Vừa tranh thủ về thị trấn Ngọc Hồi thăm mẹ già, cô giáo Kiều Oanh tất tả quay lại trường. “Lại phải quay ra thành phố Kon Tum mấy hôm anh ạ! Vì bận tập huấn chuyên môn nên không tiếp được khách quý rồi...”.

Cô Oanh vừa phân trần với tôi, vừa sắp xếp đồ đạc vào chiếc ba lô nhỏ. Quần áo không cần nhiều, nhưng sách phải có, thêm một tập thơ mới được tặng, mang đi tranh thủ buổi trưa nghỉ còn đọc. Dáng vóc mảnh mai, đôi kính cận trên khuôn mặt trái xoan nhưng nghiêm nghị. Trước đó tôi được giới thiệu cô giáo Kiều Oanh là Thạc sĩ văn học đầu tiên của Trường THPT Phan Chu Trinh. Gặp Oanh, cảm giác đầu tiên là thấy cô giáo năm mươi tuổi này có vẻ khó gần. Nhưng khi tiếp xúc trò chuyện mới biết cô là người nội tâm, giàu tình cảm. Mặc dù là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là người gắn bó với ngôi trường này từ năm mới xây dựng, nhưng cô nói chỉ thích làm giáo viên đứng lớp và… làm thơ, không thích làm công tác quản lý.

Chất giọng miền Trung của cô pha chút phương ngữ Tây Nguyên nghe rất cuốn hút. Kiều Oanh nói quê cô ở Hồ Xá, Quảng Trị, bén duyên với vùng đất biên giới từ ngày còn là giáo viên trẻ. Chuyện đời cô có nhiều góc khuất trắc ẩn éo le và cô rất ngại sẻ chia. Tôi may mắn được cô giáo tâm sự về lý do cô gắn bó cuộc đời với vùng đất đầy nắng gió này. Trước kia cô Kiều Oanh là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ngọc Hồi. Cái tình gắn bó với tụi nhỏ người dân tộc thiểu số sâu nặng lắm. Cô trò thương nhau như mẹ con, như chị em... vậy nên khi được điều về dạy ở Trường THPT Nguyễn Trãi năm 2005, cô rất buồn mặc dù được gần nhà hơn.

leftcenterrightdel
Thầy trò trường THPT Phan Chu Trinh (Ngọc Hồi-Kon Tum) trong lễ khai giảng năm học mới 2019-2020.

“Tình cảm thầy trò nơi vùng biên giới này lạ lắm, khó tả lắm! Nó không giống ở thành phố, đồng bằng...”. Cô cười buồn, nụ cười hắt hiu. Nỗi buồn vì hoàn cảnh gia đình đã ảnh hưởng tới công tác chuyên môn. Năm 2009, tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Huế, cô tình nguyện về Ngọc Hồi, đúng lúc khởi công xây dựng thêm điểm trường Phan Chu Trinh, một ngôi trường đúng nghĩa “vùng sâu, vùng xa”, lọt thỏm giữa 5 xã biên giới và một xã đặc biệt khó khăn. Lúc đó toàn trường có 15 thầy cô giáo với 3 lớp học và 120 học sinh, buổi ban đầu đầy khó khăn, thiếu thốn... Những ngày ấy, trời đất cũng muốn thử thách lòng người nên cứ mưa dầm dề. Bãi đất hình tam giác nằm thoai thoải trên một sườn đồi, xung quanh toàn là núi rừng, sông suối... mà huyện Ngọc Hồi cấp cho trường, đầy đá sỏi và gốc cây, cỏ dại. Cả vùng núi non ngút tầm mắt chỉ xanh một màu cây lá, hiện lên hai đốm lửa đỏ tươi vẫy gọi người ta bước tới, đó là hai lá quốc kỳ trên cột cờ của Đồn Biên phòng 675 và giữa Trường THPT Phan Chu Trinh...

