Cội nguồn…
Từ xưa đến nay, trên thế giới có ba cái nôi võ thuật lớn nhất. Đầu tiên phải nói đến Ấn Độ, khi mà Đạt Ma Sư Tổ đến Trung Quốc để truyền bá đạo Phật đã đồng thời dạy con người nơi đây cách để phòng thân khi gặp kẻ xấu. Từ đó, võ thuật lan rộng ra khắp châu Á, phát triển mạnh nhất chính là võ học Nhật Bản. Cái nôi thứ hai phát triển không ngừng tại Bán đảo Triều Tiên và tiếp đó,cái nôi thứ ba chính là ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Từ những thế võ đơn thuần, dần dần con người phát triển, cải tạo lên một mức khác và có đặc điểm riêng khác với lúc ban đầu. Để từ đây thích ứng, phù hợp với từng văn hóa, địa lý, hoàn cảnh sống của mỗi dân tộc. Võ Việt Nam cũng ảnh hưởng từ những yếu tố trên để hình thành và duy trì đến tận bây giờ. Đặc trưng nhất của “võ ta” phải nhắc đến võ của nhà Tây Sơn được biết đến với cái tên Bình Định Gia. Vua Quang Trung với tinh thần quật cường đã phát triển môn võ Bình Định Gia mà cho đến tận hôm nay không ai là không biết đến.
Lớp học võ miễn phí của các em nhỏ môn phái Bình Định Gia tại chùa Tứ Kỳ.
Ngoài ra, vào các triều đại phong kiến trước đó ở nước ta, từ phía Bắc qua quá trình dựng nước và giữ nước hơn 4.000 năm cũng đã hình thành nên những môn võ độc đáo có những bản sắc riêng của dân tộc. Chính từ tinh thần bảo vệ quê hương, đất nước mà cha ông ta đã sáng tạo ra vô vàn những thế võ để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Điển hình nhất có lẽ chính là vào thời 13 đời vua nhà Trần. Còn nhớ, dân tộc ta đã 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh vào thời Trần; nhà Hậu Lê, vua Lê Lợi đã dùng chính những thế võ cha ông để giành lại độc lập cho nước Đại Việt trước hàng vạn quân Minh. Quang Trung-Nguyễn Huệ đại phá 29 vạn quân Thanh cũng nhờ vào sự mưu trí và võ học danh bất hư truyền…
Xin hãy gìn giữ
Võ học phát triển ở Việt Nam quả thực là những tinh hoa trong những tinh hoa của nhân loại. Thế nhưng thời gian gần đây có những vấn đề khiến chúng ta phải nhìn lại hướng đi phát triển của “võ ta”. Khi mà những trận thách đấu mang tính chất cá nhân lại làm cho cả một nền võ dân tộc ảnh hưởng. Một số võ sư dùng chiêu trò để mị dân, một số thì lại công khai các đoạn băng giao đấu trên mạng xã hội để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Quả thực, sự đánh bóng tên tuổi như vậy đã đi ngược lại những gì mà cha ông ta truyền dạy con cháu về võ học nước nhà. Điển hình có lẽ chính là các trận đấu của võ sư môn phái Vịnh Xuân Nam Anh nước ngoài Phlo-rét thời gian gần đây. Khi mà ông võ sư này thách đấu với chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt của phái Nam Huỳnh Đạo trên mạng xã hội, chứ không hề thông qua tổ chức nào. Cực chẳng đã, võ sư Phlo-rét đến Việt Nam lại giao đấu với một số võ sư khác trước khi tìm đến vị chưởng môn kia. Có lẽ ông võ sư này đang ấp ủ một ảo tưởng không hề nhỏ cho lần đến Việt Nam này. Xét về khía cạnh luật pháp cũng như luật lệ truyền thống “võ ta” thì võ sư Phlo-rét đã hoàn toàn sai từ hành động đến lý lẽ. Chưa kể những trận đấu đã diễn ra trước đó, cả hai bên không dùng bất kỳ đồ bảo hộ nào trong thi đấu, nếu xảy ra chấn thương nghiêm trọng sau trận đấu thì ai là người chịu trách nhiệm? Hậu quả để lại sẽ thật khôn lường.
Trao đổi với chúng tôi, HLV võ thuật kỳ cựu Lê Công đã thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Hàng ngàn năm qua “võ ta” của chúng ta là một môn võ để phòng thân và cũng là để bảo vệ quê hương, đất nước. Bản thân tôi cũng là một người học võ nên tôi hiểu mình cần phải là người như thế nào để xứng đáng là con nhà võ. Người học võ điều đầu tiên cần nhất chính là sự khiêm tốn. Chúng ta có thể giỏi nhưng còn có nhiều người giỏi hơn gấp nhiều lần. Võ đến với tôi rất tự nhiên từ chính tình yêu và sự hăng say luyện tập. Một người học võ cần phải có võ đạo và con đường đi ấy phải có ba phương diện. Thứ nhất là chân, thứ hai là thiện, thứ ba là mỹ. Hiểu sâu hơn đó là con đường để hoàn thiện chính bản thân mình. Với những người học võ với nhau, chúng ta nên cởi mở tấm lòng, giao lưu học hỏi để cùng nhau phát triển võ học. Còn đối với những người học võ để làm việc cá nhân như thách đấu, hà hiếp dân lành thì tôi nghĩ là không nên một chút nào. Trong võ học có một câu nói mà tôi vô cùng tâm đắc, đó là: “Đáng ra mà không ra thì là hèn, nhưng không đáng ra mà lại ra thì là ngốc”. Do đó, tất cả các bậc võ sư nên nhìn rõ lại bản thân mình và cần phải tôn trọng pháp luật. Đừng vì chút hư danh mà ảnh hưởng đến cả một nền “võ ta” mà cha ông đã gìn giữ bấy lâu nay”.
Bài và ảnh: TÔ NGỌC ANH MINH