Nguyễn Tất Thành và Lê Thị Huệ
Trong cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” nổi tiếng của nhà văn Sơn Tùng, nhân vật Út Huệ (tức Lê Thị Huệ) kém anh Ba (Nguyễn Tất Thành) vài tuổi. Út Huệ và cha sống ở Bến Nhà Rồng. Ông làm phu khuân vác, cô Út Huệ lo việc cơm nước cho ông và nấu cơm giúp một số công nhân không có gia đình...
*
* *
Chiều hôm ấy, con tàu chở anh Ba-Nguyễn Tất Thành chuẩn bị rời Bến Nhà Rồng. Vào giờ phút chia tay, Út Huệ hỏi: “Anh Ba có dặn thêm em điều gì nữa không?”.
Nguyễn Tất Thành trả lời: “Chuyến đi này rất xa và rất lâu, không hẹn trước được ngày về. Cho nên tôi không nỡ làm khổ Út Huệ. Tôi chỉ cầu mong Út Huệ được bình yên, mạnh giỏi mà thôi!”.
Một câu nói không hẹn ước, không ràng buộc. Một mối tình mới chớm nở trong tim đã phải hy sinh.
|
|
Cảnh chia tay của Nguyễn Tất Thành và Út Vân (nhân vật lấy nguyên mẫu là Lê Thị Huệ) tại Bến Nhà Rồng trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Ảnh chụp từ bộ phim |
Trong phút còi tàu giục giã, Nguyễn Tất Thành đặt vào bàn tay Út Huệ một gói nhỏ: Một miếng lụa nhỏ màu hồng, mở ra là một chiếc lược chải tóc. Chiếc lược này chính là của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào Huế thi Hương, thi Hội đã mua tặng vợ mình là bà Hoàng Thị Loan. Bà Hoàng Thị Loan mất năm 1901. Mười năm sau, năm 1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành gìn giữ kỷ vật của mẹ 10 năm trời, nay trao lại cho Út Huệ và nói: “Chiếc lược này khi còn sống mẹ vẫn dùng chải tóc. Giờ mẹ mất rồi, tôi lại đi xa. Tôi trao lại nó cho Út Huệ”.
Năm tháng trôi qua, cô Huệ chải tóc bằng chiếc lược đó cho đến khi cô quyết định xuống tóc đi tu, nương nhờ cửa Phật. Sau này, trong vườn hoa của mình, Bác thường chăm sóc ân cần một khóm hoa huệ. Tên loài hoa thánh thiện này lại trùng với tên của một người con gái: Lê Thị Huệ.
Madeleine Riffaud-nữ nhà văn, nhà báo người Pháp, một người bạn yêu mến Việt Nam đã nhận Bác là cha đỡ đầu. Madeleine Riffaud yêu say đắm nhà văn Nguyễn Đình Thi. Nhưng trong hoàn cảnh lịch sử éo le, họ không đến được với nhau. Cô đã đến gặp, xin Bác một lời khuyên. Bác trả lời: “Bác hiểu nỗi lòng của các cháu, nhưng hãy gìn giữ trong tim thôi, coi như một kỷ niệm đẹp”. Bác khuyên Madeleine Riffaud nhưng dường như đang nói về mối tình với người con gái mang tên một loài hoa mà Bác vẫn giữ cho riêng mình.
Đến giờ phút lâm chung, Bác vẫn minh mẫn, tỉnh táo đến mức bảo rằng “cho Bác một ngụm nước dừa”. Nước dừa là thức uống đặc trưng của miền Nam. Trong khi các thầy thuốc cứ băn khoăn không muốn để Bác uống nước dừa bởi sợ dịch tràn màng phổi, thì ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác đã quyết định: “Bác sắp đi xa rồi, làm được gì cho Bác phải làm thật nhanh lên không thì không kịp nữa đâu”.
