Vào Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) Quốc phòng 5 tập luyện từ khi 11 tuổi, Trần Hưng Nguyên được thầy Trương Ngọc Tuấn huấn luyện tập cơ bản 4 kỹ thuật: Bơi bướm, bơi ngửa, bơi ếch, bơi tự do. Sau thời gian luyện tập, một trong những sở trường của Nguyên là nội dung hỗn hợp cá nhân. Năm 2021, Trần Hưng Nguyên lần đầu được dự giải vô địch thế giới hồ ngắn (25m), đạt kết quả 1 phút 56 giây 44 tại cự ly 200m ngửa, qua đó phá kỷ lục quốc gia là 1 phút 57 giây 72, tồn tại 5 năm trước.
Cũng giống như vận động viên Nguyễn Huy Hoàng-người đồng đội, người anh ở đội tuyển bơi quốc gia, gia cảnh Trần Hưng Nguyên khá khó khăn. Chính vì cuộc sống có phần khó khăn nên năm 11 tuổi, Trần Hưng Nguyên đã theo người thân vào TP Hồ Chí Minh để mong cái bụng “được ấm” và sau là tìm kiếm cơ hội có việc làm. Thế nhưng, nghiệp bơi đã gắn với chàng trai quê Quảng Bình từ đó dẫu rằng với cậu học sinh THCS Trần Hưng Nguyên, bơi là một thế giới xa lạ.
Nếu chưa từng trò chuyện cùng Trần Hưng Nguyên, có lẽ ai cũng nghĩ đây là “rái cá”, rồi “thần đồng” làng bơi, thậm chí biết bơi trước khi biết đi... nhưng vào Thành phố mang tên Bác, Nguyên mới tập bơi, với mục tiêu rõ ràng: Giúp gia đình thoát nghèo. Và rồi, 3 cái tết gần đây, bố mẹ Nguyên đã bớt khó khăn nhờ tiền thưởng của con trai. Cái tết cổ truyền của gia đình cũng nhờ đó mà ấm áp, no đủ hơn. Đi thi đấu, được tiền thưởng, Nguyên đều gửi về cho bố mẹ. Trò chuyện với nhà đương kim vô địch SEA Games, tôi nhận thấy Nguyên vẫn có gì đó rụt rè, ngại ngùng trong lời ăn tiếng nói, nhưng khi lao mình xuống bể bơi thì lại là một Trần Hưng Nguyên rất khác.
Gần 10 năm trước, nếu không có người bà con ở TP Hồ Chí Minh về Quảng Bình động viên Nguyên vào miền Nam lập nghiệp thì có lẽ giờ này, nhà vô địch SEA Games của chúng ta vẫn đang cắp sách đến trường, ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc gia đình hoặc đi phụ hồ, chế biến hải sản ở bến cảng, bến tàu cũng nên.
Vào miền Nam, Trần Hưng Nguyên tập bơi như học sinh tập đánh vần. Nhưng nhờ có tố chất đặc biệt nên Nguyên bơi rất tốt. Chính vì vậy, các thầy ở Trung tâm TDTT Quốc phòng 5 đã hướng cho Nguyên tập chuyên sâu ở nội dung hỗn hợp 200m, 400m. Không phụ lòng các thầy ở Trung tâm TDTT Quốc phòng 5 cũng như huấn luyện viên (HLV), chuyên gia ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ, tại SEA Games 30, Trần Hưng Nguyên đã xuất sắc giành 2 HCV ở nội dung 200m hỗn hợp, 400m hỗn hợp (đồng thời phá kỷ lục đại hội với thông số 4 phút 20 giây 65), 1 HCĐ đồng đội nội dung 4x100m tự do.
