QĐND - Tọa lạc trên mảnh đất chín rồng-xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, quần thể kiến trúc Nam Phương Linh Từ được xem là một bảo tàng Nam Bộ với nhiều hạng mục công trình văn hóa giàu ý nghĩa, tri ân nguồn cội. Đây còn là nơi nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và lưu giữ các tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, đặt tượng các nhân vật lịch sử có công khai mở và làm rạng danh vùng đất phương Nam...

Bà con thập phương dâng hương tại khu thờ các danh nhân.

Lưu giữ và tôn vinh văn hóa

Chúng tôi về đúng dịp khu quần thể kiến trúc Nam Phương Linh Từ đang chuẩn bị tổ chức triển lãm Hoàng Sa và Trường Sa-biển đảo của Việt Nam và trưng bày tranh ảnh Nam Bộ và Đồng Tháp xưa... Hàng trăm tư liệu, hình ảnh có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đã hấp dẫn khách thập phương đến tham quan triển lãm. Đi giữa vựa lúa Đồng Tháp lại thấy hiện diện một quần thể văn hóa đặc sắc, với nhiều khu, hạng mục trong Nam Phương Linh Từ khiến người dân không thể không chú ý. Dừng chân ở “Bảo tàng Văn hóa Nam Bộ”, du khách sẽ được giới thiệu những phong tục, tập quán, lối sống và các công cụ sản xuất của nền văn minh lúa nước từ khi mở cõi đến nay, đồng thời bảo tàng còn phục vụ cho công chúng, nhất là học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu về di sản của con người, môi trường tự nhiên, xã hội của cư dân Nam Bộ... Nhiều hạng mục như: Nam Phương Linh Từ, nơi có 21 tượng đồng là danh nhân mở cõi phương Nam, Đàn tế Xuân (tế trời): Cầu cho quốc thái dân an, yên bình; Đàn tế Thu (tế đất): Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu phúc đức cho muôn người, muôn nhà...

Ông Đặng Phước Thành (người đứng phát biểu)-Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam, tại lễ dâng hương đúc 21 tượng đồng danh nhân phương Nam tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Quần thể còn là một bức tranh về phong thủy với 4 hồ nước rộng lớn và trồng các loại thực vật, thủy sinh đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Với khuôn viên 20.000m2 trồng 54 loài hoa lá, cây cảnh tiêu biểu của mọi miền đất nước được quy tụ về đây đơm hoa, kết trái và 63 chậu mai vàng, loài hoa tiêu biểu của vùng đất phương Nam rực rỡ sắc vàng mỗi độ xuân về. Trong khuôn viên xanh, nhiều cây cảnh được trồng thành những dòng chữ thể hiện khát vọng của con người như: “Quốc thái”, “Dân an”... Những luống hoa, chậu hoa được sắp xếp hình dáng, màu sắc hài hòa càng tôn thêm vẻ đẹp của một quần thể văn hóa... Nam Phương Linh Từ còn là nơi được chọn để tổ chức các cuộc triển lãm, sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương...

Nơi tri ân danh nhân mở cõi

Cuối năm 2014, tại Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội diễn ra lễ dâng hương đúc 21 tượng đồng danh nhân mở cõi đất phương Nam, được lấy mốc từ khi mở cõi đến năm 1975. Việc chọn lựa nhân vật, hình mẫu của 21 danh nhân được tiến hành đúng quy trình, khoa học như: Mở hội thảo khoa học, phản biện, cân nhắc thận trọng của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa, những người am hiểu về lịch sử Nam Bộ và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam... Mỗi bức tượng danh nhân được đúc trong tư thế ngồi, cao 1,4m, nặng 250kg, bằng chất liệu đồng, do cơ sở đúc đồng của nghệ nhân ưu tú Lê Khang, Phó chủ tịch Hội Nghệ nhân Việt Nam thực hiện. 21 bức tượng danh nhân đặt nghiêm trang trong bảo tàng đáp ứng nhu cầu tâm linh, tri ân tiền nhân mở cõi của bà con phương Nam và nhân dân cả nước…

