Việt Nam có điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi cho nhiều loài hoa tồn tại và phát triển, là một trong những cái nôi của các loài hoa trên thế giới. Hoa có giá trị gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần và rất gần gũi với mọi người Việt Nam trong đời sống hằng ngày. Văn hóa Việt Nam gắn liền sâu sắc với hoa. Nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa công bố Quốc hoa. Trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, vấn đề lựa chọn Quốc hoa cho Việt Nam đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Quân đội nhân dân cuối tuần đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Đình, Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Phó tổng biên tập tạp chí Việt Nam hương sắc nói: Tôi không dám đoán chắc 80 triệu dân Việt Nam mong muốn có quốc hoa như thế nào, chỉ nói riêng 13 vạn hội viên Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và hàng triệu người yêu thích sinh vật cảnh ở khắp các vùng miền đất nước đã nhiều năm nay ao ước và khao khát có quốc hoa. Tôi chỉ xin được phản ánh lại một số ý kiến đại diện cho các vùng miền nước ta mà các tỉnh-thành hội của chúng tôi đã đề xuất. Về cơ bản, có ba loài hoa: Đó là hoa đào, hoa mai (cụ thể là mai vàng miền Nam) và hoa sen. Hoa đào và hoa mai vàng nếu xét theo 13 tiêu chí cơ bản mà Ban đề án Quốc hoa dự thảo thì chưa đạt được nhiều tiêu chí. Đặc biệt tiêu chí thứ 2 vì cả hai loài hoa này đều không thích nghi với mọi miền đất nước. Tìm hiểu qua các cuộc thảo luận lớn nhỏ những năm gần đây, chúng tôi thấy nếu lấy hoa đào làm Quốc hoa thì đa phần người miền Nam không hài lòng lắm. Ngược lại, lấy hoa mai vàng thì đa phần người dân miền Bắc cũng không "ưng". Đó là điều khá tế nhị nếu ta chọn lựa hai loại hoa này. Còn riêng về hoa sen thì hầu như đạt được tất cả các tiêu chí và hầu như toàn dân ta đều có thể chấp nhận được. Ban đề án Quốc hoa đã giới thiệu 13 tiêu chí khá chuẩn mực. Nhưng theo tôi, chỉ nên lấy mấy tiêu chí cơ bản: 1. Có nguồn gốc lâu đời ở Việt Nam, thích nghi và được trồng ở hầu hết các vùng miền đất nước; 2. Thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, cốt cách của người dân Việt Nam; 3. Bền đẹp về hình thức, màu sắc, hương thơm, có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và đời sống; 4. Được đại đa số người dân yêu thích, chấp thuận và tôn vinh v.v.. TS Ngô Phương Lan, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trên thế giới, một số nước chọn con vật làm biểu tượng văn hóa, nhưng có một "trường phái" khá phổ biến là chọn hoa làm biểu tượng văn hóa xứ sở mình với khái niệm "Quốc hoa"- như là sứ giả văn hóa của đất nước. Ví dụ: Hồng Kông công bố chọn hoa tử kinh làm quốc hoa và ngoài việc trồng hoa này khắp thành phố, còn dựng cả một tượng đài hoa tử kinh bằng vàng để tôn vinh loài hoa này. Nhật Bản ca tụng hoa Anh đào đến mức thành danh "xứ hoa Anh đào", nhưng loài hoa chính thống của hoàng cung lại là hoa Cúc. Thái Lan chọn hoa Phong lan tím như một biểu tượng chính, vẽ lên thân máy bay Hãng hàng không Thái và trên các bàn tiệc ngoại giao, trên thực đơn du lịch… Tiểu bang và quần đảo du lịch nổi tiếng của Hoa Kỳ là Ha-oai chọn loài hoa mang tên Flet, có cánh dày màu trắng hồng hơi giống hoa sứ. Các cô gái Ha-oai đều cài hoa này trên mái tóc. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên thế giới, có 97 nước có biểu tượng Quốc hoa. Trong số này, riêng Vương quốc Anh có 4 biểu tượng Quốc hoa (của Anh, xứ Uên, Bắc Ai–len và Xcốt-len), nâng tổng số biểu tượng Quốc hoa của các nước trên thế giới lên con số 100. Một số loài hoa được nhiều nước lấy làm biểu tượng Quốc hoa. Ví dụ, hoa Hồng có đến 10 nước chọn làm Quốc hoa. Một số nước lấy biểu tượng chung là hoa Hồng. Một số nước khác lấy một loài hoa Hồng cụ thể làm Quốc hoa. Hoa Tuy-líp cũng là loài hoa được nhiều nước lấy làm Quốc hoa. Hoa Lan, do có nhiều loài khác nhau, nên có số lượng nước lấy làm Quốc hoa tương đối cao. Một số loài hoa khác cũng được vài nước chọn làm Quốc hoa. Đó là hoa Súng, hoa Dâm bụt, hoa Nhài… Đặc biệt, hiện nay theo thống kê, hoa Sen có 3 nước lấy làm biểu tượng Quốc hoa. Đó là Ấn Độ, Xri Lan-ka và Việt Nam (Việt Nam tuy chưa chính thức công nhận hoa Sen là Quốc hoa nhưng đã được niêm yết vào danh mục Quốc hoa của các nước). Theo ông Nguyễn Trung Nhật, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Đến nay, Việt Nam chưa công bố Quốc hoa. Nhưng từ lâu, hoa Sen với những đặc tính ưu việt nổi trội về hương sắc, khả năng sống và phát triển, tính thích dụng trong đời sống tinh thần và vật chất của con người, biểu tượng bản sắc văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam, đã được người Việt Nam ca tụng, tôn vinh như một Quốc hoa.
