Thay đổi cốt lõi

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) thừa nhận: “Trong quy hoạch cũ, TTVN luôn phải đứng tốp 3 SEA Games. Còn trong Chiến lược phát triển TTVN đến năm 2030, tầm nhìn 2050, chúng tôi đã điều chỉnh mục tiêu: Thay vì tập trung cho SEA Games, TTVN sẽ tấn công vào đấu trường ASIAD và Olympic”. Để khẳng định quyết tâm trên, ông Phấn cho hay: “Ưu tiên số 1 của TTVN là Olympic, số 2 là ASIAD và số 3 là SEA Games. Đây là thay đổi cốt lõi của chiến lược và phù hợp với thực tế phát triển của TTVN. Nếu không điều chỉnh mục tiêu, thể thao nước nhà sẽ không thể tiếp cận được với thành tích của thể thao châu lục và thế giới trong khi nguồn lực có hạn”.

leftcenterrightdel
 Phải rất lâu nữa, TTVN mới có được một Hoàng Xuân Vinh thứ hai. Ảnh: Olympic

 

Mặc dù quyết tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT là vậy nhưng trò chuyện với một số huấn luyện viên, trưởng bộ môn công tác ở Tổng cục TDTT, không ít ý kiến cho rằng TTVN sẽ mất một thời gian dài nữa để có thể dồn sức cho đấu trường chính Olympic và ASIAD. Bởi lâu nay, thể thao nước nhà quá ám ảnh việc đứng chân trong tốp 3 SEA Games nên đã không có chiến lược đầu tư đúng đắn, khoa học cho mặt trận Olympic và ASIAD. Ngược lại, các nước trong khu vực Đông Nam Á xác định rõ: Olympic là mục tiêu quan trọng số 1, ASIAD là mục tiêu then chốt, còn SEA Games là nơi luyện quân, chuẩn bị lực lượng tinh binh cho hai đấu trường lớn trên. Tại Olympic Tokyo diễn ra vào hè năm 2021, trong khi TTVN trắng tay thì Philippines đã giành được 1 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương bạc (HCB), 1 huy chương đồng (HCĐ); Indonesia giành được 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ; Thái Lan giành được 1 HCV, 1 HCĐ. Lịch sử các kỳ Olympic, Thái Lan giành đến 10 HCV, Indonesia giành 8 HCV, trong khi đó Philippines cũng có 1 HCV; còn TTVN mới giành được tổng cộng 5 huy chương, trong đó có 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ.

Nhìn lại thập niên qua, có thể thấy TTVN đã không hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra. Cụ thể, ngày 11-11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với mục tiêu trọng tâm phát triển mạnh mẽ thể thao quần chúng, nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Trên cơ sở đó, chọn ra được những “hạt giống” để phát triển thể thao thành tích cao, nâng cao thành tích trên đấu trường quốc tế. Quy hoạch phát triển TTVN đến năm 2020 đưa ra mục tiêu cụ thể với thể thao thành tích cao. Trong đó, đấu trường SEA Games được coi là trọng tâm khi Chính phủ đặt chỉ tiêu TTVN luôn phải đứng trong tốp 3 quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Đấu trường ASIAD, mục tiêu của Chính phủ đề ra với ngành thể thao là: ASIAD 2014 đoạt 2-3 HCV, xếp hạng 15-20 toàn đoàn; ASIAD 2018 đoạt 10-15 HCV, xếp hạng 10-15 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030 phải đứng trong tốp 10 nước dẫn đầu châu Á. Ở đấu trường Olympic, Chính phủ đặt mục tiêu cho thể thao nước nhà như sau: Olympic 2016, TTVN có 30-40 vận động viên (VĐV) tham dự và giành được 1-2 huy chương; trong giai đoạn 2020-2030, có 30-50 VĐV tham dự Olympic và đoạt hơn 2 huy chương, phấn đấu có HCV ở mỗi kỳ đại hội.

Giai đoạn 2010-2020, TTVN hoàn thành chỉ tiêu đứng trong tốp 3 SEA Games nhưng ở đấu trường Olympic và ASIAD, thành tích của các VĐV không được như mong đợi, thậm chí ở kỳ Olympic Tokyo 2020 vừa qua, thể thao nước nhà đã trắng tay.

