leftcenterrightdel
Ánh Viên là niềm tự hào của thể thao nước nhà, thể thao quân đội. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Các môn thể thao vốn kén người. Nếu không có tài năng trời phú thì người theo được nghiệp thể thao cũng phải có sự say mê, khổ luyện thành tài.

Thời gian qua, các trung tâm đào tạo bóng trẻ, các đội bóng chuyền, đua xe đạp, cờ vua, bơi, điền kinh, đấu kiếm… sau khi tuyển chọn “đầu vào”, đã chú trọng tới việc đào tạo văn hóa và duy trì kỷ luật. Ở Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel, học viên phải có học lực khá trở lên. Nếu ai học lực không đạt yêu cầu, dù có năng khiếu đến đâu cũng bị loại. Ở “lò” Viettel, trong 4 tiêu chí đào tạo tuyển thủ trẻ, thì văn hóa được đặt lên hàng đầu; tiếp đến là kỷ luật, thể lực, chuyên môn. Ở “lò” Hoàng Anh Gia Lai, nhiều cầu thủ nói tiếng Anh như gió, tự tin trả lời phỏng vấn giới truyền thông quốc tế, hay tranh luận thẳng thắn với trọng tài nước ngoài trên sân cỏ.

Trước đây, nghĩ đến cầu thủ bóng đá nói riêng, dân thể thao nói chung, một bộ phận trong xã hội có thành kiến, cho rằng VĐV chỉ biết thi đấu, “đánh đấm”. Thời thế, nhận thức đã thay đổi. Các tuyển thủ Việt Nam giờ không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết về văn hóa. Không phải vô cớ mà các CLB bóng đá, đội bóng chuyền ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, các trường đại học danh tiếng ở Mỹ đã đánh tiếng mời nhiều tuyển thủ Việt Nam sang thi đấu. Tiêu biểu là trường hợp của kỳ thủ Lê Quang Liêm, đã tốt nghiệp với hai tấm bằng cử nhân loại xuất sắc chuyên ngành khoa học, tài chính và nghệ thuật, quản lý của Đại học Webster (Mỹ). Ngoài ra, Lê Quang Liêm còn có bằng danh dự của Khoa Quản lý và Khoa Kinh doanh của trường này.

Chính những tấm gương “văn võ song toàn” như Lê Quang Liêm (cờ vua), Ngọc Hoa (bóng chuyền), Lý Hoàng Nam (quần vợt), Ánh Viên (bơi lội), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thúy Vi (Wushu), Hoàng Ngân (Karate)… đã truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu, khát khao cống hiến cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Thế nhưng, bên cạnh những tấm gương sáng, thì đâu đó cũng còn một vài “con sâu làm rầu nồi canh”. Xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi mọi nhân lực trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong thể thao cũng nằm trong chuẩn mực đạo đức xã hội, cho dù nó có những đặc thù riêng.  Bên cạnh đó, việc một số cá nhân bước vào thi đấu với tư tưởng phải chiến thắng bằng mọi giá, có thành tích đẹp báo cáo cuối năm đã nảy sinh những tiêu cực trong thi đấu như nhường điểm, thiếu fair-play đã gây nên cái nhìn thiếu thiện cảm của dư luận xã hội đối với hoạt động thể thao.

Nguyên nhân chính của những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức trong lĩnh vực thể thao chủ yếu do công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đầy đủ, lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng ở một số trung tâm, đoàn, câu lạc bộ thể thao… còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo dục đạo đức cho đội ngũ HLV, VĐV còn chưa được quan tâm, chưa được đặt đúng tầm.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục văn hóa cho VĐV, nhiều trung tâm thể thao đã có những quy định, quy chế chặt chẽ. Xét cho cùng, những chuẩn mực đạo đức, văn hóa của đội ngũ HLV, VĐV không chỉ thúc đẩy sự nghiệp thể thao phát triển; mà còn góp phần để hình ảnh thể thao nước nhà ngày càng đẹp hơn trong mắt người hâm mộ; góp phần thực hiện đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước.

THU HIỀN