Kỷ lục nối tiếp kỷ lục

Tờ Marca (Tây Ban Nha) bình: “Hóa ra, các đội bóng Anh tràn ngập tiền bạc”. Họ đã phá vỡ kỷ lục về tổng số tiền mua sắm, hoạt động chuyển nhượng trong mùa hè bận rộn này. Premier League một lần nữa cho thấy họ đang ở dải mây khác, trên tầm La Liga, Bundesliga, Serie A, Ligue 1...

Sự trên tầm ở cái cách ban lãnh đạo đội bóng West Ham ấn 58 triệu USD vào tay giới chủ Lyon để đổi lấy sự phục vụ của Lucas Paqueta, một tiền vệ người Brazil lanh lợi. Con số này biến tiền vệ 25 tuổi Lucas Paqueta trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử West Ham.

Đội bóng nhà giàu mới nổi Newcastle cũng đưa ra lời đề nghị khiến ban lãnh đạo Real Sociedad không thể từ chối: 72 triệu USD cho tiền đạo người Thụy Điển Alexander Isak.

Trong khi đó, Giám đốc thể thao tự bổ nhiệm của Chelsea, Todd Boehly (ông chủ của đội bóng), đã từ bỏ việc chiêu mộ đội trưởng của Manchester United, Harry Maguire; thay vào đó, ông mang về sân Stamford Bridge trung vệ đội trưởng Wesley Fofana của Leicester City với giá chuyển nhượng hơn 100 triệu USD.

Vậy là Chelsea đã làm nên lịch sử bằng cách chi tiêu trong một mùa hè nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào khác của Premier League, sau khi đầu tư vào thị trường chuyển nhượng tới 300 triệu USD. Huấn luyện viên (HLV) Thomas Tuchel đón nhận 12 cầu thủ mới, trong đó bản hợp đồng lớn nhất thực hiện vào ngày áp chót của kỳ chuyển nhượng chính là trung vệ Wesley Fofana.

Chủ sở hữu các đội bóng, nhất là nhóm đại gia ở Premier League đã điều chỉnh kế hoạch mua sắm. Họ không thể đứng yên khi đối thủ cạnh tranh chức vô địch, cho các tấm vé dự Champions League liên tục tăng cường lực lượng. Nhà Glazer thể hiện sự ủng hộ với chiến lược gia người Hà Lan Erik ten Hag bằng cách đáp ứng rốt ráo các yêu cầu về nhân sự. Chẳng thế mà Manchester United chi ra hơn 250 triệu USD để tuyển quân, trong đó có bản hợp đồng trị giá 100 triệu USD cho tiền đạo chạy cánh người Brazil Antony, đến từ Ajax.

Ngoại hạng Anh như một vòi rồng hút sạch các cầu thủ tinh hoa đến từ 5 châu. Các đội bóng chẳng biết vòi rồng xuất hiện ở đâu, thời điểm nào thì hiện diện trước cửa nhà mình nên cứ cẩn tắc vô ưu, hét giá cầu thủ trên trời. Theo các chuyên trang chuyển nhượng uy tín, Antony chỉ có giá chuyển nhượng 60 triệu USD nhưng ban lãnh đạo Ajax biết Manchester United sẵn tiền, lại đang cần người nên “tiện mồm” quát giá 100 triệu USD. Chẳng ngờ nhà Glazer sẵn bút ký luôn.

Có một thực tế đầy mâu thuẫn, các câu lạc bộ ở châu Âu, Brazil, Argentina... rất thích nhóm đội bóng ở Ngoại hạng Anh hỏi mua cầu thủ vì kiểu gì cũng được giá, thậm chí hời to là đằng khác. Nhưng không hiểu sao, tiền nhận rồi mà cứ có cảm giác bị hớ. Điển hình là thương vụ Erling Haaland từ Borussia Dortmund sang Manchester City với giá chuyển nhượng 75 triệu USD. Thời điểm tháng 6-2022, Hội đồng cổ đông Borussia Dortmund đã xoa tay hài lòng khi nhận số tiền trên. Nhưng chứng kiến chân sút người Na Uy ghi bàn liên tục ở xứ sương mù, hẳn một vài thành viên trong ban lãnh đạo Borussia Dortmund đang tự hỏi vì sao họ lại để chân sút cự phách Erling Haaland chuyển đi với giá chuyển nhượng khiêm tốn đến thế.

leftcenterrightdel

Chỉ mới đá 6 trận ở Ngoại hạng Anh, Haaland đã được xem là bản hợp đồng hời của Manchester City. Ảnh: Getty

