1. Sau 50 năm là một đội bóng mạnh, Chelsea trở thành thế lực thống trị Ngoại hạng Anh chỉ sau sự xuất hiện của tỷ phú Abramovich. Cả tỷ bảng Anh được ông ném vào Chelsea để xây dựng lại hoàn toàn cơ sở hạ tầng, mua cầu thủ, mang về những huấn luyện viên giỏi nhất… Con đường thành công của Chelsea cũng là cách mà Man City chọn để đi. Thậm chí, Man City còn làm quyết liệt hơn, với nhiều tiền hơn. Cũng chỉ trong vòng hai năm kể từ khi tỷ phú Ả Rập Mansuor mua lại Man City, CLB vốn chỉ quen đứng ở hạng trung của bóng đá Anh bỗng chốc biến thành một đại gia, một quyền lực thách thức lịch sử bóng đá Anh.
Số tiền mà Man City được đầu tư còn lớn gấp nhiều lần con số mà Chelsea nhận được từ Abramovich và hành trình tiến lên thành gã khổng lồ của Man City còn nhanh, chắc và vững vàng hơn. Họ thiết lập hàng loạt kỷ lục không tưởng ở giải Ngoại hạng Anh rồi vươn ra thách thức cả châu Âu. Man City khẳng định chân lý rằng, điều gì không thể mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.
Lịch sử, sự thành công, đẳng cấp của một CLB không chỉ được xây dựng bằng thành tích, sự tích lũy theo năm tháng như kiểu Man Utd, mà còn có thể tạo ra trong vài năm bằng rất nhiều tiền. Và sắp tới, có thể sẽ có thêm một kẻ thách thức nữa: Newcastle Utd.
 |
Newcastle (áo sọc) sẽ nối tiếp MC trở thành địa gia Premier League? Ảnh: G.I |
2. Newcastle được xếp vào tốp 10 CLB lớn nhất, có truyền thống nhất nước Anh. Họ cũng là một trong hai CLB ngoài tốp 4 (Arsenal, MU, MC, Chelsea) vô địch trong kỷ nguyên Premier League (cùng với Leicester). Nhưng hơn hai thập kỷ qua, họ chìm nghỉm khi hàng loạt tỷ phú tràn vào nước Anh mua lại các CLB. Newcastle chấp chới và cứ “dặt dẹo” nhiều năm qua với túi tiền rỗng tuếch, tham vọng nhạt nhòa và tương lai mờ mịt. Nhưng mọi sự đã khác khi Hoàng thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đang làm những thủ tục cuối cùng để sở hữu CLB này.
Mức giá mà Hoàng thái tử bỏ ra chẳng là gì với một tỷ phú (khoảng 300 triệu bảng Anh), vấn đề là chi phí bỏ ra để duy trì hoạt động và đưa CLB trở thành hùng mạnh. Cứ theo hành trình mà Chelsea, Man City đã đi, Newcastle cần cỡ cả tỷ bảng Anh để đổi đời. Con số này rất đáng kể, nhưng có lẽ cũng không quá sức với Mohammed bin Salman khi khối tài sản của ông được dự đoán lên tới 10 tỷ bảng Anh.
Ngay sau khi tiếp quản CLB, nguồn tiền sẽ được “bơm” và hàng loạt kế hoạch tái thiết đã được lên. Trong đó có hàng loạt cái tên được cho rằng sẽ sớm đến với Newcastle, nổi bật là Mbappe, siêu sao có giá trị thị trường chuyển nhượng lên tới 170 triệu bảng Anh. Ngay từ bây giờ, báo chí Anh đã dự đoán Newcastle sẽ biến hình ngay trong mùa giải đầu tiên được tiếp quản vào tay tỷ phú Mohammed bin Salman, với ít nhất khoảng 200 triệu bảng Anh sẽ được chi. Tham vọng của họ đương nhiên là vị trí thách thức trong tốp 4 Premier League và vô địch giải đấu này sau 3 năm nữa.
3. Lịch sử bóng đá đang bị xâm chiếm bởi dấu ấn những tỷ phú. Họ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt bóng đá châu Âu nói chung và bóng đá Anh nói riêng, họ vẽ ra bản đồ quyền lực mới bằng tiền bạc. Và những thương vụ mua lại CLB càng về sau này càng được “cải tiến”, càng đặt dấu ấn đậm nét hơn, miễn là những ông chủ chịu chi.
Chelsea thành công với Abramovich. Nhưng sau đó Man City còn ấn tượng hơn. Gần hơn nữa, PSG ở Pháp còn khủng khiếp hơn nữa. PSG được tập đoàn tài chính Qatar mua lại và tiền họ bỏ ra gần như không giới hạn, có thể mua về bất kỳ ai họ muốn. Đến mức, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) phải ra điều luật công bằng tài chính để hạn chế quyền năng tiền bạc của các CLB này, nhưng nó cũng chỉ kiềm chế được phần nào. Sự phân hóa giàu nghèo ở bóng đá châu Âu và ngay từng giải đấu vẫn xuất hiện. Và càng không thể phủ nhận rằng, trong thời đại kim tiền này, sẽ khó có thể thành công nếu không có tiền. Mà nguồn tiền lớn nhất vẫn luôn nằm ở túi các tỷ phú.
Newcastle đang trên đường gia nhập đội ngũ các CLB đại gia. Họ sẽ thay đổi trong thời gian tới. Premier League cũng sẽ thay đổi theo. Hiện tại, khái niệm tốp 4 (gồm 4 đại gia từng vô địch giải đấu: Arsenal, MU, Chelsea, MC) ở đây đã thay đổi thành tốp 6 (thêm Liverpool, Tottenham). Cùng với sự nổi lên mạnh mẽ của Leicester, khái niệm nhóm đội mạnh của Anh có thể nâng lên tốp 7. Và khi Newcastle được đầu tư, nhóm đại gia có khi phải gọi là tốp 8. Khi đó, gần nửa đội bóng tham dự Premier League đều sẽ là những đội bóng lớn. Chừng đó đủ để khẳng định mức độ hào nhoáng của bóng đá Anh!
LÊ THÀNH TRUNG