Giá hời?

Chuyển giao AC Milan là thương vụ bán đội thể thao châu Âu mới nhất cho các nhà đầu tư Mỹ, theo sau thương vụ 3 tỷ USD thâu tóm đội bóng Chelsea, khoản tiền cao nhất từng được trả cho một câu lạc bộ (CLB) trong bất kỳ môn thể thao nào.

leftcenterrightdel

AC Milan là đội bóng giàu truyền thống nhất Italy. Ảnh: AFP

Ngày 8-9, Ban tổ chức giải Serie A thông báo việc chuyển giao AC Milan cho quỹ đầu tư RedBird (Mỹ) đã hoàn tất về thủ tục pháp lý. Quỹ này mua lại đội bóng đương kim vô địch Serie A từ Tập đoàn Elliott Management với giá 1,2 tỷ USD.

Không có cuộc ra mắt ông chủ mới. Từ bên kia bờ Đại Tây Dương, Gerry Cardinale, người sáng lập RedBird thông báo: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ các cầu thủ, huấn luyện viên và đội ngũ nhân viên tài năng để mang lại thành công trên sân cỏ. Chúng tôi sẽ tìm cách tận dụng mạng lưới truyền thông và thể thao toàn cầu, chuyên môn phân tích, thành tích phát triển sân vận động thể thao và lòng hiếu khách để thực hiện một mục tiêu, đó là duy trì vị trí của AC Milan tại các giải đấu hàng đầu của bóng đá châu Âu và thế giới”.

Khá ngạc nhiên khi RedBird đã mua lại hơn 99,9% cổ phần của đội bóng áo sọc đỏ-đen trong khi Elliott Management vẫn có hai vị trí trong hội đồng quản trị của đội bóng, mặc dù họ không còn cổ phần ở AC Milan.

Elliott Management mua lại AC Milan vào năm 2018, khi doanh nhân Trung Quốc Li Yonghong không thể trả khoản nợ mà ông đã vay khi mua đội bóng sọc đỏ-đen từ Công ty Fininvest của Silvio Berlusconi vào năm 2017. Cựu thủ tướng của Italy, ông Silvio Berlusconi đã sở hữu CLB này từ năm 1986 và trong khoảng thời gian 3 thập niên đã giúp AC Milan trở thành thế lực hàng đầu bóng đá thế giới, với việc vô địch C1/Champions League 5 lần.

“Khi Elliott Management mua lại AC Milan vào năm 2018, chúng tôi được thừa hưởng một CLB có bề dày lịch sử nhưng lại gặp vấn đề nghiêm trọng về tài chính và phong độ thể thao tầm thường. Kế hoạch của chúng tôi rất đơn giản: Tạo ra sự ổn định tài chính và đưa AC Milan trở lại vị trí hàng đầu bóng đá châu Âu. Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản”, Gordon Singer, thành viên Hội đồng quản trị của Elliott Management cho hay.

Nếu AC Milan không vô địch Serie A mùa giải vừa qua thì khó lòng quỹ đầu tư RedBird (là công ty đầu tư có cả cổ phần trong Fenway Sports Group, chủ sở hữu của Liverpool) bỏ ra 1,2 tỷ USD để mua lại đội bóng thành Milan. Nhưng theo ông chủ cũ của đội bóng-Silvio Berlusconi thì “cái giá 1,2 tỷ USD chưa phản ánh đúng giá trị, lịch sử, truyền thống của AC Milan”.

Có một vấn đề đặt ra với thương vụ này, UEFA cấm một tổ chức, một quỹ đầu tư, một cá nhân làm chủ hoặc có cổ phần trong hai đội bóng. Về lý mà nói, RedBird cũng có cổ phần ở Liverpool, thế nên quỹ đầu tư này đã vừa giải trình với UEFA rằng, họ sẽ tuân thủ các quy tắc cấm một nhà đầu tư sở hữu cổ phần đáng kể trong hai đội đang thi đấu. AC Milan và Liverpool đều sẽ chơi ở Champions League mùa giải này nhưng khác bảng đấu. Thậm chí, RedBird cũng sở hữu đội bóng Toulouse ở Giải bóng đá vô địch quốc gia Pháp.

AC Milan có khởi đầu khá tốt ở Serie A khi thắng 3, hòa 2 sau 5 trận đấu. Đây có thể là tín hiệu vui cho các nhà đầu tư đến từ Mỹ. Cũng giống như khi đầu tư vào Liverpool, các cổ đông ở RedBird chỉ mong thu được càng nhiều nguồn lợi càng tốt. Bỏ qua những từ ngữ hoa văn, mỹ miều, khi đã xuống tiền đầu tư thì doanh nhân nào cũng mong muốn thu về lợi nhuận, trước khi nghĩ đến những điều cao xa khác.