Trong thành công của Nguyên, không thể không nhắc đến HLV Trương Ngọc Tuấn. Với con mắt tinh tường, nhận thấy tố chất và thể trạng lý tưởng từ cậu bé Trần Hưng Nguyên, thầy Tuấn đã về tận nhà, trao đổi cùng gia đình để Nguyên gia nhập đội bơi quân đội của Trung tâm TDTT Quốc phòng 5.
|
|
16 tuổi, Trần Hưng Nguyên đã khiến đường đua xanh ở SEA Games 30 dậy sóng. Ảnh: Sport |
Chuẩn bị cho SEA Games 31, trong Nguyên ùa về những kỷ niệm. Nguyên nhớ lại những ngày mới tập luyện ở Trung tâm TDTT Quốc phòng 5, nhớ nhà, nhớ mẹ, thèm được ăn bữa cơm rau với gia đình. Nhà vô địch SEA Games Trần Hưng Nguyên hồi tưởng: “Lúc mới vào TP Hồ Chí Minh, em hào hứng lắm, nhưng được vài ngày đã nhớ nhà nên cứ đòi về. Ở nhà, em vẫn ngủ với mẹ, vào trong này phải ngủ một mình. Những đêm đầu, em gần như không ngủ được, chỉ muốn ra bến, bắt xe về Quảng Bình ngay lập tức. Các thầy ở trung tâm động viên, khuyên bảo em cố gắng luyện tập, sau này thành tài có thể giúp đỡ gia đình, làm rạng danh cho thể thao quân đội, thể thao nước nhà”.
SEA Games 30, lúc giành được HCV, đứng trên bục cao nhìn lá quốc kỳ Việt Nam tung bay, Nguyên nhớ ba mẹ ghê gớm. Nguyên thương ba trưa hè nắng nóng vẫn nhẫn nại, mỏi mòn ngóng khách chạy xe ôm. Thương ba mẹ, Nguyên lại càng cảm ơn các thầy, các HLV đã giúp em thành tài. Nguyên tâm sự: “Em theo nghiệp bơi được 5 năm và có thành tích ở SEA Games 30, đó là nhờ công lao của các thầy, các chuyên gia. SEA Games 31, em sẽ cố gắng thi đấu thật tốt, để cống hiến thành tích cho thể thao quân đội”.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Nguyên không về quê ăn Tết cùng gia đình mà đón Giao thừa và ăn Tết ngay tại nơi tập huấn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ với các đồng đội ở đội tuyển bơi quốc gia. Trung bình mỗi ngày, Nguyên bơi 16km, chia làm hai buổi. Ngoài ra, trong tuần Nguyên và các thành viên đội tuyển bơi quốc gia còn có 3 buổi tập thể lực trên cạn. Nguyên cho biết: “Trước thềm SEA Games 31, em và các đồng đội cảm thấy rất sung sức. Tất cả tuyển thủ đều được nhận những giáo án tập luyện tốt nhất của các HLV, được đi tập huấn ở nước ngoài cũng giúp chúng em hưng phấn hơn, tự tin hơn...”.
Tại SEA Games 31, Nguyên được giao chỉ tiêu giữ vững thành tích đạt hai HCV như kỳ đại hội trước. Kình ngư khoác áo lính tin tưởng có nhiều cơ hội hoàn thành mục tiêu, bởi: “Em được tập luyện ở môi trường thể thao quân đội và ở đội tuyển quốc gia, đây là những môi trường rất chuyên nghiệp, đòi hỏi ý thức tự giác, chấp hành kỷ luật của vận động viên phải rất cao. Chính kỷ luật của quân đội đã giúp em trưởng thành”.
* Với hai tấm HCV đã giành được tại SEA Games 30-2019, Trần Hưng Nguyên được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
* Trần Hưng Nguyên chia sẻ: “Em có được thành công như hôm nay là nhờ vào công lao rất lớn của các thầy, các chuyên gia trong ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia, Trung tâm TDTT Quốc phòng 5. Em sẽ luôn nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để giành thành tích cao ở SEA Games 31 và các giải đấu quốc tế. Em sẽ không phụ lòng tin của ban huấn luyện, người hâm mộ cũng như em muốn có nhiều cơ hội để giúp đỡ bố mẹ bớt vất vả”. |
CẨM TÚ