Tìm ra môn thể thao mũi nhọn

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, người nhiều lần làm Trưởng đoàn TTVN tham dự các giải đấu lớn ở khu vực, châu lục và thế giới cho chúng tôi hay: “TTVN sau tấm HCV, HCB của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio de Janeiro 2016 đã có dấu hiệu chững lại. Việc chuẩn bị cho các VĐV thi đấu tại Olympic là quá trình dài hơi, phải mất 8-10 năm. Như vậy, nếu muốn một VĐV tham dự hoặc có thành tích ở Olympic, ít nhất thể thao nước nhà phải có kế hoạch chuẩn bị trong 6 năm, huy động tối đa mọi nguồn lực. Khoa học đã chứng minh, với những VĐV trong các môn tốc độ và sức mạnh, nếu chỉ nghỉ tập 3-5 buổi, hiệu quả tập luyện sẽ giảm 2-6,5%. Một đô cử nâng tối đa được 100kg, nếu nghỉ một tuần sẽ không thể nâng được thành tích đó, phải cần tập thêm vài ngày mới có thể trở lại thành tích. Như vậy có thể thấy, việc tập luyện không hệ thống do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của TTVN tại Olympic Tokyo 2020. Nhưng tại sao ở Olympic Tokyo, thể thao Thái Lan, Indonesia, Philippines vẫn giành được nhiều huy chương, cho dù họ cũng bị dịch Covid-19, nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng?”.

leftcenterrightdel
 Kình ngư Huy Hoàng là niềm hy vọng lớn nhất của thể thao nước nhà ở ASIAD lần thứ 19-2022. Ảnh: THIÊN THANH

 

Đi sâu vào phân tích chuyên môn, ông Nguyễn Hồng Minh chỉ ra: “Các nhà làm thể thao phải căn cứ vào tình hình phát triển của khu vực và thế giới để tìm ra hướng đi, mũi nhọn, mũi tiến công sắc bén ở Olympic và ASIAD. Khi tôi còn công tác, tôi và ê kíp phân tích sâu một số nội dung của một môn, chứ không phải liệt kê một số môn. Khi đó, những môn được xác định cụ thể là cử tạ, điền kinh, taekwondo... và ngành thể thao nước nhà chọn được một vài nội dung trong đó. Thái Lan có 10 HCV ở Olympic thì có tới 5 HCV cử tạ, 4 HCV boxing và mới nhất là HCV taekwondo của Panipak Wongpattanakit. Tôi biết, Thái Lan đã đầu tư hàng chục năm vào boxing, cử tạ và bắn cung... Panipak Wongpattanakit không còn xa lạ với thể khu vực, cô là võ sĩ số 1 thế giới, từng giành HCĐ Olympic Rio de Janeiro 2016, đoạt 10 chức vô địch thế giới, Grand Prix, Grand Slam taekwondo, HCV ASIAD và SEA Games”.

Trong hành trình ở Olympic Tokyo 2020, Panipak Wongpattanakit vượt qua võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền ở vòng tứ kết, sau đó thẳng tiến đến chức vô địch. Xem lại băng hình trận đấu giữa Panipak Wongpattanakit và Kim Tuyền, một số nhà phân tích cho rằng, phải mất vài năm nữa, may ra võ sĩ Kim Tuyền mới tiệm cận được trình độ của nhà vô địch Olympic Panipak Wongpattanakit.

Thế nên, theo ông Nguyễn Hồng Minh: “Nếu chúng ta giành được huy chương ở Olympic Tokyo là điều phi thường, còn không là bình thường. TTVN đã tham gia Olympic được 40 năm, đó là chặng đường rất dài từ Olympic Moscow 1980, nhưng thể thao nước nhà vẫn chưa xác định được mục tiêu rõ ràng, môn thế mạnh ở đấu trường đỉnh cao này. Theo tôi, mục tiêu không phải là số VĐV đạt chuẩn để được tham dự Olympic mà phải là thành tích thi đấu. Thành công hay không thành công nằm ở việc TTVN có huy chương hay trắng tay”.

BOX: “Ở trình độ cao phải đầu tư chuyên nghiệp cho VĐV, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, y tế, dinh dưỡng tốt, đi tập huấn dài hạn ở những quốc gia có nền thể thao phát triển... Đây là hệ thống đào tạo chặt chẽ trong nhiều năm cho VĐV đỉnh cao mà TTVN chưa làm được. Một điều nữa là tâm lý của các VĐV Việt Nam không tốt. Bên cạnh đó, cơ sở của thể thao phải là tập luyện có hệ thống. TTVN còn yếu về đầu tư trong thể thao thành tích cao, như cách làm hiện tại là không bao giờ đủ vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí của Nhà nước. Ở các quốc gia khác, nguồn lực xã hội hóa rất nhiều, Chính phủ chỉ cấp tiền khi đoàn đi thi đấu các giải quốc tế”, ông Nguyễn Hồng Minh cho hay.

HÀ THÀNH