Nhiều danh nhân được đặt tượng trong khuôn viên như: Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), người từng làm thống suất, cùng các tướng lĩnh bảo vệ vững chắc bờ cõi Tây Nam nước ta; Tổng binh trấn Hà Tiên Mạc Cửu (1655-1735); Nguyễn Huệ (1753-1792) là một nhà lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, nhà quân sự xuất sắc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, đánh tan 20 vạn quân Thanh hay Nguyễn Tri Phương (1800-1873), Tổng đốc, Kinh lược sứ Nam Kỳ, ông có những đóng góp quan trọng cho vùng đất Nam Bộ thời bấy giờ, góp sức làm cho kinh tế, văn hóa, giáo dục phát triển...

Khuôn viên 54 loài hoa lá, cây cảnh tiêu biểu  của moi miền đất nước.

Dựng tượng 21 danh nhân phương Nam cho thấy một quy trình nghiêm túc và khoa học. Công trình có sự giúp đỡ của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sự cố vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và nhiều nhà nghiên cứu khoa học nhân văn. Ban cố vấn đã bàn bạc, hội thảo, phản biện, cân nhắc thận trọng, tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử và tiến trình lịch sử của dân tộc, để xác định tiêu chí chọn lựa về mốc thời điểm tồn tại và cống hiến của từng nhân vật. Lấy mốc thời điểm từ khi mở cõi đến năm 1975 và chia thành 3 lĩnh vực, bước đầu, ban cố vấn chọn được 125 nhân vật để bình chọn ra 21 danh nhân tiêu biểu là cả một quy trình, nghiên cứu, cân nhắc rất vất vả, khách quan của các nhà sử học, các nhà văn hóa... 21 bức tượng do họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy vẽ mẫu và nghệ nhân Lê Khang thực hiện đã được các nhà khoa học chấp thuận và hài lòng. Nghệ nhân Lê Khang chia sẻ: “Tri ân các bậc tiền bối là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc ta, trải qua hàng trăm năm lịch sử, nước ta có nhiều danh nhân có công lao to lớn với mảnh đất phương Nam, nay chúng ta mới có điều kiện dựng tượng tri ân. Tuy nhiên, đó cũng là điều thách thức với các họa sĩ và nghệ nhân. Muốn làm tốt, chúng tôi phải đọc các trang sử, tư liệu để hình dung ra khí phách, tướng mạo, tính cách nhân vật, giai đoạn lịch sử...”.

Chia sẻ về tâm nguyện của mình, ông Đặng Phước Thành-Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam, tâm sự: “Là một người con của vùng sông nước Cửu Long, gần 40 năm trước, khi rời xa quê hương tha phương lập nghiệp, trong tình cảm và suy nghĩ của tôi luôn tâm nguyện một điều rằng, khi có điều kiện sẽ trở về quê hương cố gắng làm được việc gì đó có ích cho hiện tại và cho hậu thế. Nhờ hồng phúc của tổ tiên, nỗ lực của bản thân, được bà con, chính quyền địa phương đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ, tôi cùng gia đình phát tâm công đức xây dựng đền thờ Nam Phương Linh Từ để tôn vinh, tri ân các thế hệ cha ông đã có công khai mở, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam”.

Không chỉ xây đền, dựng tượng các danh nhân, mới đây, năm 2014, ông Đặng Phước Thành còn phát tâm ủng hộ Cảnh sát biển Việt Nam con tàu cao tốc trị giá 12 tỷ đồng, giúp Cảnh sát biển Việt Nam có thêm phương tiện hiện đại bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Trong khuôn viên xanh với sự hội tụ của cây trái, hoa cảnh của mọi miền Tổ quốc, khu đền thờ các danh nhân đã trở thành sức thu hút, là điểm đến tri ân, tín ngưỡng, không chỉ của đồng bào Nam Bộ mà là cả khách thập phương. Đối với thế hệ trẻ, đây là nơi giáo dục lòng tự hào để tiếp nối xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông đã xây dựng và bảo vệ đất nước hưng thịnh...

Bài và ảnh: ĐẶNG VĂN THẢO