Xứ Vũng Thơm và cổ tích chiếc ghe chìm

Theo nông lịch ngày trước, tháng 4 là khoảng thời gian giao mùa. Sự tích lễ hội Thak Côn gắn liền với câu chuyện chiếc ghe chìm. Vũng Thơm có một giồng cát lớn chạy qua, hiện vẫn còn những di tích vật thể và phi vật thể của dấu ấn Hindu giáo. Ngoài những miếu thờ “Phật nổi” thì pho tượng thần 4 mặt ở chùa Prés On Prés Buôl Prés Phék (chùa Bốn Mặt) trong vùng là chứng tích vật thể rõ ràng nhất và lễ hội Thak Côn chính là biểu hiện phi vật thể rõ nét nhất.

leftcenterrightdel
 Ban thờ Neak Ta Thak Côn trong ngày lễ hội.

Hội miếu Thak Côn nằm trên địa bàn ấp An Trạch, xã An Hiệp. Biểu tượng được tôn thờ ở đây là chiếc cồng vàng 8 núm. Ông Ta Sen, Trưởng ban Quản trị Hội miếu kể rằng: “Theo truyền thuyết, khi xưa có một ghe buôn từ phương xa đến vùng đất này trao đổi hàng hóa. Vì đường xa nên chủ ghe làm phép thuật và dặn mọi người trên ghe dù có nghe bất kỳ tiếng động gì cũng không được mở mắt ra nhìn. Chiếc ghe bay lướt trên không trung mỗi lúc một nhanh, tiếng gió rít bên tai làm nhiều người kinh sợ. Một người vì quá tò mò nên hé mắt lén nhìn. Thấy chiếc ghe đang lao vun vút xuyên qua những đám mây, người này hoảng sợ hét lên một tiếng rồi nhắm mắt lại nhưng đã không còn kịp nữa. Chiếc ghe rớt xuống và chìm nghỉm, hàng hóa, vật dụng trên ghe trôi tứ tán theo dòng nước. Chiếc cồng vàng 8 núm chìm tại nơi ngày nay mỗi năm tổ chức hội Thak Kôn; một chiếc lu đồng và một tượng Phật thì trôi đến những điểm hiện tại là chùa Lu Đồng, chùa Bốn Mặt”.

Ông Ta Sen cho chúng tôi xem một chiếc vỏ ốc biển lớn đã hóa thạch. Chiếc vỏ ốc này ông nhặt được vào những năm 80 của thế kỷ trước khi đi làm thủy lợi nội đồng và kể tiếp: “Thời đó, một nhánh kênh thủy lợi nhỏ đào xuống tầm 4 lớp leng (khoảng 1m). Khi đào tới lớp leng thứ 3 thì anh em thấy trong lớp này toàn là cát, vỏ sò, vỏ ốc. Nhiều người lấy những vỏ ốc biển lớn và đẹp về trưng bày. Nghe ông bà nói rằng, xứ này xưa từng là biển thì tụi tui đâu có tin. Tới chừng, cầm trên tay vỏ ốc biển đã hóa đá mới thực sự tin rằng câu chuyện mà ông bà mình kể là có thật”.

Ông Ta Sen cho rằng, chiếc cồng 8 núm được thờ trong Hội miếu Thak Côn chính là Neak Ta (Ông Tà) của vùng đất này-Neak Ta Thak Côn. Còn nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Neak Ta có từ lâu đời, đó là sản phẩm tinh thần của văn minh nông nghiệp, giao thoa giữa tục thờ đá của cư dân Đông Nam Á cổ xưa với văn hóa Hindu.

