|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến tại đảo Trường Sa Lớn |
Năm 2008, lần đầu tiên nhiếp ảnh Việt Nam bước lên bục cao nhất của nhiếp ảnh thế giới. Đó là thành quả của những nỗ lực không ngừng trong hàng chục năm qua của giới nhiếp ảnh trong nước. Đó cũng là thành quả của những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới của những người cầm máy trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, thành công lớn ấy chưa đủ để khỏa lấp đi những vấn đề tồn tại, đặc biệt về mặt lý luận, của nhiếp ảnh Việt Nam…
NĂM THÀNH ĐẠT
Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Vũ Huyến: Năm nay giới nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều tin vui. Thứ nhất, tiếp theo thành công cách đây 2 năm (năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên đoạt huy chương vàng-phần thưởng đứng thứ hai sau cúp-về bộ ảnh của Liên đoàn Nhiếp ảnh thế giới-FIAP), tại Đại hội FIAP tổ chức ở Xlô-va-ki-a, bộ ảnh đen-trắng của Việt Nam đã đoạt cúp. Việt Nam tham gia cuộc thi này từ năm 1991, năm nào cũng gửi, trừ một năm bị thất lạc, nhưng chỉ lác đác cá nhân được giải.
Tin vui thứ hai, tại đại hội lần thứ 29 này của FIAP, Việt Nam đã được trao quyền đăng cai đại hội 2010. Hiện chúng tôi đang đề nghị với Nhà nước cùng Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) lo việc này. Vì đây là một đại hội mang tính chất quốc tế, với tầm rất cao, một mình Hội không thể lo.
Hai tin vui trên là thành quả của rất nhiều năm giao lưu với nhiếp ảnh thế giới. Chúng ta là thành viên thứ 65 của FIAP. Tôi còn nhớ, năm 1991, để nộp 200USD lệ phí gia nhập FIAP, Hội đã phải vay một hội viên, rồi nhờ Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đức nộp hộ vì không thể tổ chức cho người sang. Nhưng chỉ ít năm sau, mặc dù là thành viên mới, chúng ta đã tổ chức 4 cuộc thi ảnh thế giới tại Việt Nam vào các năm 1996, 2002, 2005 và 2007. Những uy tín đó đã khiến bạn bè quốc tế chú ý đến Việt Nam.
Tin vui thứ ba của năm nay là mơ ước của giới nhiếp ảnh Việt Nam- trung tâm lưu trữ và phát triển nhiếp ảnh quốc gia-đã được khởi công. Tôi hy vọng, theo đúng tiến độ, đến năm 2010 ước mơ thành sự thực.
PV: Đứng dưới góc độ một người làm nghề, dưới con mắt nhìn thực sự khách quan, theo ông, vì sao bộ ảnh của Việt Nam đoạt giải?
NSNA Vũ Huyến: Tôi đã xem 47 bộ ảnh của 47 quốc gia dự thi kỳ này. Ảnh của các nước khác cũng rất đẹp. Có lẽ, ảnh Việt Nam đoạt giải cao nhất là vì theo đúng xu hướng nhiếp ảnh phản ánh cuộc sống con người, nên được Ban giám khảo đánh giá cao. Từ đây có thể rút ra kinh nghiệm, nhiếp ảnh đi sâu vào cuộc sống bao nhiêu, thì nó làm bật cuộc sống lên bấy nhiêu.
Bộ 10 ảnh của 10 tác giả Việt Nam thể hiện nét văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Bộ này không phải vì dự Đại hội của FIAP mà bố trí anh em đi chụp, mà là dựa vào các ảnh sẵn có, tập hợp lại. Cũng như năm 2006, chúng tôi chọn theo chủ đề. Lần trước chọn sinh hoạt đời thường của người lao động. Lần này đi sâu vào văn hóa của dân tộc Tây Nguyên. Cách tuyển chọn của hội đồng nghệ thuật trong nước đã thành công. Một cô gái đẹp đi thi, ngoài sắc đẹp, còn phải biết trang điểm thế nào cho nổi bật vẻ đẹp ấy lên.
