Nhà nước pháp quyền, trách nhiệm giải trình, hợp tác công tư (PPP)… là một loạt khái niệm được đưa vào nước ta nhờ giao lưu quốc tế. Những khái niệm này đã góp phần rất lớn trong việc đổi mới tư duy và nâng cao hiệu quả nền quản trị công của đất nước. Khó có thể xác định chính xác bao nhiêu phần trăm các khái niệm nói trên (và bao nhiêu phần trăm tri thức mới) đã được du nhập vào nước ta thông qua việc các cán bộ, công chức đi nghiên cứu ở nước ngoài. Công bằng mà nói, đóng góp của các chuyến đi nghiên cứu như vậy là có và đáng được ghi nhận. Thì “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là điều đã được cha ông ta khẳng định tự ngàn xưa. Vấn đề đặt ra là “sàng khôn” đó có tương xứng với chi phí bỏ ra hay không, và làm sao phân biệt “sàng khôn” thiết thực với loại “nghệ thuật giết rồng” sang chảnh mà chẳng hề có ích? Chưa nói tới việc làm sao hạn chế được rủi ro của việc mang những ý tưởng độc hại về nhà?
Để xử lý vấn đề, quan trọng trước hết là phải khắc phục được những hạn chế của cách làm vừa qua.
Trước tiên, phải khắc phục cách làm hời hợt, hình thức. Đó là thói quen tổ chức đi nghiên cứu nước ngoài mà không rõ mục đích, không nhằm tìm lời giải cho bất cứ một vấn đề nào trong nước. Ví dụ, đi nghiên cứu về doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan (Trung Quốc) thì cũng tốt. Thế nhưng, không biết doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang đối mặt với vấn đề gì, thì đi nghiên cứu như vậy khác gì với kiểu uống thuốc thập toàn đại bổ, hy vọng không bổ âm cũng bổ dương. Cách làm như vậy là rất tốn kém và ít hiệu quả. Không nhằm tìm lời giải cho một vấn đề cấp bách của đất nước thì không nên tổ chức đi nghiên cứu nước ngoài.
Thứ hai, khắc phục tình trạng kết hợp đi nghiên cứu với đi du lịch. Đáng ra phải chọn nước tiêu biểu, thì lại chọn nước hấp dẫn để đi nghiên cứu. Cách làm này biến việc nghiên cứu trong nhiều trường hợp trở nên thứ yếu, việc du hí mới là chủ yếu. Tiền công bị tiêu hết, nhưng kết quả là các ảnh chụp check-in sẽ nhiều hơn các thông tin thu thập được. Đi nghiên cứu là việc công, đi du lịch là việc tư. Hai việc này không thể lẫn lộn. Nguyên tắc là chương trình đi nghiên cứu phải được phê duyệt đến từng ngày, nhất thiết không được bố trí thời gian cho việc đi tham quan, du hí.
Thứ ba, khắc phục tình trạng đi nghiên cứu nước ngoài để giải ngân. Theo dự toán ngân sách hằng năm, các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể thường được bố trí khoản kinh phí đối ngoại. Khoản kinh phí này nhiều khi không cần đến hoặc chỉ sử dụng hết một phần. Thế nhưng, phần lớn các cơ quan sẽ tìm mọi cách trong đó có cách tổ chức đi nghiên cứu nước ngoài để tiêu tiền cho bằng hết. Điều dễ nhận thấy là cứ vào dịp cuối năm, các đoàn xuất ngoại thường ra vào rất nhộn nhịp. Nhưng vào ra như vậy có xứng đáng với đồng tiền hay không lại ít bị soi xét. Chính vì vậy, nguyên tắc phải tuân thủ ở đây là tiền đối ngoại chi không hết thì phải trả lại cho ngân sách, dứt khoát không tổ chức các đoàn đi nghiên cứu nước ngoài chỉ để giải ngân.
Thứ tư, khắc phục tình trạng cho đi nghiên cứu nước ngoài để “giải quyết chính sách”. Thực tế cho thấy, không ít thành viên của nhiều đoàn đi nghiên cứu nước ngoài là những người sắp đến tuổi nghỉ hưu. Họ được bố trí đi nghiên cứu những vấn đề mà họ không hề có chuyên môn và cũng chẳng có cơ hội để áp dụng trên thực tế. Cách làm này không khéo biến chuyến đi nghiên cứu nước ngoài thành một kỳ nghỉ dưỡng. Chế độ, chính sách phải được thực hiện theo đúng pháp luật và phải từ nguồn kinh phí được bố trí cho công việc này. Dứt khoát không nên lẫn lộn giữa đi làm việc và đi nghỉ ngơi ở đây.
Thứ năm, khắc phục tình trạng kết quả nghiên cứu không được chia sẻ, không được công bố công khai. Đoàn đi nghiên cứu nước ngoài nào về cũng làm báo cáo, nhưng những báo cáo như vậy phần nhiều mang tính hành chính hơn là mang tính chuyên môn-khoa học. Đáng buồn hơn, các báo cáo này chỉ được gửi lên cấp trên, mà ít được phổ biến rộng rãi. Hệ lụy của cách làm này là rất dễ thấy: 1. Do không phải phổ biến công khai nên chế độ trách nhiệm trong việc đi nghiên cứu rất khó xác lập. 2. Do không phải phổ biến công khai nên chất lượng của các báo cáo không được coi trọng. 3. Do không được phổ biến công khai nên kiến thức không được chia sẻ, hiệu quả của các chuyến đi nghiên cứu thấp. 4. Do không được phổ biến công khai nên các đoàn thường đi nghiên cứu trùng lắp, lãng phí.
Thực tế cho thấy, rất nhiều đoàn nghiên cứu hỏi đi hỏi lại về cùng một vấn đề. Điều này không chỉ hạ thấp uy tín của Việt Nam mà còn làm cho các nước bạn bị mất thì giờ. Có nước thậm chí còn in sẵn câu trả lời rồi phát cho các đoàn Việt Nam đi nghiên cứu để khỏi lãng phí thời gian. Nguyên tắc cần được đề ra ở đây là: Báo cáo kết quả của các chuyến đi nghiên cứu phải được nộp cho Thư viện Quốc gia và phải được đăng tải công khai trên các cổng thông tin điện tử có liên quan.
Cuối cùng, trong một thế giới hội nhập, nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài là cần thiết. Công việc này giúp chúng ta cắt giảm chi phí thử nghiệm và tránh bớt rủi ro của người đi trước. Tuy nhiên, khắc phục những thiếu sót và áp đặt kỷ luật trong hoạt động này là rất cần thiết để “đi một ngày đàng” thật sự “học một sàng khôn”.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG