Già làng Hồ Văn Dên ở thôn 1, xã Trà Giác (Bắc Trà My) kể lại: Ngày xưa, bà con du canh, du cư, cuộc sống thường xuyên túng quẫn, lạt muối, thiếu cơm; đời sống văn hóa nhiều hủ tục… Từ ngày có cán bộ chính quyền, có bộ đội lên tuyên truyền, vận động bà con theo Đảng, theo Bác Hồ thì người dân ở đây không còn cảnh đói nghèo, tăm tối như trước nữa. Năm 1969, biết tin Bác mất, đồng bào các DTTS ở Trà My vô cùng thương tiếc. Thời điểm ấy, cuộc chiến tranh còn khốc liệt, nhưng lòng dân vẫn chung thủy với cách mạng, đoàn kết, đồng sức đồng lòng cùng bộ đội kiên cường chiến đấu giải phóng và xây dựng quê hương. Mùa xuân năm 1974, đồng bào các DTTS cùng cán bộ, công nhân Lâm trường Trà My khai thác và bí mật vận chuyển hơn 100m3 gỗ quý hiếm băng qua “mưa bom bão đạn”, vượt Trường Sơn ra Thủ đô Hà Nội để góp phần xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính trong khoảng thời gian ấy, nhiều đồng bào DTTS quyết định lấy họ Hồ đặt cho mình để khắc sâu tình cảm thiêng liêng, lòng tôn kính đối với Bác.

 Theo bà Hồ Thị Thu ở nóc Tăk Lây, mấy chục năm qua, với người dân Trà My trên bàn thờ gia tiên, ảnh Bác được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Hằng năm, cứ vào dịp Quốc khánh 2-9, các gia đình đều làm cơm cúng giỗ Bác. Riêng ở khu Đồng Trường II, thị trấn Trà My, cứ khoảng 20 gia đình chung nhau làm mâm giỗ Bác… Nghĩa cử thiêng liêng cao quý này thể hiện tấm lòng sắt son và tình cảm đặc biệt của đồng bào đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Võ Như Thông ở thị trấn Bắc Trà My xây Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại tư gia để tỏ lòng thành kính đối với Bác.

Trên quê hương của những người mang họ Hồ hôm nay, đói nghèo và lạc hậu đang từng bước được đẩy lùi. Nhân dân, chính quyền huyện Bắc Trà My tranh thủ tận dụng các nguồn lực, từng bước thực hiện những công trình giao thông trọng điểm. Đó là khớp nối các tuyến giao thông Trà Giác-Trà Ka; Trà Dương-Trà Nú; Trà Đốc-Trà Bui... Nhờ thế, hạ tầng kỹ thuật nội thị ngày càng khang trang. Đến nay, 13/13 xã, thị trấn của huyện có điện lưới quốc gia. Những con suối hung dữ ngày nào nay đã có những cây cầu vững chãi bắc qua; đường nhựa, đường bê tông hun hút, trải dài, nối liền các xã vùng cao. Mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Trà My cụ thể hóa bằng cách trồng rừng, phát triển kinh tế rừng. Ước tính của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My, toàn huyện trồng 9.300ha cây keo nguyên liệu, mỗi năm khai thác khoảng 600ha, thu hơn 33 tỷ đồng.

Theo ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My: Chương trình 135 và 134 của Chính phủ góp phần giúp Bắc Trà My đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc và hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình DTTS khó khăn. Từ chương trình này, toàn huyện có hơn 3.000 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà kiên cố. Hệ thống mạng lưới y tế đã về tận thôn, bản. 100% xã có trạm y tế, chăm lo tốt sức khỏe của bà con. Một số xã còn thực hiện tốt mô hình quân dân y kết hợp, phối hợp với các tuyến biên phòng đẩy lùi dịch bệnh, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện xây dựng đời sống văn hóa…  Hai xã Trà Giáp và Trà Giác đang hình thành, bảo tồn vùng dược liệu quế nhằm khôi phục lại thương hiệu cây quế Trà My vang bóng một thời.

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG