Sau khi thu hoạch xong xuôi cũng là lúc khí xuân tràn ngập đất trời, nhà nhà người người hồ hởi, tong tưởi chuẩn bị cho cái Tết để rồi sau đó lại bước vào một mùa vụ mới. Hà Nội tuy là kinh đô, là Thủ đô của cả nước, song cũng không phải là ngoại lệ. Hình như đã thành một quy ước bất thành văn, nói đến Tết là nói đến bánh chưng, đến thịt mỡ, đến dưa hành... hầu hết đều là những sản vật sau thu hoạch.

Muốn cảm nhận được không khí ngày Tết ta không thể bỏ qua quang cảnh của những phiên chợ Tết. Chợ Bưởi nằm giáp ranh giữa làng Bưởi và nội thành Hà Nội. Có lẽ những người gốc Hà Nội hoặc đã từng đôi lần đặt chân đến chợ Hà Nội xưa kia sẽ không thể nào quên những cảm xúc, những ấn tượng thích thú và mới lạ đã đeo đẳng họ suốt đời. Đó là những bó lá dong chồng chất, những ống giang để chẻ lạt, rồi những cầu chợ bày la liệt quần áo mới trẻ con, người lớn, những quầy hương, nến, dầu đèn, những gánh mùi già tắm Tất niên..., và đặc biệt là cảnh làm lễ trước khi mổ trâu tế thần và ăn đụng vào Tết ở chợ Bưởi. Con trâu được moi hết phủ tạng, nhồi rơm ướt vào bụng thật căng, khâu lại rồi nổi lửa thui. Khi thịt trâu chín da vàng rộm, thịt bên trong vừa mềm vừa ngọt. Người mua có thể ăn ngay hoặc mang về luộc bằng nước mắm hay tương ăn suốt 3 ngày Tết.

Viết câu đối và thư pháp - một nét đẹp văn hóa trong dịp Tết cổ truyền ở Hà Nội xưa và nay. Ảnh: MINH THÀNH                                               

Đến với chợ hoa cống chéo Hàng Lược vào những ngày sắp Tết hầu như ai cũng cảm thấy một thiên đường hoa bày ra trước mắt. Chợ hoa Hàng Lược một năm chỉ họp một lần, như đã thành lệ cứ vào khoảng mồng Ba tháng Chạp, trong cái rét ngọt se se lạnh bắt đầu đã có người mang những cành đào nở sớm từ vùng đào Nhật Tân đến, rồi những chậu quất Tứ Liên và từ 25 tháng Chạp trở đi thì những người bán hoa đứng chen chân. Nào đào bích, đào phai, mai trắng, thủy tiên... Trong những giây phút thiêng liêng tĩnh lặng đón Giao thừa, đắm mình trong hương sắc của hoa xuân Hà Nội chắc ta sẽ quên đi những mệt nhọc, những lo toan vất vả của cuộc sống đời thường. Dưới con mắt những tao nhân mặc khách đến chợ hoa Hàng Lược vào ngày giáp Tết chẳng khác gì một dòng sông hoa đào sôi động thắm đỏ, êm trôi đẹp đến nao lòng. Và nếu nhắm mắt lại suy tưởng về một thuở hồng hoang của con sông Tô Lịch chảy ven thành Thăng Long cũ sẽ thấy đường phố rợp hoa kia là làn nước mênh mông, bãi bờ bát ngát. Phải chăng cũng ở nơi này gần cửa phía đông của thành Đại La thuyền của vua Lý từ sông Hồng rẽ vào sông Tô Lịch đã đậu ở đây để lên thành, thấy rồng vàng hiện lên trên bầu trời lấp lánh nên mới đổi Đại La thành Thăng Long. Thế mới biết chỉ một đoạn phố nhỏ chợ hoa Hàng Lược đã có bao dấu tích huyền thoại và bề dày lịch sử văn hóa, khiến càng thấy tự hào về đất nước, về Hà Nội yêu dấu của chúng ta.

Lại nói Tết không chỉ có hoa đào, hoa mai, có quất vàng trĩu quả, mà trên các đường phố, từ chợ tỉnh đến chợ quê còn bày bán những cành hoa giấy, hoa lông gà lông vịt (Triều Khúc), những tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng với đề tài tiến tài tiến lộc: Cá vượt vũ môn, bái tổ vinh quy; cuộc sống no đủ, sung túc, thanh bình như tranh gà, lợn, em bé cưỡi trâu thổi sáo... Đặc biệt nói đến Tết là phải nói đến câu đối Tết.

Không biết đích xác câu đối ở ta có tự bao giờ, song rõ ràng từ đời Trần đã có những câu đối nổi tiếng đến tận phương Bắc như của Mạc Đĩnh Chi, của cha con Hồ Quý Ly thời thuộc Minh. Về tục dán câu đối Tết truyền thuyết cho rằng: Hai anh em thần núi Đào Độ (Trung Quốc) tên là Sâu Sa và Ủy Lũ được Ngọc Hoàng cho cai trị nước quỷ. Đào Độ có một cây đào cành lá xòe rộng tới ba nghìn dặm. Trên ngọn cây đào có con gà bằng vàng tiếng gáy vang xa. Gà cất tiếng gáy đó là mệnh lệnh gọi quỷ trở về. Quỷ nào về chậm lập tức bị Sâu Sa và Ủy Lũ treo cổ rồi vứt cho hổ ăn thịt. Cho nên quỷ nhìn thấy hai người hay cành đào là sợ mất hồn. Vì thế trước Giao thừa người ta dùng gỗ đào khắc hình Sâu Sa, Ủy Lũ đặt hai bên cửa nhà (hình thức câu đối) để trừ quỷ đến quấy phá. Dần về sau gỗ đào ngày khó kiếm nên mọi người thay bằng chất liệu khác như giấy đỏ và hình vẽ người thay bằng những chữ Hán viết mực Tàu với nội dung ca ngợi đời thái bình thịnh trị, cuộc sống mọi người hướng tới ấm no hạnh phúc mỗi độ Tết đến xuân về. Chả thế mà nhà thơ Vũ Đình Liên đã phác họa cảnh cụ đồ viết câu đối Tết rằng: “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay”.