Năm học đầu tiên phải khai giảng và ngồi học ké Trường Trung học cơ sở Đăk Dục, sau đó là những ngày thầy trò cùng nhau bắt tay vào dọn dẹp gạch đá, cây cối, xây dựng một khuôn viên mới theo mỹ quan của riêng họ. Anh em bên đồn biên phòng, cứ cuối tuần hay khi rảnh rỗi có điều kiện là chạy sang giúp đỡ thầy trò một tay. Cán bộ, chiến sĩ trong đồn còn lập ra một quỹ “nâng bước em tới trường”, để dành riêng tặng các trò nghèo vượt khó của trường. Năm học nào cũng vậy, đều thấy hình ảnh những người lính quân hàm xanh hiện diện dưới mái trường, động viên, giúp đỡ các em học sinh là con em đồng bào các dân tộc ở vùng biên ải này...

Tháng chín, Tây Nguyên chào đón khách xa bằng những cơn mưa nặng hạt. Giữa một khuôn viên rộng, xanh, đẹp rực rỡ nhiều sắc hoa, với những hàng cây xà cừ tỏa bóng mát và những lối đi đổ bê tông sạch sẽ. Xung quanh, núi mờ xanh, lãng đãng mây trắng phủ. Tiếng cười nói của các em học sinh như vọng từ sườn non, khe suối tới. Ngôi trường đã hiện diện và mỗi năm lại thay đổi, khác lạ hơn. 

- Ba năm cật lực đấy ạ! Giữa mùa mưa tầm tã, cứ sau buổi học là thầy trò cùng nhau xắn tay áo lên dọn dẹp đất đá, cây cối!

Cô giáo Kiều Oanh nói như vậy. Cuộc sống của người dân tộc thiểu số vẫn còn muôn vàn khó khăn. 6 xã có con em theo học tại trường thì 5 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của vùng biên giới này. Xã Đăk Ang tuy không là xã biên giới nhưng lại là xã nghèo nhất. Tất cả đều phải gồng mình lên vì sự học của con trẻ. Những đứa học trò vì yêu cái chữ mà vất vả đến trường...

Thầy Hiệu trưởng Lưu Quý Bình năm nay 42 tuổi, là người gắn bó với ngôi trường này từ ngày đầu tới giờ. Trông anh hiền lành, phúc hậu như một già làng hơn là một thầy hiệu trưởng. Thầy Bình rất vui khi nói về học sinh của mình, giọng chùng xuống mỗi khi nói về đường sá giữa các điểm trường khiến học trò đi lại vất vả quá. Điểm gần nhất từ nhà tới trường là 5 cây số, trung bình là 10 cây số, thậm chí có điểm xa 20 cây số... Dù các em đã được cấp phát gạo theo chế độ học sinh miền núi đặc biệt khó khăn, nhưng các em phải dậy sớm để đi tới trường cho kịp giờ học nên đều không kịp nấu cơm để mang theo. Buổi trưa, vào căng tin nhà trường mua một gói mì ăn liền nấu ăn, hoặc dọc đường đi mua bọc xôi, túi bánh... Hình ảnh các thầy cô và học trò tới trường, ai cũng mang theo một gói đồ ăn nhẹ cho buổi trưa đã thành quen thuộc. Trường không có ký túc xá, không có bếp ăn tập thể và không có nhà điều hành của Ban giám hiệu. Đúng là “ba không” như mọi người thường nói vui.

Thầy Lưu Quý Bình tâm sự:

- Phấn đấu để xóa cái “ba không” ấy không dễ! Cần phải có sự nỗ lực của nhà trường cùng với chính quyền địa phương.

Cô giáo Kiều Oanh trước kia phải chạy xe máy 40 cây số mới tới trường, ngày hai lượt đi, về gần trăm cây số, rất mệt mỏi. Hai năm trước, cô phải tìm thuê một căn nhà nhỏ ở thị trấn gần trường cho tiện đi lại, giá mỗi tháng 1 triệu đồng. Giá thuê nhà ở miền núi như thế là đắt quá! Nhưng cô nói như vậy là còn rẻ. Ở vùng ngã ba biên giới này, giá cả sinh hoạt chẳng thua gì Hà Nội(?)...

