực rỡ của thể thao nước nhà tại SEA Games 2003.

leftcenterrightdel
 Hùng Dũng ăn mừng sau bàn thắng ghi được vào lưới của U.23 Indonesia. Ảnh: LÂM THỎA

Bước đà thuận lợi từ SEA Games 22 giúp thể thao Việt Nam có những bước tiến vững chắc vào đấu trường ASIAD, Olympic. Thành công của thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016 với tấm huy chương vàng (HCV), huy chương bạc, phá kỷ lục Thế vận hội của tuyển thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh đã tiếp thêm sự tự tin, lạc quan cho đội ngũ làm thể thao nước nhà. Tất nhiên, thời gian qua, chúng ta không thành công ở Thế vận hội Tokyo 2020, trong khi một số nền thể thao đối thủ của chúng ta ở Đông Nam Á lại có huy chương, nhưng như quy luật tất yếu, có thăng, có trầm, Thế vận hội là một lời nhắc nhở rằng, sự cạnh tranh trong thể thao là rất gắt gao và căng thẳng đến thế nào.

SEA Games 31 lần này chính là bước đà quan trọng, là sự tiếp nối thành công của những kỳ đại hội trước để thể thao Việt Nam có thể cất cánh mạnh mẽ và là một lời khẳng định rằng, chúng ta đang tiến về phía trước chứ không tụt lùi phía sau. Tôi cũng rất lạc quan khi nghĩ về thành công chung của SEA Games 31 bởi hiện tại, chúng ta đã có đủ hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm, rồi trình độ tổ chức cũng có sau khi tổ chức thành công Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2009 (ở Hà Nội), Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 (ở Đà Nẵng).

SEA Games 31, chủ nhà Việt Nam tổ chức 40 môn, với đa phần là các môn Olympic. Chúng ta đưa nhiều môn Olympic vào chương trình thi đấu SEA Games là để nâng tầm thể thao cả khu vực, chứ không chỉ vì quyền lợi, lợi ích riêng cho thể thao Việt Nam. Đương nhiên, mục tiêu của chúng ta là nhất toàn đoàn ở kỳ đại hội này, nhưng có thể thấy, Việt Nam muốn qua SEA Games 31, thể thao Đông Nam Á có sự tiến bộ vượt bậc và cần hướng tới những mục tiêu xa hơn, chẳng hạn như Olympic Paris 2024.

Không muốn mang tiếng ao làng thì phải thoát ra chứ

Hai năm qua, do dịch bệnh, thể thao thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á điêu đứng, liêu xiêu. Nhiều giải đấu bị hủy, hoãn. Có giải đấu chúng ta đầu tư không biết bao nhiêu tiền của cũng bị hủy. Vận động viên (VĐV) khát khao được tranh tài ở SEA Games 31 lắm rồi. Ao làng hay không ao làng, cái này nhiều nơi, nhiều cuộc nổ ra tranh luận. Thể thao Đông Nam Á muốn tiến ra biển lớn thì cũng phải xuất phát từ ao làng, lấy đó là bệ phóng, là nơi luyện quân. Chính nhờ việc tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị lực lượng tốt qua các kỳ SEA Games mà đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã làm nên lịch sử, giành vé dự World Cup 2023 sau khi tham dự Asian Cup dành cho nữ ở Ấn Độ hồi đầu năm nay. Không muốn mang tiếng ao làng thì thể thao Đông Nam Á phải nghĩ cách, tính toán chiến lược đường xa để thoát ra.

Thể thao Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng chúng ta đủ tự tin để hướng tới một kỳ SEA Games 31 thành công. Nếu chúng ta yếu, khủng hoảng thì sẽ không dám đưa nhiều môn Olympic vào trong chương trình thi đấu. Điền kinh, đua xe đạp, bắn súng, vật, cờ vua, đấu kiếm, bóng đá... sẽ là những môn thế mạnh của Việt Nam tại SEA Games 31.

Nhưng sau SEA Games 31 sẽ là gì? Chúng ta có thể nhất toàn đoàn ở SEA Games nhưng ở đấu trường châu lục, rồi đỉnh cao thế giới, thể thao Việt Nam vẫn đang chật vật khẳng định tên tuổi. Việc đầu tư cho thể thao không thể thấp được, cũng không thể mãi trông chờ vào ngân sách nhà nước. Tôi nhận thấy rằng, ngoại trừ bóng đá nam ra, các môn khác đều chưa có sự đầu tư phù hợp với tiềm năng của bộ môn đó. Như đấu kiếm chẳng hạn, nhiều khi tôi trò chuyện với kiếm thủ Vũ Thành An, em bảo đi thi đấu chỉ có 2-3 thầy trò, cảm thấy cô đơn, tủi thân vô cùng. Thực ra lãnh đạo đều nói đã làm hết sức, vì lý do này, cơ chế kia nhưng rõ ràng các môn vẫn chưa có được sự quan tâm đúng tầm. Hiện tại, môn được xã hội hóa mạnh nhất, hiệu quả nhất chính là golf. Nhìn vào golf, các bộ môn khác đều mong muốn được như vậy.

