Chân dung và tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại “Di tích nhà ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh” ở Nam Dương (Liễu Châu-Trung Quốc).

QĐND - Tháng 8-1942, đồng chí Hồ Chí Minh trên đường đến Trùng Khánh để gặp mặt đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Chu Ân Lai làm Trưởng đoàn, khi qua huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây-Trung Quốc thì bị cảnh sát của Tưởng Giới Thạch bắt giam. Hồ Chí Minh bị áp giải đến Liễu Châu, giam cầm tại Trại giam quân nhân thuộc Ban Chính trị Chiến khu 4 của Quốc dân đảng, nay là Di tích Trại giam Bàn Long Sơn. Không lâu sau đó lại bị áp giải đến Quế Lâm. Tháng 1-1943, đồng chí Hồ Chí Minh lại bị áp giải trở lại Liễu Châu.

Tháng 9-1943, sau khi được trả lại tự do, đồng chí Hồ Chí Minh đã cư trú ở khách sạn Nam Dương trên đường Liễu Thạch, thuộc nội thành Liễu Châu. Tại đây đồng chí đã thiết lập Văn phòng Lạc Quần xã đối diện với khách sạn này để triển khai các hoạt động chỉ đạo trực tiếp phong trào cách mạng trong nước, thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8-1945. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đầu tháng 7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại bí mật đến Liễu Châu, cư trú tại Nhà Đỏ để tiến hành nhiều cuộc hội đàm bí mật với Thủ tướng Chu Ân Lai, trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Hội nghị Giơ-ne-vơ và vấn đề hòa bình ở Đông Dương. Tại Thư viện lớn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chu Ân Lai đã thảo luận và nhất trí nhiều vấn đề quan trọng trong công tác cách mạng của hai Đảng và hai Nhà nước.

Di tích Hồng Lầu ở Liễu Châu-Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Hiện nay, quần thể cụm di tích, bao gồm: Di tích Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh ở Nam Dương, di tích Lạc Quần xã, di tích Trại giam Bàn Long Sơn và Di tích Hồng Lầu (Nhà Đỏ) đã được Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thống nhất gọi tên chung là Cụm di tích nơi ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời công bố Cụm di tích lịch sử quan trọng này là Đơn vị Bảo hộ văn vật trọng điểm toàn quốc.

Vũ Phong Tạo

 (Theo tài liệu và báo chí của Trung Quốc)