Trái dừa slathor đôn

Trong những ngày diễn ra lễ hội Thak Côn, suốt đoạn đường dài hơn một cây số dẫn vào Hội miếu Thak Côn, hai bên đường san sát những sạp hàng bày bán slathor đôn (vật phẩm cúng tế) được làm bằng những trái dừa tươi, trang trí bằng hoa cúc, hoa sen và lá trầu xanh. Đây là vật phẩm chính mà người đi lễ hội dâng cúng. Tôi đã hỏi ông Kru Ta Yên, người chủ tế ở lễ hội tại sao những slathor ở đây chỉ làm bằng trái dừa tươi? Ông nói ngắn gọn: “Theo cổ tích thì ngày xưa hạt lúa lớn như trái dừa và tới khi chín thì tự lăn về nhà. Còn bây giờ, người nông dân muốn có cuộc sống no ấm thì phải chăm chút cày cấy và nâng niu hạt lúa. Còn riêng với nước thì đó là cội nguồn của sự sống. Vậy khi ta nhớ đến cội nguồn và dâng lên những vị thần linh coi sóc mùa màng thì phải chọn thứ nước tinh khiết nhất, đó mới là phải lẽ”.

Tôi ngộ ra đôi chút triết lý về mùa màng, về lòng thành kính những cư dân nông nghiệp xưa khi quan sát những hoạt động chính của việc cử hành nghi lễ cúng dừa. Những slathor đôn, rồi cả những vật phẩm là trái cây, hạt giống sau khi được dâng lên ban thờ Thak Côn cũng được mang về chứ ít khi để lại (trừ những người ở xa). Những người đi lễ còn đem về một nắm đất ở ngay dưới ban thờ và sau đó, họ sẽ rải lên miếng ruộng, mảnh vườn của mình. Đây được xem như một dấu chỉ của lòng tôn kính đến những chư thần coi sóc mùa màng, mong ước một mùa vụ bội thu.

Có lẽ “hữu duyên” nên tôi đã gặp ở Hội miếu Thak Côn một gia đình thay vì mua một cặp slathor đôn bày bán sẵn thì người mẹ của gia đình này đã tự tay trang điểm cho hai trái dừa mà gia đình mang tới bằng hoa sen, những lá trầu và những bông trang thật tươi được hái từ vườn nhà. Đây có lẽ là cặp slathor độc đáo nhất trong lễ Thak Côn mà tôi đã thấy. Bà nói: “Với người ở xa thì họ mua một cặp slathor dâng lễ. Tôi nhà gần thì tự tay làm theo ý mình. Đó chính là dâng lên bằng tất cả tấm lòng của mình, cũng là để cho Neak Ta thấy được thành quả lao động của mình”.

Vui hội

Vào lễ cúng dừa, cư dân trong vùng đều cử hành nghi lễ Hơp Pai (tiếng Việt còn gọi là lễ sớt-bát, dâng cơm cho các vị sư) tại nhà. Nghi lễ chính sẽ diễn ra trong khuôn viên miếu thờ Neak Ta Thak Côn với lễ rước một chiếc ghe lớn được trang trí đẹp mắt, trên chở các vật phẩm dâng cúng Neak Ta (có cái đầu heo lớn) ra thả trên sông phía sau điểm hành lễ. Slathor bằng dừa trái, đèn cầy, đất của Thak Côn là sự kết hợp hoàn hảo của 3 nhân tố: Nước, lửa và đất-cội nguồn của sự sống, là ước vọng về những mùa vàng no ấm trong cõi nhân gian.

Tại hội miếu, buổi tối, buổi sáng, buổi trưa đều có các vị sư đọc kinh cầu phúc, thuyết pháp cho người đến dự lễ bằng cả hai thứ tiếng Khmer và tiếng Việt. Lễ hội Thak Côn vui nhất vào buổi tối và về đêm. Khoảng 19 giờ, mọi người đến để lễ Phật; 20 giờ thì những vị sư tụng kinh cầu an. Đã là hội thì không thể thiếu những trò chơi dân gian hay những gian hàng theo kiểu “hội chợ”. Trăng lên quá ngọn tre nhưng cuộc vui như có vẻ chỉ mới bắt đầu.

Tháng 3 chơi hội Thak Côn. Đi chơi hội ai cũng vui hết mình với niềm tin trong tiềm thức: Qua những ngày lễ hội, gia đình ai cũng mạnh khỏe để bắt tay vào vụ mùa mới, bội thu, được giá...

Bài và ảnh: MINH LY