Băn khoăn lựa chọn tác giả, tác phẩm

Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học. Ở bậc tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt, ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông gọi là Ngữ văn. Đây là môn học có vai trò rất quan trọng trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực và các phẩm chất cao đẹp, xây dựng nhân cách văn hóa con người… Tuy nhiên, thời gian gần đây, văn học rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt bởi sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện nghe-nhìn, internet, mạng xã hội. Nhiều học sinh có biểu hiện chán học Văn, quay lưng lại với môn Văn. Thực tế đó đặt ra trách nhiệm nặng nề với những người biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, làm sao để “kéo” học sinh lại với môn Văn, để môn học này thực sự bổ ích và được học sinh yêu thích, say mê?

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể cần dạy mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe cho mỗi lớp. Một trong những thay đổi quan trọng của chương trình là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang định hướng năng lực cho học sinh. Từ đó, nội dung chương trình sẽ được giảm tải kiến thức so với hiện nay. Theo đề xuất của Ban soạn thảo, dự thảo chương trình mới sẽ có 6 tác phẩm bắt buộc là: “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt); “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn); “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi); “Truyện Kiều” (Nguyễn Du); “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (Nguyễn Đình Chiểu); “Tuyên ngôn Độc lập” (Hồ Chí Minh). Còn lại có rất nhiều tác phẩm khác sẽ được đề xuất ở phần gợi ý để tác giả sách giáo khoa và giáo viên Ngữ văn có cơ sở lựa chọn trong quá trình biên soạn và giảng dạy. Đây là vấn đề đang có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.

leftcenterrightdel

Các đại biểu tham dự Tọa đàm khoa học “Góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn” ngày 22-3-2018. Ảnh: THU HÀ 

GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học-Nghệ thuật Trung ương cho rằng, cả một nền văn học Việt Nam hơn 10 thế kỷ (chưa kể văn học dân gian) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận. Theo ông, mỗi lớp cần phải học khoảng 5-6 tác phẩm trong phần cứng. Như vậy, sau 12 năm phổ thông, học sinh sẽ biết khoảng 50-60 tác phẩm xuất sắc của văn học nước nhà (tăng lên gấp 10 lần số tác phẩm dự kiến). GS, TS Đinh Xuân Dũng đề xuất, không nên phân chia thành văn bản bắt buộc và văn bản gợi ý trong dự thảo chương trình mới, mà nên gọi là phần cứng và phần mềm (ngân hàng văn bản). Bởi học Văn mà bắt buộc thì sẽ không còn giá trị ý nghĩa của văn chương. Theo GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, việc lựa chọn tác giả, tác phẩm như thế nào phải được cân nhắc kỹ để trong 12 năm học phổ thông, học sinh phải được biết đến các tác phẩm văn học xuất sắc, ở từng mức độ khác nhau, có những tác phẩm phải được học đi học lại nhiều lần trong 12 năm. Ở lớp 2, lớp 3 trẻ cũng cần phải biết đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ở mức sơ đẳng nhất chứ không phải chờ đến lớp 10, lớp 12 mới dạy “Truyện Kiều”.

"Có một thời, tác phẩm văn học trong sách giáo khoa phổ thông chỉ quanh quẩn mấy nội dung, còn nhiều tác phẩm đặc sắc hoặc trích đoạn hay thì lại chưa được đưa vào sách". Từ ví dụ cụ thể đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đề nghị các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa phải lựa chọn được những tác phẩm hay đưa vào giảng dạy để học sinh thích môn Văn hơn. Dự thảo chương trình mới đưa thêm nhiều tác giả trẻ thì rất tốt, nhưng lại thiếu nhiều tác giả đặc sắc như: Anh Đức, Nguyễn Thi… Nhà thơ đề nghị, sách giáo khoa Ngữ văn cũng cần phải phủ các tác phẩm về Trường Sa để dạy cho học sinh hiểu về chủ quyền lãnh thổ của mình, thậm chí dạy cho học sinh ngay từ lớp 3, lớp 4 và các lớp sau đó. 

Giáo dục giá trị văn hóa trong văn học

Không ít học sinh hiện nay có thể quên ngay những bài thơ, câu chuyện mà mình mới được học năm ngoái, năm kia. Trong khi đó, nhiều người tuổi 70, 80 thì vẫn có thể đọc vanh vách những vần thơ họ được học cách đây hơn nửa thế kỷ. Quả thực, để những kiến thức văn học in đậm trong tâm hồn học sinh như thế cũng đòi hỏi phải có nhiều yếu tố. Trong đó, những tác phẩm văn học đưa vào sách giáo khoa phải là những tác phẩm thực sự xuất sắc, cách truyền đạt truyền cảm, sâu sắc của giáo viên và khả năng cảm thụ tác phẩm văn học tốt của mỗi học sinh... Theo một số chuyên gia thì lâu nay, việc lựa chọn tác phẩm cũng như việc dạy Văn trong các nhà trường phổ thông vẫn còn nhiều bất cập. Chương trình giáo dục chưa chú trọng cung cấp những kiến thức về cơ sở lý luận văn học như: Đặc trưng, ngôn ngữ văn học, chức năng văn học, phong cách nghệ thuật của nhà văn...

Dạy Văn là dạy cái gì? Trả lời cho câu hỏi này, GS Lê Nguyên Cẩn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh, phải dạy những giá trị văn hóa trong các tác phẩm văn học. Theo giáo sư, chừng nào giá trị văn hóa trong văn học chưa được chú ý giảng dạy thì chừng đó chưa phải là dạy Văn. Một số ý kiến khác cho rằng, để học sinh hình thành phương pháp và kỹ năng tốt thì không nên xem nhẹ khối lượng kiến thức văn học. Bởi kiến thức và kỹ năng có mối quan hệ biện chứng với nhau, có kiến thức thì mới có thể hình thành phương pháp và kỹ năng. Ngoài việc giáo dục kỹ năng nói và viết, môn Ngữ văn cũng cần chú trọng giáo dục nhân cách làm người cho học sinh. Theo GS, TS Lã Nhâm Thìn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), phải có những quy định về nội dung dạy học, những yêu cầu cần đạt về giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng của môn Ngữ văn chứ không chỉ đơn thuần là “yêu cầu về đọc, viết, nói, nghe”.

Người xưa có câu “Văn học là nhân học”. Văn học có tác dụng giáo dục, phát triển nhận thức và thẩm mỹ cho con người, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người thông qua nghệ thuật ngôn từ. Do đó, điều quan trọng là phải chuẩn bị chương trình giáo dục và sách giáo khoa môn Ngữ văn như thế nào để học sinh có thể cảm thụ tốt các tác phẩm văn học, từ đó khơi gợi được ước mơ khát vọng, tinh thần sáng tạo của họ, hướng tới điều hay lẽ phải, giàu lòng nhân ái, bao dung, trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.

HÀ THANH MINH