Nhắc đến Huế là nhắc đến một thành phố văn hóa, nơi lưu lại những dấu tích lịch sử đầy thăng trầm của dân tộc. Chính bởi “sứ mệnh” đặc biệt ấy, Huế luôn mang một nét gì đó hoài cổ, da diết đầy u buồn. Huế những ngày hè trong ký ức của tôi lúc nào cũng rực rỡ, nắng vàng óng ả buông xuống từng nẻo đường, góc phố. Nhưng có bao giờ ta tự hỏi, xứ Huế buồn vương ấy sẽ ra sao dưới một màn mưa?

Tôi đã về với Huế để tìm câu trả lời ấy và quả thực, Huế đã cho tôi thấy một bức tranh của năm tháng thâm nghiêm, nghe một nhạc phẩm thầm thì của lịch sử và cảm nhận một tâm hồn Huế trong vắt đến lạ thường.

leftcenterrightdel
Một góc không gian của Lăng Tự Đức trầm mặc trong làn mưa.

Nằm ở dải đất miền Trung đầy nắng và gió, mùa mưa ở Huế thường bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến tháng Giêng năm sau. Từ những cơn mưa xối xả ngày này qua ngày khác đến cơn mưa dầm dề lê thê... tất cả đã tạo nên thương hiệu “Mưa Huế” trong lòng mỗi dấu chân lạc bước. Có lẽ bởi vậy mà nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả, trắng trời Thừa Thiên”.

Mưa là thế, nhưng từng dòng người vẫn ngược xuôi trên phố, những chiếc xích lô nhẹ nhàng căng ô, những gánh hàng rong ngồi nép bên hiên nhà… Huế là thế, bình thản trong mưa, thong thả trong gió như một lẽ thường tình. Dường như, Huế đã quá đủ thăng trầm để có thể thật sự tĩnh lặng đến vậy! Mưa khoác lên Huế vẻ thâm trầm, qua làn mưa những bức tường thành, những lăng đài một thời tráng lệ càng rêu phong quá đỗi.

Lang thang bên ngoài Đại Nội vì trót lỡ giờ mở cửa, tôi chọn cho mình một góc thật tĩnh lặng ngay bên hông cửa chính, ngồi trên phiến đá mà ngắm nhìn tháng năm. Mưa thả bụi vương trên tóc, từng giọt nhỏ long lanh rồi vỡ tan. Người ta từng có ý tưởng khai thác “Mưa Huế” như một sản phẩm du lịch đặc trưng tại một cuộc hội thảo nào đó, kể cũng hay. Nhưng tôi thích mưa Huế là một sự cảm nhận hơn: Một thoáng chạm vào những trái tim thổn thức vì Huế. Ngồi thơ thẩn một hồi, mưa dần ngớt, cũng là lúc hoàng hôn chợt ùa về bên Đại Nội. Vẻ thâm nghiêm ướt đẫm dưới màn mưa bất chợt tỉnh thức đầy huy hoàng dưới ánh nắng cuối ngày đã tạo nên một vẻ đẹp tráng lệ. Tôi dần như lặng lại, thời gian đang thực sự ngừng trôi…

Để nói về ngắm mưa ở Huế, nhiều người thường nghĩ ngay tới đồi Vọng Cảnh, lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn), đỉnh núi Ngự Bình, chùa Thiên Mụ… Hay đơn giản chỉ là một quán cà phê ven đường, ngồi nhâm nhi tách trà ngắm mưa rơi, tâm sự vài ba câu chuyện. Thế nhưng với tôi, ngắm mưa ở Huế nếu không phải Đại Nội, thì chỉ có thể là Khiêm Lăng hay còn được gọi là Lăng Tự Đức. Sáng sớm hôm sau, trời mưa tầm tã, xối xả khiến kế hoạch đến Lăng Tự Đức của tôi lùi dần về chiều. Thuê một chiếc xe máy, mua vội một chiếc áo mưa, thế là tôi chu tất hành trang để quay lại nơi ấy, một trong những lăng tẩm tôi cho là đẹp nhất ở xứ Huế này.

Vua Tự Đức cho xây dựng nơi đây như một hành cung thứ hai để làm chốn nghỉ ngơi, ngâm thơ, thưởng trà khi mệt mỏi và cũng là phòng lúc “ra đi bất chợt”, bởi như vua từng nói trong Khiêm Cung ký: “Người khỏe còn lo chuyện bất thường huống chi kẻ yếu!”. Có lẽ cũng bởi chính lý do này mà Lăng Tự Đức có quang cảnh rất lãng mạn, kiến trúc, cảnh vật và thiên nhiên vô cùng hài hòa.

Sau cơn mưa ồ ạt như trút nước ban sáng, cây cỏ ven đường vẫn còn ướt sũng, từng giọt mưa níu lại, trĩu nặng trên từng chiếc lá. Toàn cảnh Lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn với hơn 50 công trình nằm trên diện tích 475ha, quanh năm có suối chảy, thông reo, cỏ cây xanh tốt. Yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng đó là sự hài hòa của đường nét bởi nơi đây không có những con đường thẳng tắp, góc cạnh như các kiến trúc khác. Thay vào đó, vua Tự Đức cho xây những con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh. Lạc bước ở đây, tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đó là lăng tẩm của một vị vua quá cố mà cứ ngỡ như một vườn thượng uyển nên thơ êm đềm.

Đang thẫn thờ đứng ngắm mái ngói vàng rực rỡ của Điện Lương Khiêm thì bất chợt một cơn mưa rào kéo đến, tôi rảo bước nhanh hơn và trú dưới một lầu gỗ ven hồ có tên Dũ Khiêm tạ. Như một sự thức tỉnh, tôi đứng giữa Dũ Khiêm tạ, nhìn làn nước trong xanh ở hồ Lưu Khiêm và lại một lần nữa lặng đi giữa không gian thâm nghiêm, bề thế của Lăng Tự Đức. Tôi cảm nhận rõ rệt khoảnh khắc ấy, nơi một người trẻ như tôi, lần đầu tiên được nghe tiếng thì thầm của ngàn xưa vọng lại. Từng giọt mưa rơi lanh lảnh cả mặt hồ, xao động lung lay cả những bông súng còn đang chớm nụ. Mưa như đang kể một câu chuyện về Huế, về những tháng năm của mảnh đất cố đô bằng những giọt thời gian.

Nếu có thể, chắc chắn tôi sẽ quay lại Huế vẫn vào một mùa mưa, để lại được ôm Huế vào lòng, để nghe Huế hát đôi câu ca và thủ thỉ những câu chuyện của ngàn xưa thâm trầm, khắc khoải…

Bài và ảnh: HÀ MY