|
Hoa Sen sẽ là Quốc hoa? Ảnh: Đức Thành
|
Việt Nam đang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu và hội nhập quốc tế, việc công bố Quốc hoa của Việt Nam là cần thiết và cấp bách. Quốc hoa Việt Nam là biểu tượng văn hóa của Việt Nam, được toàn dân tôn vinh, dùng trong các ngày lễ tết, sinh hoạt hằng ngày, giao lưu gặp gỡ trong nhân dân, nhất là trong giao lưu đối ngoại, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa Việt. Quốc hoa Việt Nam là di sản văn hóa Việt Nam. Giữ gìn, nhân rộng và phát triển Quốc hoa góp phần vào việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa của đất nước. Thực tế cho thấy rằng, loại hoa được các nước chọn làm Quốc hoa phải tập trung được các đặc điểm: Được trồng đại trà, phổ biến trong xứ sở, đất nước; Dễ sống và sống lâu trong môi trường tự nhiên; Hình thức, màu sắc, hương thơm phù hợp và thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống, tinh thần, cốt cách, ý chí và nguyện vọng của cộng đồng con người của xứ sở, đất nước; Có tầm quan trọng đối với đời sống tinh thần và vật chất của con người; Thông dụng trong đời sống sinh hoạt của con người; Được con người trong xứ sở, đất nước yêu thích, tôn vinh. Việt Nam ở xứ sở nhiệt đới có hàng nghìn loài hoa khác nhau, nhiều và đẹp. Văn hóa Việt Nam gắn liền sâu sắc với hoa. Hình tượng hoa có trong ca dao, tục ngữ, trong đời sống tâm linh và sinh hoạt hằng ngày của con người Việt Nam.
Những năm gần đây, có nhiều ý kiến khác nhau về chọn loài hoa nào là Quốc hoa của Việt Nam. Có những ý kiến đề xuất chọn một trong các hoa sau: hoa Đào, hoa Mai, hoa Cau, hoa Sim, cây Tre, hoa Sen… làm Quốc hoa. Các ý kiến chọn hoa Sen vì ở các nước châu Á, hoa Sen được coi là biểu tượng của ánh sáng, của cái thiện, đã gắn bó chặt chẽ với bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc. Đối với người Việt Nam chúng ta, hoa Sen ngoài vẻ đẹp tự nhiên, hương thơm, hữu sắc, còn có ý nghĩa gắn liền với nền văn hóa dân tộc Việt là nền văn minh lúa nước. Hoa Sen cũng là sản vật sống ở nước, gần gũi với cây lúa. Hoa Sen có mặt khắp mọi nơi trên đất nước. Từ Bắc vào Nam, hoa Sen có mặt khắp mọi nơi, gần gũi và thân thiết với mọi người như cây lúa, cây tre, cây đa. Nếu như miền Bắc, Sen chỉ nở vào mùa hạ, thì ở miền Nam quanh năm đâu đâu cũng thấy Sen khoe sắc thắm, đặc biệt ở vùng Đồng Tháp Mười: "Tháp Mười đẹp nhất bông Sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Trong mỗi người dân Việt Nam, Sen là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính dân tộc: "Trong đầm gì đẹp bằng Sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Sen có sức sống mãnh liệt đến kỳ lạ: Mọc trong bùn, sống trong nước và vươn lên dưới ánh mặt trời để nở hoa kết trái. Sen tượng trưng cho bản tính tự thích nghi, thân thiện, phong thái tao nhã, tinh thần vươn dậy trong mọi hoàn cảnh của con người Việt Nam.