Chúng ta còn gặp vấn đề trong khâu tuyển dụng và đào tạo. Bố mẹ ngại cho con đi theo thể thao. Nhìn ra tương lai của một số bộ môn vẫn ảm đạm. Không có thành công của U.23 Việt Nam năm 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc) thì khó có các trung tâm đào tạo trẻ như hiện nay. Nhưng có một lứa thành công rồi-U.23 Việt Nam năm 2018-thì hiện nay, nhìn vào U.23 quốc gia tranh tài ở SEA Games 31, người hâm mộ, trong đó có tôi, lại thấy lo lắng, dẫu đội nhà khởi đầu thuận lợi ở vòng bảng.

Thể thao nước nhà muốn đào tạo, thu hút nhân tài, nhưng chế độ dành cho huấn luyện viên (HLV), VĐV còn thấp, lương chỉ mấy triệu đồng/tháng thì sống sao, trong khi thầy trò còn có biết bao nhu cầu. Ngay cả chế độ ăn uống dù đã được cải thiện nhưng vẫn có vấn đề. Nó tạo ra cảm giác cứ phải đến kỳ-cuộc (SEA Games, ASIAD, Đại hội thể thao toàn quốc...) để huấn luyện viên, VĐV trông mong vào tiền thưởng nhờ các huy chương. Và có vẻ như cứ đến các kỳ SEA Games thì các VĐV mới được xã hội chú ý đến nhiều hơn.

Cần sự thay đổi nhận thức, tư duy của cả xã hội

Nguồn ngân sách cho thể thao cũng có giới hạn. Các địa phương cũng đau đầu trong việc tìm nguồn lực để đầu tư cho thể thao phong trào lẫn thể thao thành tích cao. Nhưng chưa bàn về kinh phí đầu tư cho thể thao, chừng nào học sinh, sinh viên còn ngại học môn thể dục thì chừng đó, chúng ta còn khó lòng phát triển thể thao. Ở Mỹ, châu Âu, họ coi thể dục là môn ngoại khóa. Người ta khuyến khích học sinh, sinh viên theo học bơi, điền kinh, bóng rổ, bóng chày, bóng đá... để tính điểm ngoại khóa, thuận tiện cho việc vào đại học, xin học bổng. Khi tôi học bên Singapore cách đây hơn 20 năm, việc được ở trong ký túc xá nhà trường là rất khó khăn. Nhưng nếu bạn tham gia câu lạc bộ thiên văn, câu lạc bộ bóng đá, từng làm từ thiện, người ta sẽ ưu tiên xét cho sinh viên một phòng trong khu ký túc xá.

Cách làm thể thao ở Anh, Pháp, Đức, Italy cũng na ná theo mô hình của Mỹ. Anh muốn là VĐV chuyên nghiệp thì sẽ được đào tạo, nhận lương, thưởng, chế độ đãi ngộ cụ thể. Khi học sinh, sinh viên không thích theo đuổi thể thao chuyên nghiệp nữa thì vẫn tiếp tục học văn hóa, nhưng họ sẽ có cơ thể khỏe mạnh, sức khỏe sung mãn.

leftcenterrightdel

Rất đông cổ động viên có mặt tại sân vận động TP Việt Trì "tiếp lửa" cho đội tuyển bóng đá nam trong trận Việt Nam - Philippines tối 8-5-2022. Ảnh: HẢI PHONG

 

Tại Olympic Rio 2016, 80% VĐV của Đoàn Thể thao Mỹ đều đang học hoặc đã tốt nghiệp các trường đại học. Lùi về trước nữa 4 năm, các trường học đã giúp Đoàn Thể thao Mỹ đoạt hơn 80 huy chương tại Olympic London. Nổi bật nhất là Đại học Southern California (USC) với 24 huy chương các loại, trong đó có 12 HCV, nhiều hơn cả đoàn xếp thứ 5 chung cuộc là Đức. Riêng Trường Trung học Regis Jesuit (Colorado), chỉ với đại diện duy nhất là nữ kình ngư 17 tuổi Missy Franklin đã giành đến 4 HCV, 1 huy chương bạc.

Đâu là bí quyết giúp thể thao Mỹ gặt hái thành công ở đấu trường Olympic? Các chuyên gia thể thao và giới truyền thông quốc tế đã đưa ra câu trả lời: “Thể thao học đường giúp thể thao Mỹ cất cánh”. Thực tế cho thấy, hầu như ở đợt tranh tài Olympic nào, các VĐV thuộc các trường học cũng đều đóng góp hơn phân nửa số huy chương cho đoàn Mỹ.

Ở Olympic Tokyo 2020, tuyển bơi Mỹ mang đến Thế vận hội 44 VĐV và toàn bộ đều xuất thân từ các đội bơi ở trường đại học. Trong đó, Đại học Georgia đóng góp nhiều nhất với 7 kình ngư, kế đến là Đại học California với 6 tuyển thủ.

Quay trở lại vấn đề thể thao Việt Nam muốn bứt phá, tiến sâu vào đấu trường ASIAD, Olympic thì phải có chiến lược về mặt lâu dài, khoa học, kết hợp giữa thể thao và học đường, cùng với đó là sự thay đổi về tư duy của phụ huynh, học sinh. Với đấu trường SEA Games, đương nhiên, chúng ta sẽ trong tốp 3 toàn đoàn, nhưng để tạo ra sự bứt phá hẳn thì không chỉ là sự đầu tư ở môn thể thao trọng điểm.

TRƯƠNG ANH NGỌC