Trước cảnh Ngoại hạng Anh làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng, tờ Marca lại bình: “Một mùa hè hoang dã và không bị kiểm soát”. Marca có ý trách UEFA đã không giám sát kỹ lưỡng việc chi tiêu tài chính của các đội bóng hàng đầu nước Anh và cả PSG ở Ligue 1. Tháng 6-2022, ban tổ chức La Liga đã đâm đơn kiện lên UEFA về việc PSG vi phạm luật công bằng tài chính; tổ chức này cũng kiện Manchester City với lý do tương tự từ hồi tháng 4-2022 nhưng UEFA cho rằng không có bằng chứng nào xác thực việc hai đội bóng trên vi phạm. Chủ tịch La Liga, ông Javier Tebas tố cáo: “PSG, Manchester City hủy hoại hệ sinh thái bóng đá châu Âu”, nhưng chẳng phải các đội bóng ở xứ bò tót đang hưởng lợi từ chính Ngoại hạng Anh đó sao? Real Madrid thu về tới 80 triệu USD khi bán Casemiro, đã 31 tuổi, sang Manchester United là ví dụ điển hình.

Thế giới riêng

Với nguồn lực tài chính dường như vô tận đến từ giới chủ, đến từ dầu mỏ, bản quyền truyền hình, Premier League là một thế giới riêng trong lòng bóng đá châu Âu. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền để đạt được tham vọng. Manchester United đã thất bại đôi ba lần khi ra giá chuyển nhượng với Ajax để lấy Antony, nhưng khi điều đó không thành công, họ chỉ đơn giản đưa ra cái giá mà phía Ajax không thể từ chối.

“Tiền nào của đấy”. Erik ten Hag đang thầm nghĩ về Antony trong khi giới chủ ở Manchester United và cả Chelsea, Arsenal đang kỳ vọng một số bản hợp đồng sẽ chứng minh là những khoản đầu tư khôn ngoan, đáng giá.

Có thể số đông hay phần còn lại không hiểu vì sao các đội bóng ở Premier League mua cầu thủ với giá cao đến vậy. Chắc chắn đó không phải là sự hợm hĩnh hay cao hứng nhất thời. Những quyết sách chuyển nhượng đều đến từ những bộ óc kinh doanh thiên tài. Thử ngẫm, giá khí đốt đã tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ tháng 8-2021. Mới nhất, Ngân hàng Citigroup dự báo lạm phát ở Anh có thể vượt 18% vào đầu năm 2023. Khi lạm phát tăng nhanh và được dự báo còn tăng nữa, thì một trong những cách tốt nhất là đầu tư vào đất, vàng, ngoại tệ. Đấy là một phần dân ta nghĩ thế. Còn với các đội bóng ở Premier League, họ đầu tư vào cầu thủ, vào những mục tiêu-danh hiệu trong tương lai. Hơn nữa, với những đội bóng như Chelsea, Manchester United, Arsenal, Tottenham, vốn đã từ lâu không vô địch Ngoại hạng Anh, thì họ cần thể hiện sức mạnh trên thị trường chuyển nhượng.

Khi mùa giải này kết thúc, các chuyên gia sẽ đặt câu hỏi: Chelsea có thực sự cần Marc Cucurella? Lucas Paqueta có tốt hơn so với hàng tiền vệ ở West Ham? Phải chăng Manchester United đã không chi nhiều tiền cho một cầu thủ chạy cánh vào mùa hè năm ngoái? Nếu Antony giúp Manchester United giành một danh hiệu vào tháng 5 năm sau, hoặc chí ít là suất dự Champions League, giới chủ Mỹ ở sân Old Trafford hẳn sẽ cười khà khà, vỗ đùi cái đét về khoản đầu tư khôn ngoan.

 Với mỗi một bản hợp đồng thành công hay không, thì lại tương ứng với một cơ hội bị từ chối. Các cầu thủ trẻ sẽ phải mò mẫm để tìm thấy con đường của họ trong trò chơi khốc liệt. Chelsea có thể dành cơ hội cho Levi Colwill-hậu vệ cánh đầy triển vọng. Nhưng thay vào đó, hậu vệ trẻ này được chuyển đến Brighton, để ban lãnh đạo Chelsea mang về một hậu vệ trái đẳng cấp hơn, Marc Cucurella (65 triệu USD), người được đánh giá đủ sức cạnh tranh vị trí với Ben Chilwell.

HÀ THÀNH