Lách luật để hưởng lương
Mặc dù không đạt được thành tích trong những năm qua nhưng MU vẫn là đội bóng thu hút doanh thu tài trợ số 1 của bóng đá thế giới. Hiện tại, "Quỷ đỏ" có tới 25 nhà tài trợ, mang lại nguồn doanh thu trị giá hàng trăm triệu bảng Anh mỗi năm.
Nhìn lại quãng thời gian đầy mê hoặc của mình ở "Quỷ đỏ", huấn luyện viên (HLV) Ferguson không ít lần khẳng định: Edwards thực sự là ông chủ có tài, có tầm nhìn xuyên thấu tương lai. Edwards không chỉ mang đến thành công cho đội nhà mà còn góp phần giúp Giải ngoại hạng Anh trở thành thương hiệu thể thao mạnh nhất thế giới.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, các ông chủ đội bóng ở Anh quốc không được phép nhận tiền lương. Hãy làm vì đam mê, vì người hâm mộ. Không rõ vì sao trong bộ luật sơ khai mà Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) soạn ra từ thế kỷ 19, điều luật số 34 ghi rõ: Người quản lý đội bóng không được hưởng lương. Không được trả cổ tức cho các cổ đông quá mức giới hạn. Chủ đội bóng chỉ có nhiệm vụ chính là duy trì câu lạc bộ.
|
|
Chủ tịch Edwards và Sir Alex đã biến MU thành một đế chế hùng mạnh. Ảnh: Getty |
Làm Chủ tịch MU từ năm 1980, Edwards khó chịu khi không được hưởng lương. Đầu những năm 1980, khi MU chỉ được truyền hình trực tiếp 10 trận/mùa giải ở xứ sương mù, Edwards đã sang tận Nhật Bản, thuyết phục được hãng điện tử Shape chi ra tới 500.000 bảng Anh/mùa bóng để tài trợ cho đội. Sau khi có nửa tá nhà tài trợ tìm đến đội bóng, Edwards bắt đầu muốn được hưởng lương khi doanh thu của đội nhà tăng vọt. Phải có cách lách luật. Edwards cùng với Chủ tịch Tottenham Scholar nghĩ mưu. Cả hai quyết định thành lập các công ty mẹ, biến đội bóng thành công ty con. Điều này không chỉ cho phép hai quý ngài trên được nhận lương mà còn có đủ điều kiện đưa các doanh nghiệp thể thao lên sàn chứng khoán London. Quả là những bộ óc thiên tài.
Sang Mỹ “du học”
Cảm thấy hợp gu, năm 1987, Edwards và Scholar sang Mỹ để tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Đây chính là những ông chủ bóng đá đầu tiên ở Anh sang xứ cờ hoa “du học”. Vốn dĩ với người Anh, trong bóng đá thì họ là số 1 thế giới nên có bảo các quan chức FA sang Mỹ tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn hay học hỏi thì quả là chuyện hài.
Khi Edwards và Scholar tới New York làm khách của câu lạc bộ (CLB) bóng bầu dục Jets, họ nhận ra rằng hoạt động tiếp thị toàn diện của Giải bóng bầu dục Mỹ (NFL) chính là tương lai của thể thao chuyên nghiệp. Khi trở về thành phố Manchester, Edwards đã quyết định hành động ngay lập tức. Hồi đó, công việc kinh doanh hàng hóa của MU chỉ có dịch vụ đặt hàng lưu niệm với một nhân viên trực điện. Ở cửa hàng lưu niệm của đội bóng còn hy hữu hơn, khi MU không phải là chủ sở hữu. Số là khi chia tay với HLV huyền thoại Matt Busby (người đã giúp “Quỷ đỏ” giành Cúp C1 năm 1968), Chủ tịch đội bóng, Edwards bố (Louis Edwards) đã tặng cho Sir Busby quyền sở hữu cửa hàng lưu niệm ở sân vận động trong vòng 21 năm. Năm 1991, khi thỏa thuận thực thi được 19 năm, Edwards con nhận ra cần sớm lấy lại cửa hàng. Để đổi lấy 2 năm còn lại, Edwards viết một tấm séc trị giá 146.500 bảng Anh cho gia đình Busby.
Thời điểm trên, có một cuộc đua ngầm giữa Edwards và Scholar trong sứ mệnh biến đội bóng của mình thành đế chế thể thao kinh doanh số 1 nước Anh. Tuy nhiên, Scholar đã phạm phải sai lầm khủng khiếp, khi để Edwards chiêu mộ được Freedman vào năm 1993.