Coi đó là mệnh lệnh, các chiến sĩ cảnh vệ chạy vội ra phía sau nhà sàn, đến đúng hai cây dừa Nam-Bắc do đích thân Bác chăm bón từ trước. Cây dừa miền Bắc là của Sơn La, cây dừa miền Nam là từ Bến Tre gửi ra. Các chiến sĩ lấy được hai quả dừa của hai miền Nam-Bắc, rót được lưng cốc nước mang vào thì đã quá muộn.
Người đã đi xa mất rồi…
Hành trình tìm gặp Út Huệ của nhà văn Sơn Tùng
GS Hoàng Chí Bảo kể, sau giải phóng miền Nam, có một người quyết tâm tìm bà Lê Thị Huệ và đã tìm được, người đó chính là nhà văn Sơn Tùng, tác giả của tác phẩm “Búp sen xanh”. Sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn cùng người vợ của mình đã vào chắp mối các địa chỉ lại và tìm được bà Lê Thị Huệ. Tuy nhiên, lần đầu, bà đã khước từ kể lại chuyện cũ cho ông nghe.
Sau hàng tháng trời thuyết phục và đưa cho bà xem rất nhiều bức ảnh chụp về các chuyến công du của Bác Hồ, trong đó có nhà văn Sơn Tùng, bà Lê Thị Huệ mới tin rằng nhà văn là người có vinh dự được làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, trước khi kể cho nhà văn nghe câu chuyện về mối tình của cô Huệ với anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, bà dặn tuyệt đối không được viết, cũng như không được nói cho ai biết khi bà còn sống.
Nhà văn Sơn Tùng phải hứa sẽ thực hiện mong muốn đó của bà. Rồi bà kể: Bà có duyên được là học trò của cụ Phó bảng, học chữ Nho tại kiệt trên đường Đông Ba (Huế) từ khi còn nhỏ. Sau này, bà gặp lại Nguyễn Tất Thành và đã tôn thờ con người ấy suốt cuộc đời. Sau cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng một thời gian, Lê Thị Huệ nhận được tin Nguyễn Tất Thành đã chết tại Hồng Công. Bà đau đớn tột cùng. Mãi tới năm 1948, bà mới nhận ra Nguyễn Ái Quốc chính là Nguyễn Tất Thành, biết Người cũng không có gia đình, vợ con, Lê Thị Huệ vô cùng xót xa.
Một lần, bà Lê Thị Huệ hỏi nhà văn Sơn Tùng: “Ông ở với Cụ Hồ nhiều năm, có bao giờ ông thấy cụ nhắc tới hai chữ tình yêu không?”. “Có chứ ạ!”, nhà văn đáp. Bà lại hỏi: “Thế sao không bao giờ thấy báo chí nói gì cả?”.
Nhà văn liền kể lại cho bà nghe rằng, bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) khi ra Bắc có kể cho Cụ Hồ nghe rằng trong lần vào Nam tìm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, bà có gặp cô Huệ. Sau này, có lần Bác hỏi hai ông Bùi Công Trừng và Ung Văn Khiêm về cô Huệ. Cả hai ông đều nói chỉ biết cô Huệ còn sống và đã đi tu, còn không biết thêm thông tin nào nữa. Bác nghe xong thở dài. Rồi bà Lê Thị Huệ rơm rớm nước mắt khi nghe nhà văn Sơn Tùng nói trong phòng làm việc của Bác bao giờ cũng có một bình hoa huệ...
Nhà văn Sơn Tùng đã không tiết lộ gì về cuộc gặp với bà Lê Thị Huệ trong nhiều năm trời bởi lời hứa với bà: Không công bố bất kỳ tư liệu nào khi bà còn sống. Năm 1980, bà Lê Thị Huệ qua đời. Một năm sau khi bà Huệ mất, nhà văn Sơn Tùng mới cho ra đời tác phẩm “Búp sen xanh”.
VĂN TUẤN - HOÀNG VIỆT (ghi)