Với những bước đột phá của công nghệ, thời nay, mỗi người chỉ cần một chiếc điện thoại di động là đã có thể tham gia vào đời sống nhiếp ảnh. Từ đó, nhiếp ảnh trở thành một thú vui, một sở thích mang tính phổ cập trong xã hội. Với đội ngũ nhiếp ảnh chuyên nghiệp hiện đã có các khối trường riêng biệt và tương đối phong phú. Trong đó, điển hình là Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đều có Khoa Nhiếp ảnh. Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có Khoa Báo ảnh, Báo đa phương tiện để đào tạo ảnh báo chí... Nhưng đào tạo bài bản là vấn đề không lớn, bởi hiện nay nhiếp ảnh đã trở thành một môn nghệ thuật có tính đại chúng cao trong xã hội. Mỗi người yêu mến bộ môn này đều có thể tự học, tự trau dồi mà không cần phải qua đào tạo bài bản. Về mặt chất lượng nghệ thuật, đội ngũ nhiếp ảnh trẻ hiện nay đang cho thấy một tiềm năng rất lớn bởi năng lượng và sức sáng tạo của họ. Rất nhiều nhiếp ảnh gia trẻ có năng khiếu được bộc lộ từ sớm, có góc nhìn, cùng sự tư duy mới lạ, phá cách. Chính những điều này đã góp phần làm nên một đời sống nghệ thuật rất phong phú và đa dạng.

leftcenterrightdel
"Bay trên cánh đồng Khau Phạ" - Nguyễn Lê Phương (Thái Nguyên) - Giải ba Festival Nhiếp ảnh trẻ 2015. 

Tuy nhiên, phần lớn nhiếp ảnh gia trẻ hiện đang tập trung vào đề tài ảnh đời thường, phong cảnh hay những vấn đề thuộc về tình cảm riêng tư, mà né tránh những đề tài thời sự của xã hội, đất nước.

Tại lễ phát động Festival Nhiếp ảnh trẻ 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bày tỏ: “Chúng tôi muốn nhờ Festival lần này để các nhiếp ảnh gia trẻ tuổi thử sức với những vấn đề của xã hội. Phản ánh những mặt tích cực hoặc nêu ra những mặt tiêu cực trong xã hội!”.

leftcenterrightdel

"Giao lưu văn hoá" - Trịnh Thu Thuỷ (Đà Nẵng) - Giải khuyến khích Festival Nhiếp ảnh trẻ 2015. 

Có một thực tế là nhiều nhiếp ảnh gia trẻ hiện nay thường sinh hoạt theo hình thức các nhóm đơn lẻ, từng câu lạc bộ với nhau. Sự thiếu định hướng đã khiến không ít người đi theo những thang giá trị không chuẩn mực. Những bộ ảnh gây xôn xao gần đây đã cho thấy những nhận định hay quan niệm không còn mang đúng tinh thần của nghệ thuật nhiếp ảnh chân chính. “Chính vì sự đảo lộn của các thang giá trị nên chúng ta cần phải có những tổ chức, có những hoạt động, có những giải thưởng hoặc có những hoạt động nghề nghiệp để có thể điều chỉnh và xác định lại những cái thang giá trị cho cả giới nghệ thuật, chứ không phải riêng giới trẻ làm nghệ thuật”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, chia sẻ.

Cũng theo ông Vi Kiến Thành, điều quan trọng nhất hiện nay trong việc tổ chức các hoạt động định hướng phát triển nhiếp ảnh trẻ là giúp các nhiếp ảnh gia trẻ hiểu được bản chất của những hoạt động này là hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện cho giới trẻ. Từ đó, các hoạt động sẽ thu hút được đông đảo bạn trẻ tham gia. “Do vậy, tôi nghĩ việc cần thiết là tổ chức nhiều hoạt động như Festival Nhiếp ảnh trẻ để tạo ra sân chơi cho những người yêu môn nghệ thuật này có thể sáng tạo và đưa ra được những quan điểm về nghệ thuật, tư tưởng. Từ đó, tạo nên những thông điệp hay, nhiều tính nhân văn đóng góp cho xã hội”, ông Vi Kiến Thành cho biết.

 Festival Nhiếp ảnh trẻ 2017 lần thứ hai do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề “Tư duy trẻ, góc nhìn trẻ” là sự kiện văn hóa nghệ thuật quan trọng, nhằm khuyến khích sự phát triển của lực lượng nhiếp ảnh trẻ, góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, công bố tác phẩm phản ánh cuộc sống đương đại. Thời gian gửi ảnh tham gia từ ngày phát động đến hết ngày 30-6-2017. Các bạn trẻ tham gia có độ tuổi từ 18 đến 35, gửi ảnh trực tiếp tại: http://festivalnhiepanhtre2017.com.
HÀ MY