Có một cơ duyên giữa cô Kiều Oanh và tôi-người viết bài này. Đó là hồi chuyển tới nhà mới thuê, cô thấy trên giường bừa bãi tấm chăn cũ, vương vãi hai cuốn sách, một cuốn sách cúng bái theo môn phái gì đó và một cuốn tiểu thuyết có tên là Ma rừng. Sách cúng thì cô không đọc, nhưng tiểu thuyết thì cô tò mò xem. Không ngờ cuốn truyện có cái tên kinh dị như vậy nhưng chỉ đọc vài trang đầu là cô bị cuốn hút luôn. Tuy nhiên ngẫm lại cô cũng thấy sờ sợ, liệu “ma rừng” với sách cúng có liên quan gì với nhau không? Thế là cô đem đốt cuốn sách cúng đi, còn tiểu thuyết Ma rừng thì cô xếp lên tủ sách. Thế là cuốn tiểu thuyết có bút tích tác giả ký tặng một người vốn sinh sống ở đây, nhưng người ấy đã bỏ lại Ma rừng giữa núi rừng biên giới, để giờ đây rơi vào tay một cô giáo ham đọc sách. Vậy là số phận của cuốn sách cũng có hậu đấy chứ. Khi biết tôi chính là tác giả cuốn Ma rừng, cô giáo dặn một câu khiến tôi đâm lúng túng: 

- Nhà văn lên đây với thầy trò chúng em là rất quý, nếu viết được cái gì đó về chuyện học hành, sinh hoạt, vượt khó vượt khổ... của thầy trò giữa chốn rừng xanh này thì càng quý. Cơ mà, đừng tìm hiểu và viết gì về chuyện riêng của chúng em nhé!

Tôi được biết chuyện tình duyên của cô giáo đang phải trải qua sóng gió vì người chồng ham mê cờ bạc khiến cuộc sống của mẹ con cô có thời gian quay quắt điêu đứng. Cũng may hai con của cô biết vâng lời mẹ, chăm ngoan, học giỏi. Con gái đầu nay học lớp 12, cậu út học lớp 5. Cũng bởi cú ngã quá đau trong hôn nhân mà cô Kiều Oanh càng thêm quyết tâm gắn bó với ngôi trường biên giới, một ngôi trường “đa sắc tộc” với những học trò đáng yêu tập hợp từ 3 miền đất nước. Nếu một ngày lễ hội nào đó, cho các em học sinh của trường mặc sắc phục truyền thống của dân tộc mình thì sân trường sẽ như một vườn hoa đầy màu sắc. Ví von như vậy để biết các dân tộc thiểu số tụ hội nơi đây, ngoài một số em người Kinh, học sinh dân tộc Giẻ Triêng chiếm đa số, bên cạnh còn nhiều dân tộc khác như: Tày, Nùng, Mường, Gia Rai, Sơ Rá... Bao lứa học trò của cô đã lần lượt trưởng thành. Có trò gái ra trường, đi học sư phạm rồi về làm đồng nghiệp với cô tại trường cũ. Đầu năm nay, cậu học trò A Sước từ Trường Sĩ quan Lục quân 2 được nghỉ phép đã về trường thăm cô. Nhìn chàng trai cao lớn, chững chạc trong bộ quân phục, cô giáo cảm động lắm... 

- Kết thúc niên khóa 2018-2019 vừa rồi, toàn trường chỉ có một học sinh giỏi cấp tỉnh mà thầy trò vui quá trời. Ngoài ra toàn trường còn có 6 học trò được xếp loại giỏi toàn diện, bốn chục em học sinh tiên tiến. Có thể với nhiều ngôi trường khác trong cả nước, những con số trên đây là quá khiêm tốn, nhưng với Trường THPT Phan Chu Trinh của huyện Ngọc Hồi giữa núi rừng Tây Nguyên này, đó là một sự nỗ lực rất lớn, một kết quả nức lòng thầy trò và quân-dân địa phương...

Đó là ý kiến của cô giáo Lê Thị Hải, Chủ nhiệm lớp 12A, một lớp có nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Năm nay, lớp của cô lại thêm một cậu học trò nữa thi khối A, vừa trở thành tân học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, nối bước đàn anh A Sước trên con đường binh nghiệp. Ngoài ra, lớp cô còn có 4 học trò khác thi khối D đỗ vào Đại học Đà Nẵng. Đó thật sự là những “kỳ tích” của thầy và trò ngôi trường trẻ trung và còn nhiều khó khăn, thiếu thốn này...

Bút ký của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