Về mặt nghệ thuật, những bức ảnh được chọn đều đã có tầm, đoạt giải ở các cuộc thi trong nước. Những tác giả ảnh đều là những người có tính chuyên nghiệp cao. Từng bức ảnh đặt riêng đã là những tác phẩm hoàn chỉnh, đứng một mình cũng tốt.
Giải thưởng lần thứ hai này đã thể hiện những cố gắng chung của nhiếp ảnh Việt Nam trong một chặng đường rất dài. Đặc biệt, từ khi đổi mới, với việc Việt Nam “nhảy” vào các sân chơi thế giới, đã tạo điều kiện cho nhiếp ảnh Việt Nam phát triển. Các nhà nhiếp ảnh có điều kiện “mở” vấn đề hơn.
Tôi cho rằng, giới nhiếp ảnh, VAPA nên tận dụng cái đà này, nhưng cũng đừng chủ quan. Hai lần liền chúng ta đoạt giải không có nghĩa là chúng ta sẽ tiếp tục đoạt giải. Nhất là cuộc tới lại làm tại Việt Nam, giám khảo Việt Nam nhiều hơn. Chúng ta phải làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Việt Nam chứ không phải lợi dụng chữ quốc tế để tự khoe mình. Đây cũng là một sức ép lớn!
PV: Tổ chức đại hội FIAP là vinh dự lớn, nhưng cũng là “gánh nặng” vất vả. VAPA sẽ làm gì để đảm bảo sự thành công của đại hội?
NSNA Vũ Huyến: Nói thật, chúng tôi đang rất lo! Không lo vì sự thiếu nhiệt tình, mà lo về cung cách tổ chức như thế nào để vừa đàng hoàng, lịch sự, vừa chu đáo mà lại rất Việt Nam. Đợt vừa rồi tổ chức ở Xlô-va-ki-a rất kỹ, từng chi tiết. Chúng tôi đã ghi hình rất kỹ cách tổ chức của họ để học hỏi.
Chúng tôi đã xác định nhiệm vụ, phải tổ chức thật tốt đại hội để tạo ấn tượng không chỉ cho nhiếp ảnh mà cả đất nước Việt Nam. Vì bạn biết, khi đại hội diễn ra, sẽ có hàng trăm nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới đến Việt Nam. Nếu mỗi người chụp một ảnh về Việt Nam, rồi đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì hình ảnh Việt Nam sẽ được phổ biến rất rộng rãi trên toàn thế giới. Thứ nữa, phải làm cho các vị khách mời thấy rằng, nhiếp ảnh Việt Nam, đất nước Việt Nam rất trân trọng đón tiếp họ.
LÝ LUẬN CÒN ĐI SAU THỰC TIỄN
PV: Nếu tính về các giải thưởng quốc tế, có thể nói, nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật tiến xa nhất. Trong khi đó, lịch sử của nhiếp ảnh Việt Nam mới chưa đầy trăm năm. Theo ông, vì sao có sự phát triển nhanh chóng ấy?
NSNA Vũ Huyến: Bản thân loại hình nghệ thuật thị giác dễ tác động nhất. Con người càng ngày càng có xu hướng tin vào cái nhìn, dù tư duy rất rộng. Thứ hai, hoạt động của nhiếp ảnh, bên cạnh việc đòi hỏi phương tiện kỹ thuật, tác giả còn phải đến tận nơi xảy ra sự kiện. Các ngành nghệ thuật khác có thể sáng tác ngay trong buồng của họ. Đó là cái dễ cho họ. Nhưng cái khó của họ là từ khi hình thành ý tưởng đến khi ra đời tác phẩm rất lâu. Còn nhiếp ảnh thì suy nghĩ rất lâu nhưng thời khắc trực tiếp tạo ra sản phẩm rất nhanh. Vì thế, nhiếp ảnh dễ tác động, dễ làm nổi bật.