Có những đôi câu đối Tết đã trường tồn qua năm tháng thật khó quên như: “Bật cần nêu (cây nêu-pv) đem mới lại cho mau, già trẻ gái trai đều sướng kiếp/ Đùng tiếng pháo đuổi cũ đi đã đáng, cỏ hoa non nước cũng mừng xuân” (Phạm Thái). 

Hoặc có những câu đối đã hiện diện ở khắp mọi nơi, nhất là ở Hà thành mỗi độ Tết đến xuân về: “Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm thọ/ Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường (Trời thêm năm tháng người thêm thọ/ Xuân khắp đất trời phúc khắp nhà) (Cao Bá Quát).

Trong nhiều năm trở lại đây, tại khu vực hồ Văn trước cổng Văn Miếu-Quốc Tử Giám có rất nhiều ông đồ già, ông đồ trẻ tụ họp lại để cho câu đối hoặc cho chữ (thư pháp) trong những ngày Tết cũng như ngày thường. Đây là một nét đẹp văn hóa chắc chắn sẽ còn mãi.

Lại nói Tết đến, nhà nào cũng tất bật bao sái bàn thờ tổ tiên, bày biện hương hoa ngũ quả, tranh thờ... Đặc biệt là nồi bánh chưng vì thiếu bánh chưng là không có Tết. Rồi sáng Ba mươi, nhà cửa, vườn tược phải quét dọn sạch sẽ tinh tươm, cất chổi đi vì kiêng 3 ngày Tết quét nhà của cải sẽ rủ nhau đi hết. Bể nước, chum vại được thau rửa sạch sẽ, đầy ắp nước, người ta hy vọng sang năm mới tiền của nhiều như nước. Có tục lệ phổ biến ở Hà Nội cũng như nông thôn trước kia mà nay không còn, đó là cứ Ba mươi Tết nhà nào cũng vẽ một vòng tròn bằng vôi trắng ở cổng có mũi tên bắn ra ngoài để trừ khử tà ma. Với tư duy liên tưởng, tâm thức dân gian người Việt là như thế đó, cũng như mua muối, mua nước... sáng mồng Một Tết để lấy may.

Hà Nội tuy là Thủ đô của cả nước song vẫn là “kẻ chợ” của những “kẻ quê”. Ở đó phố phường đông vui sầm uất xen lẫn với làng xóm yên ả thanh bình. Vì vậy cuộc sống vô cùng phong phú, đa dạng nhất là mỗi độ Tết đến, xuân về. Bên cạnh quang cảnh những cửa hàng cửa hiệu, những dãy phố trang hoàng rực rỡ với những chiếc đèn lồng đỏ lung linh tỏa bóng xuống sông Hồng, thì đâu đó vào đêm Giao thừa trong các ngõ xóm từng đoàn con trẻ dăm bảy đứa tay cầm ống tre đựng vài đồng xu đến gõ từng nhà, đồng thanh hát những lời chúc tụng mong cho xui xẻo qua đi, năm mới nhiều niềm vui mới, tốt lành. Sau khi được gia chủ mừng tuổi, bọn trẻ lại tiếp tục kéo nhau sang nhà khác. Những câu hát, những âm thanh rộn rã tạo nên không khí đầm ấm, gần gũi mà náo nhiệt trong từng ngõ xóm, thôn làng.

Nói đến Tết là phải nói đến lễ hội. Sau một năm làm ăn vất vả, cực nhọc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lễ hội là dịp mọi người hưởng thụ những thành quả mà mình thu hoạch được. Là dịp để tưởng nhớ công ơn tiền nhân có công với dân với nước, khiến cho gia đình mình, làng xóm quê hương mình, đất nước mình được sống trong yên bình, hạnh phúc. Và lễ hội cũng là dịp sum họp trong họ, ngoài làng gặp gỡ những người “tối lửa tắt đèn” có nhau, khiến cho tình làng nghĩa xóm khăng khít, vì thế mà không bao giờ mất làng.

Hà Nội có rất nhiều lễ hội diễn ra trong dịp Tết. Hằng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng, dân làng Cư An (huyện Mê Linh) lại mở hội với trò diễn Canh nông để thể hiện ước vọng cầu được mùa, cầu thần lúa và thành hoàng vào ngày đầu xuân, phù hộ cho dân làng được nhân khang vật thịnh. Hoặc lễ hội Hát Môn-thờ Hai Bà Trưng, dân làng thả 49 viên bánh trôi xuống nước để cầu mưa, rồi dân làng Bá Giang (Đan Phượng) thả diều để cầu tạnh...

Xuân Tân Sửu, ôn lại đôi nét Tết xưa Hà Nội để phần nào hiểu được nếp sống của ông cha ta, cái tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Dù cuộc sống hôm nay sung túc hơn xưa nhiều, hiện đại hơn rất nhiều, đa số người dân không còn vất vả như xưa, song tình người đằm thắm, nồng ấm, những phong tục tập quán thân quen của những ngày xưa ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong mỗi chúng ta.

PGS, TS ĐỖ THỊ HẢO