Sau màn giao lưu, tặng quà, các cựu VĐV chủ động xếp thành hàng ngang rồi cúi chào những người thầy cũ. Một hành động tưởng xã giao nhưng khiến những người trong cuộc xúc động với bao ký ức ùa về. Chuyện là vào năm 2004, lãnh đạo Sở Thể dục thể thao (TDTT) TP Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội) cử cán bộ, huấn luyện viên thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh học tập mô hình phát triển bi sắt. Lúc đó bi sắt rất phát triển ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam. Làm thế nào để bắt kịp các địa phương trên là bài toán khó đối với những người gây dựng Bộ môn bi sắt Hà Nội. Khi ấy, các lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội xác định, tuyển chọn và huấn luyện, đào tạo bài bản sẽ góp phần tạo nên những VĐV bi sắt chất lượng.

leftcenterrightdel

 Thế hệ vận động viên đầu tiên của bi sắt Hà Nội ôn lại kỷ niệm cùng những người thầy cũ

Bài học đầu đời của các VĐV bi sắt Hà Nội là lau nhà và từng người ra cúi chào mỗi khi khách đến. Những người ngoài cuộc sẽ khó hiểu về cách huấn luyện theo kiểu quân phiệt này, nhưng đây là phương pháp để các VĐV rèn luyện sự tỉ mỉ, kiên trì, đáp ứng đặc thù của môn bi sắt. Với triết lý “không thành công cũng thành nhân”, những bài huấn luyện của Bộ môn bi sắt Hà Nội giống như một khóa học văn hóa, giáo dục triết lý nhân sinh. Ban đầu, bài học lau nhà yêu cầu mỗi VĐV phải lau 7 lần/ngày, tất cả giày dép đều phải để bên ngoài hành lang. Khi áp dụng quy tắc này, ông Đặng Xuân Vui, Trưởng bộ môn Bi sắt và Billiards Hà Nội bị các VĐV gọi với biệt danh “cảnh sát” hay “ông lão khó tính”. Nhưng dần dà, họ mới hiểu được tấm lòng người thầy.

Sau hai tháng lau nhà với tần suất 7 lần/ngày, ông Vui giảm cường độ xuống còn 3 lần/ngày. Về sau, khi VĐV năng khiếu đã quen với bài tập đầu đời, các em chỉ phải lau sàn một lần trong hai ngày nên cảm giác mọi thứ cũng nhẹ nhàng hơn. Áp dụng việc lau nhà vào công tác huấn luyện cũng có nhiều nét tương đồng. Bi sắt là môn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù, nhiều lúc VĐV phải đứng hàng giờ ngoài sân đấu, phải chịu nắng, mưa nhưng vẫn giữ vững tinh thần. Nếu không có sự rèn luyện khắc khổ, không có những giáo án huấn luyện khác thường thì lấy đâu ra thành tích ấn tượng. 20 năm nhìn lại, bi sắt Hà Nội đã có sự phát triển vững chắc, luôn nằm trong tốp đầu tại các giải vô địch quốc gia.

Xúc động khi gặp lại những người thầy, đồng đội cũ, cựu VĐV Trần Thu Hương (hiện công tác trong lĩnh vực ngân hàng) bày tỏ: “Dù tập luyện tại Bộ môn bi sắt Hà Nội một năm rồi chuyển công tác, nhưng tôi luôn nhớ những kỷ niệm cùng các thầy trong ngày đầu gây dựng bộ môn. Ngày đó, môn bi sắt chưa được nhiều người biết đến, thậm chí chưa có sân tập đạt chuẩn, nhưng mọi người luôn gắn bó và sẻ chia. Gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, mọi người xúc động trước tình cảm vẹn nguyên của các thầy dành cho mình, nên trong khoảnh khắc đó đã tự bảo nhau thực hiện động tác cúi chào như một lời tri ân. Những gì học được từ thầy Vui và các huấn luyện viên tại Bộ môn bi sắt Hà Nội năm xưa giúp tôi rất nhiều trong công việc giao tiếp với khách hàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Dù gắn bó với bi sắt Hà Nội đến năm 2009 rồi chuyển lĩnh vực, nhưng anh Bùi Anh Dũng (hiện công tác trong lĩnh vực giáo dục) vẫn nhớ như in những ngày đầu theo bộ môn bi sắt mà trong tay chẳng có gì, ngoài bộ bi và quyển luật để tự nghiên cứu. Theo anh, phương pháp rèn luyện kỷ luật của các thầy trong Bộ môn bi sắt Hà Nội sẽ giúp ích cho các VĐV rất nhiều trong chặng đường phát triển sự nghiệp thể thao cũng như cuộc sống sau này.

Cũng bởi được rèn luyện trong môi trường kỷ luật, nghiêm khắc nên các VĐV Bộ môn bi sắt Hà Nội nổi tiếng ngoan, lễ phép và cũng rất tài năng. Có người là trọng tài kiêm VĐV, thông thạo một số ngoại ngữ; có người là nhà vô địch SEA Games hay nhiều năm liền vô địch quốc gia. Ông Lại Phúc Lộc, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội bày tỏ: “Bi sắt là một trong số ít bộ môn của thể thao Hà Nội vẫn duy trì được thói quen rèn các VĐV cúi chào khi có khách đến và thể hiện sự biết ơn, tri ân những người thầy. Trong thể thao, tôn sư trọng đạo là một trong những yếu tố quan trọng giúp VĐV rèn luyện để vươn tới đỉnh cao”.

Bài và ảnh: HOA LƯ