Trong tư tưởng Phật giáo, hoa Sen được tôn quý và chiếm vị trí rất quan trọng, biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển Phật pháp. Sen chẳng những là biểu tượng cho tinh thần, cốt cách, bản sắc văn hóa mà còn gần gũi, thích dụng trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam. Hoa, nụ, nhụy, hạt, lá và thân, rễ Sen đều là những vật liệu dùng để chế biến những món ẩm thực ngon và các loại thuốc quý. Hoa Sen xứng đáng được tôn vinh là Quốc hoa của Việt Nam.
Theo TS Đặng Văn Đông, trưởng bộ môn Hoa-Cây cảnh, Viện nghiên cứu Rau quả, việc lựa chọn Quốc hoa của Việt Nam để được tôn vinh và công nhận một cách chính thức là một điều đặt ra với tất cả chúng ta. Đặc biệt trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Không chỉ các nhà văn hóa, khoa học… hầu hết người dân đều tỏ ra mong muốn và cần thiết lựa chọn Quốc hoa của Việt Nam. Xung quanh vấn đề chọn Quốc hoa, nhiều website đã tổ chức các cuộc bình chọn sơ bộ cho các lựa chọn từ hoa Sen, hoa Mai, hoa Đào, cây Tre và các đề xuất khác. Sau hơn hai tháng bình chọn, tổng cộng có 135.097 ý kiến tham gia. Việc ấy chứng tỏ đây thực sự là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của người dân. Trong số các ý kiến, 40,3% chọn hoa Sen làm Quốc hoa, 33,6% chọn hoa Mai, 8,2% chọn hoa Đào, 9,5% chọn cây Tre…
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Rau quả, hoa Sen có một số ưu điểm sau: Có nguồn gốc và đã được trồng lâu đời ở Việt Nam (khoảng 2000 năm); Thích nghi và được trồng ở hầu khắp mọi miền đất nước, thời gian nở hoa kéo dài trong năm (so với các hoa khác); Thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tinh thần cốt cách, ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam; Bền, đẹp, có màu sắc hấp dẫn, hương thơm, dịu mát; Sử dụng thông dụng (hoa cắt, trồng làm phong cảnh, sử dụng làm dược liệu, làm thực phẩm…); Có giá trị về mặt kinh tế, mang lại lợi ích cho nhiều người dân; Có giá trị thẩm mỹ, hội họa (đã được sử dụng trong các công trình điêu khắc, hội họa, kiến trúc); Có giá trị văn học, nghệ thuật (đã được đưa vào thơ ca, truyền thuyết…), gắn với hình tượng Bác Hồ; Được nhiều người dân yêu thích (thông qua bình chọn); Luôn có mặt trong các sự kiện văn hóa quốc gia. Bên cạnh đó, nhược điểm của hoa Sen là: Không nở hoa quanh năm mà chỉ nở vào mùa hè (tuy nhiên thời gian nở hoa kéo dài hơn so với hoa đào, hoa mai); sống dưới nước và ưa khí hậu nóng, nên ở miền Bắc chỉ trồng Sen được vào mùa hè; ít có khả năng mở rộng và phát triển trong tương lai (vì ao hồ ngày càng bị lấp và hiệu quả của việc trồng sen không cao); Trùng lặp với Quốc hoa của Ấn độ, của Xri Lan-la, là biểu tượng của Phật giáo; Hiệu quả kinh tế không cao.
Mỗi loại cây hoa đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Sự lựa chọn Quốc hoa cho Việt Nam chỉ ở mức độ tương đối, không có loại hoa nào thỏa mãn được đầy đủ các tiêu chí và nguyện vọng của tất cả mọi người. Hơn nữa, có một số nhược điểm, trước kia chúng ta chưa giải quyết được, nhưng ngày nay khoa học có thể giải quyết và khắc phục được. Ví như sự đa dạng, độ bền, hương thơm của hoa, phạm vi phân bố của chúng (trước kia hoa Đào chỉ trồng được ở miền Bắc, hoa Mai vàng chỉ trồng được miền Nam, nhưng ngày nay có thể phát triển chúng ở mọi miền đất nước). Cuối cùng, khi chúng ta lựa chọn được Quốc hoa phù hợp cho Việt Nam, vẫn cần có sự tham gia tiếp tục của các ngành khoa học về văn hóa, lịch sử, nông- sinh học… và của tất cả các tổ chức chính trị, xã hội thì Quốc hoa đó mới thực sự có ý nghĩa và mới tồn tại bền lâu.
Hàn Ngọc Lan (lược ghi)