Mặt khác, bản thân giới nhiếp ảnh Việt Nam cũng luôn hạ quyết tâm “ra biển”, không bao giờ hài lòng với mình. Không chỉ VAPA tổ chức hay tập hợp gửi ảnh đi dự thi các cuộc quốc tế, mà bản thân anh em, nhiều người cũng tự gửi. Họ được quyền và họ cũng rất thành công. Chúng tôi cũng rất trân trọng những tác giả đó. Thậm chí, những người được treo ảnh ở các cuộc thi thế giới còn được tính điểm khi gia nhập VAPA. Vì thế, số hội viên tăng rất nhanh. Cách đây 15 năm chỉ có chừng 300 người, nay đã lên xấp xỉ 1.000 hội viên Trung ương. Đó còn chưa kể gần 1.000 hội viên các hội địa phương, chưa kể hàng vạn người cầm máy khác.
Nhưng cũng đừng vì đánh giá cao nhiếp ảnh mà hạ thấp các hội chuyên ngành khác. Tôi cũng là một người viết. Để ra đời một sản phẩm viết cũng mệt mỏi lắm. Hơn nữa, hệ thống lý luận nhiếp ảnh đang có nhiều vấn đề. Lý luận đang phải đuổi theo cuộc sống. Trong khi, lẽ ra, lý luận phải bước trước, mang tính chỉ dẫn. Nguyên do, đội ngũ lý luận nhiếp ảnh còn mỏng, lại chưa chuyên nghiệp vì không có điều kiện làm riêng cho nhiếp ảnh. Người ta còn phải tập trung vào quá nhiều vấn đề, hoặc sáng tác, hoặc quản lý.
PV: Ngoài vấn đề lý luận phê bình, theo ông, nhiếp ảnh Việt Nam còn yếu ở góc độ nào?
NSNA Vũ Huyến: Ngay trong giao lưu quốc tế, chúng ta mới chủ yếu gửi ảnh đi thi và tổ chức thi. Lẽ ra chúng ta nên tiếp tục mở rộng hơn nữa địa bàn. VAPA là thành viên của FIAP, nhưng phải chơi tay hai, tay ba với các nước thành viên khác. Chúng tôi đã giúp nước bạn Lào thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh. Hướng tiếp theo sẽ là gia tăng giúp đỡ nhiếp ảnh Cam-pu-chia, củng cố mối quan hệ sẵn có với Nga, tiếp tục mối quan hệ thân thiết thường xuyên với Trung Quốc. Ngoài ra, còn Đức, Mỹ. Họ đều là thành viên của FIAP. Chúng ta phải tổ chức giao lưu sâu, không chỉ là thăm viếng. Sự thăm viếng là cần nhưng nếu chỉ là thăm viếng thì chất lượng các buổi giao lưu sẽ không cao.
Hơn nữa, do đặc thù, nhiếp ảnh Việt Nam giờ là một gia đình nhiều thế hệ. Mỗi thế hệ có mặt mạnh, mặt yếu. Thế hệ trẻ kinh nghiệm chưa nhiều nhưng lại có con mắt nhìn tươi mới. Thế hệ già kinh nghiệm nhiều nhưng sức khỏe quá kém. Mà nghề ảnh không đi thì không thể ra được tác phẩm. Chính vì vậy, đối với các “cụ” hiện nay là vấn đề sức khỏe, và còn cả kinh phí. Nghề này là nghề tiêu tiền. Làm thế nào để các “cụ” hoạt động, là vấn đề chúng tôi phải suy nghĩ. Làm thế nào để nâng cao cái chất, cái “phông” cho anh em trẻ, lại là vấn đề. Vấn đề nữa là giữa nhiếp ảnh có giá trị nghệ thuật-nhiếp ảnh sáng tạo-với nhiếp ảnh phổ biến, rồi mối quan hệ giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Hiện Hội Nhà báo Việt Nam và VAPA đang dự kiến có một chương trình quốc gia về vấn đề này. Ảnh báo chí hiện đang có những vấn đề cần bàn. Trong khi nhiếp ảnh nghệ thuật đang vươn lên, có vị trí trên thế giới thì ảnh báo chí còn yếu về tính thông tin, sự kiện.
- Xin cảm ơn ông!
HUY QUÂN thực hiện