Tuy nhiên khi AC Milan đổi chủ, một rắc rối lớn đã nảy sinh, đó là việc xây dựng sân vận động mới. Năm 2021, AC Milan và Inter đã ký biên bản ghi nhớ xây chung một sân vận động mới, trị giá 1 tỷ euro, nằm gần sân San Siro. Dự kiến, sân mới sẽ có sức chứa 60.000 người, trở thành một trong những sân vận động hiện đại nhất thế giới.

Nhưng khi RedBird tiếp quản AC Milan, các doanh nhân người Mỹ muốn xem xét nghiêm túc lại việc xây dựng sân vận động chung với Inter. Họ cho rằng, việc hai đội bóng lớn dùng chung một sân đấu là khá kỳ quặc.

Trong khi hai đội bóng thành Milan tiếp tục trả cho chính quyền thành phố tiền thuê sân San Siro, thì ý tưởng xây dựng sân vận động mới của hai gã khổng lồ AC Milan, Inter dường như sẽ chỉ nằm trên giấy tờ.

Quỹ đầu tư RedBird sẵn sàng chi đậm để có thể sớm xây dựng một sân riêng cho đội nhà. Thực tế cho thấy, thủ tục xin đất/mua đất từ chính quyền thành phố, rồi công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng ở Italy dễ chịu hơn nhiều so với xứ cờ hoa.

Biến đội bóng thành cỗ máy kiếm tiền

Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt của RedBird sẽ là vực dậy doanh thu tài chính của AC Milan. Hội đồng cổ đông RedBird thống nhất doanh thu của đội bóng ở mùa giải 2021-2022 không tương xứng với giá trị thương hiệu và tầm ảnh hưởng của CLB ở châu Âu cũng như trên thế giới. RedBird cho rằng nếu không sớm cải thiện tình hình, sức mạnh tài chính của AC Milan sẽ tụt hậu so với các đội bóng hàng đầu châu Âu, đặc biệt là các đội bóng lớn ở Anh, nơi doanh thu, đặc biệt là thu nhập từ bản quyền truyền hình đã cao hơn đáng kể so với bất kỳ giải bóng đá lớn nào khác. RedBird là đồng sở hữu của Yankee Entertainment Sports Network-mạng thể thao khu vực được theo dõi nhiều nhất ở Hoa Kỳ và họ sẽ tìm cách khai thác mối quan hệ đó để tìm kiếm sự phát triển mới cho AC Milan.

Mục tiêu của quỹ đầu tư RedBird nhằm biến AC Milan thành cỗ máy kiếm tiền, sớm trở lại tốp 10 đội bóng giá trị nhất thế giới. Hiện tại, hai CLB bóng đá có giá trị nhất hành tinh là Real Madrid và Barcelona, được Tạp chí uy tín Forbes (Mỹ) định giá mỗi đội bóng 5,1 tỷ USD vào hồi giữa năm 2022. Xếp tiếp theo là Manchester United, được định giá 4,6 tỷ USD. Đội bóng xếp ở vị trí thứ 10, theo bảng xếp hạng của Forbes là Tottenham, với giá trị 2,35 tỷ USD. “Trừ phi RedBird mua được AC Milan với giá hời, bằng không để nhân đôi số tiền 1,2 tỷ USD trong lĩnh vực bóng đá, bạn phải mất rất nhiều thời gian”, The Sun cho hay.

Nhưng nếu AC Milan thành công như Liverpool, các cổ đông của RedBird chỉ mất vài ba năm để thu về lợi nhuận gấp đôi khoản đầu tư.

Siêu sao bóng rổ LeBron James của CLB Los Angeles Lakers (Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) đã mua 2% cổ phần của Liverpool từ đối tác kinh doanh Maverick Carter với giá 6,5 triệu USD vào năm 2011. Hiện tại, 2% cổ phần của Liverpool trị giá 89 triệu USD. Trước khi thâu tóm AC Milan, quỹ đầu tư RedBird đã mời gọi huyền thoại bóng rổ đương đại Mỹ LeBron James đầu tư vào thương vụ này. Được biết, LeBron James và rapper danh tiếng Drake đã sở hữu một khối lượng không nhỏ cổ phần ở AC Milan. Hội đồng cổ đông RedBird rất vui khi LeBron James đồng ý xuống tiền đầu tư vào AC Milan. Ngôi sao bóng rổ người Mỹ này có tiếng là mát tay trong kinh doanh. LeBron James từng bỏ túi 30 triệu USD khi Công ty Âm nhạc Beats Audio do anh sáng lập được bán cho Apple năm 2014. Hiện tại, LeBron James còn sở hữu chuỗi nhà hàng Blaze Pizza, nơi anh đầu tư 1 triệu USD nhưng có thể thu về gần 50 triệu USD nếu bán ngay thời điểm này. Nếu AC Milan sớm giành chức vô địch Champions League thì tin chắc LeBron James sẽ lại "một vốn bốn lời".

TRUNG GIANG