Freedman không ra sân thi đấu trận nào cho Tottenham, nhưng Edwards hiểu rõ ông ta có thể đem lại những gì cho đội nhà. Freedman vốn là cố vấn tài chính của Scholar. Trong những lúc trà dư tửu hậu, vốn có thiện cảm với nhà Edwards, Freedman đã chia sẻ về những sai lầm trong kinh doanh mà MU đang mắc phải. Trong đó, sai lầm lớn nhất chính là bất kỳ đối tác nào trả tiền sử dụng thương hiệu của CLB cũng có quyền sử dụng danh xưng “Manchester United” để kiếm lời, rồi chỉ chia lại cho đội bóng “một mẩu bánh mì” trong lợi nhuận của họ. Freedman rỉ tai Edwards: "Đã đến lúc ngài và MU phải hoàn toàn tự kiểm soát thương hiệu, chủ động nắm lấy lợi nhuận được sinh ra từ thương hiệu của mình". Trong năm 1994, MU thu về tới 44 triệu bảng Anh từ việc kinh doanh các sản phẩm mang nhãn hiệu của mình, tăng 180% so với năm trước đó. Cổ động viên của các đội bóng đã chế giễu "Quỷ đỏ" bằng cái tên Merchandise United, vì thấy họ bán được quá nhiều hàng. Edwards càng thích thú vì điều này. Năm 1998, tổng doanh thu bán hàng của MU còn nhiều hơn cả Arsenal, Chelsea, Liverpool và đối thủ cùng thành phố Manchester City cộng lại.
Tiền đổ ầm ầm vào két sắt của MU khiến lãnh đạo các đội bóng khác đứng ngồi không yên. Scholar hối hận nhưng đã muộn. Liverpool cũng có lý do để tiếc nuối. Đáng ra họ phải trở thành thế lực thương mại đầu tiên của Giải ngoại hạng Anh. Họ có 10 chức vô địch quốc gia trong giai đoạn 1975-1990, họ cũng có điểm xuất phát vô cùng thuận lợi để kinh doanh thương hiệu ở bên ngoài Vương quốc Anh, với 4 lần vô địch cúp C1. Khi mới được Edwards thuê về cầm quân, HLV Ferguson tuyên bố nhiệm vụ của ông ta là lật đổ sự thống trị của Liverpool.
Dòng tiền chảy về sân Old Trafford trong thập niên 1990 giúp "Quỷ đỏ" làm được điều mà không đội bóng Anh nào làm được trước khi về tay các tỷ phú, quỹ đầu tư nước ngoài: Đầu tư lớn cho việc cải tạo sân vận động. Sau khi Stretford End đã được biến thành một khán đài toàn chỗ ngồi, Edwards lại chi thêm 30 triệu bảng Anh để cơi nới khán đài hướng bắc (North Stand), giúp cho sân nhà tăng sức chứa lên 55.000 chỗ ngồi, dẫn đầu Giải ngoại hạng Anh vào năm 1996. Cùng với rất nhiều chỗ ngồi sang trọng, ghế VIP và các công trình phụ, sân Old Trafford thu về tới 1,2 triệu bảng Anh mỗi khi có trận đấu diễn ra.
Điều hối tiếc của ngài chủ tịch
Được đà thẳng tiến. Chủ tịch Edwards chi thêm 30 triệu bảng Anh để nâng sức chứa của sân Old Trafford lên 67.000 chỗ ngồi trước mùa giải 2000. Trước đó một năm, ông ta đã mua cho đội nhà một trung tâm huấn luyện ở Carrington trị giá tới 60 triệu bảng Anh. Không có gì mà MU không thể mua được vào thời điểm trên. Edwards đã từng hối tiếc, đáng ra vào cuối thập niên 1990, ông ta phải mua cho đội bóng vài hòn đảo ở Thái Bình Dương.
Năng lực tài chính của MU đã bỏ xa mọi đối thủ, kể cả các đội bóng hùng mạnh nhất châu Âu. Mãi sau này, Real Madrid mới vượt lên sau khi cũng học hỏi mô hình kinh doanh của "Quỷ đỏ". Năm 1998, tỷ phú Murdoch ngỏ ý mua MU với giá 630 triệu bảng Anh, nhưng Ủy ban về Độc quyền và Sáp nhập của Chính phủ Anh không chấp thuận. Ủy ban này không thích viễn cảnh một người nước ngoài như Murdoch kiểm soát cả giải đấu lớn nhất lẫn câu lạc bộ lớn nhất ở xứ sương mù, vì lo ngại chuyện này sẽ làm phân hóa hơn sự giàu-nghèo của các CLB. Một năm sau, giá trị của MU lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ bảng Anh, trong khi toàn bộ nhân sự của đội bóng chỉ 500 người. MU trở nên giàu có tới nỗi mọi thứ họ chạm vào đều có thể biến thành vàng. Đội bóng cho ra đời trang web và kênh truyền hình, cửa hàng bán đồ lưu niệm của CLB cũng trở thành một hệ thống siêu thị.
Ngay cả khi giàu "nứt đố đổ vách", Edwards vẫn biết cách thi triển năng lực khi bỏ bớt chữ “Câu lạc bộ bóng đá” trên phù hiệu của MU. Khi đã trở thành CLB thể thao nổi tiếng nhất trái đất thì không cần phải nhắc cho mọi người biết bạn chơi môn thể thao nào. Vậy là vào đầu những năm 2000, cả thế giới đã biết đến danh xưng-thương hiệu “Manchester United”.
CẨM TÚ