Những câu thơ như: Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt/ Có học hành, lại phải sống cầu an/ Phải thu mình, xin hai chữ "bình yên"/ Bởi lẽ đấu tranh-tránh đâu cho được?/ Đồng chí không bằng đồng tiền/ Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp... Có mắt giả mù, có tai giả điếc/ Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung/ Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ/ Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?/ Tham quyền cố vị/ Sợ trẻ hơn già... khiến bài thơ bị quy chụp là "thơ phản động". Sau khi bài thơ được đăng báo, tác giả Phạm Thị Xuân Khải gặp nhiều bất trắc, khó khăn trong cuộc sống, có lúc phải "vịn vào những kỷ niệm được gặp Đại tướng để đứng vững". 

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả Phạm Thị Xuân Khải gửi đến Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần bài viết kể về kỷ niệm của mình với Đại tướng. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với tác giả, năm 2006. Ảnh do tác giả cung cấp. 

"Ngày bác ra đi con không có ở nhà" là câu mở đầu bài thơ "Vị tướng của nhân dân" tôi đã viết trong cảm xúc đau buồn khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Tôi đã khóc như con gái khóc mất cha. Lúc ấy, tôi mới từ Việt Nam sang thăm con ở thành phố Dressden (Cộng hòa Liên bang Đức). Suốt những ngày tổ chức tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi mở xem qua mạng tại Đức để theo dõi đến ngày cuối cùng, đưa Đại tướng về nơi yên nghỉ ở quê hương Quảng Bình.

Bác Văn (tôi quen gọi bác như thế) ra đi sắp tròn 8 năm. Dịp ra Hà Nội, tôi đến thắp hương cho bác tại nhà số 30 Hoàng Diệu. Thế nhưng, đáng tiếc là tôi chưa có dịp nào đến viếng mộ và thắp hương cho bác tại Quảng Bình. Tôi hứa với lòng mình: Nhất định một dịp nào đó, tôi sẽ thu xếp đến Quảng Bình, đến viếng mộ, thắp hương cho Đại tướng.

Nhớ lắm! Tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên vào ngày 16-7-1986, tại nhà riêng của bác ở số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), sau sự kiện “Bài thơ gây chấn động đêm trước đổi mới”. Vào đến sân, cô Bích Hà ra đón, lấy nước mời tôi rồi gọi: “Anh Văn ơi, xuống có khách”. Nhìn sang bên phòng khách lớn, tôi thấy có vài vị tướng đang ngồi mà thầm lo mình đến đúng lúc bác đang bận...

Nhớ lắm! Khoảnh khắc bác Văn nhanh nhẹn bước tới, tôi đứng dậy chào. Bác Văn giang hai tay ôm, vỗ nhẹ sau lưng tôi và nói: "Rất quý! Bác rất quý lòng dũng cảm, kiên định của cháu. Bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" của cháu rất hay. Bác và cô Hà đều mong gặp cháu... Quý lắm... Quý lắm, cháu cố gắng lên nhé!". Cử chỉ thân mật của bác Văn giúp tôi nhanh chóng xua tan đi mối e ngại, dè dặt ban đầu của một nữ sinh lần đầu được gặp vị tướng lẫy lừng.

Thế rồi bác Văn hỏi tôi thường đọc những loại sách nào. Sau đó bác giới thiệu một loạt cuốn sách có liên quan đến những kiến thức tôi đang học tập, nghiên cứu. Năm ấy bác 75 tuổi. Vậy mà trí nhớ của bác khiến tôi vô cùng kính nể. Trong cuộc trò chuyện, bác dặn: "Dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy cháu cũng cần học cho tốt nhé. Khó khăn thì nhờ thầy, bạn giúp đỡ, nói với các bác giúp đỡ, giữ sức khỏe, giữ tinh thần tốt. Không nên lo lắng quá và nhất định không được bỏ học giữa chừng. “Dĩ bất biến ứng vạn biến", cháu ạ". Nghe câu này, tôi cảm động đến trào nước mắt. Lúc tiễn tôi ra về, phu nhân Đại tướng đã dặn tôi: “Có dịp nào ra Hà Nội, Xuân Khải đến nhà chơi. Bác Văn muốn nói chuyện nhiều với Xuân Khải và muốn đọc những gì Xuân Khải đã viết được. Khi nào đến, Xuân Khải cứ nói với anh em bảo vệ là cô Hà có hẹn với tôi”.

Từ đó, tôi có cơ hội được gặp bác Văn thêm một số lần khác, thường là hẹn qua cô Bích Hà hoặc chị Võ Hồng Anh. Bác thường nói với tôi: “Bác mong duy trì được sức khỏe để có thể chuyện trò với đồng chí, anh em. Thỉnh thoảng cháu có ra Hà Nội, đến chơi nói chuyện với bác. Bác muốn nghe những điều các bạn trẻ đang suy nghĩ. Bác muốn đọc những gì cháu đã viết được”. Tôi có gửi bác đọc một số bài viết của tôi về nhiều vấn đề của các lĩnh vực khác nhau. Thường sau khi bác đọc xong, chị Võ Hồng Anh sẽ đưa lại cho tôi. Có lần tôi gửi cho bác đọc bản thảo một số bài thơ tôi tự tuyển chọn, trong đó có khá nhiều bài tôi đã viết về Bộ đội Cụ Hồ trong các binh chủng khác nhau cùng những bài thơ “tự sự” từ thuở mười tám, đôi mươi. Bác Văn nói với tôi: “Các bài thơ cháu viết từ cảm xúc thật tận đáy lòng nên bác rất thích, nhất là khi đọc một số bài thơ cháu đã viết từ những năm 1960-1970 làm bác nhớ lại thời còn trẻ của bác. Đó là lý do những người yêu thích văn chương, lịch sử thường có sự đồng điệu với nhau là thế...”.

Trước kia, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế nhưng, khi được gặp, tôi không khỏi bất ngờ trước sự uyên bác nhưng cũng hết sức bình dị và gần gũi của bác. Và mặc dù tuổi đã cao, bác vẫn rất quan tâm đến tình hình thời sự, chính trị, xã hội. Trong buổi gặp bác Văn năm 2006, bác có nhắc tôi nên viết bài góp ý kiến với Đảng, nhân dịp Đại hội X sắp đến. Tôi cũng rất ấn tượng: Hiếm có cặp vợ chồng già đã vào tuổi thượng thọ, con cháu đã trưởng thành như Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà mà vẫn nghe cô Bích Hà gọi “Anh ơi” với bác Văn, và bác Văn gọi phu nhân bằng lời thân thiết, nhẹ nhàng: “Hà ơi”... những khi bác cần cô một việc nào đó, giống như những cặp vợ chồng son trẻ, đang ở độ tuổi nồng thắm, tràn đầy hạnh phúc bên nhau. Đó là hai con người không chỉ uyên bác về trí tuệ, mẫu mực về nhân cách mà còn là mẫu mực về giữ lửa tình yêu, giữ tổ ấm để gia đình thật sự là bến bờ hạnh phúc, là nơi ta muốn về sau mỗi ngày làm việc, lao động vất vả. 

Sắp tròn 110 năm Ngày sinh Đại tướng. Những ngày tháng này, trong tôi, những lưu luyến và cảm xúc những lần gặp bác Văn lại ùa về ngập tràn tâm trí. Cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam" do bác chủ biên, xuất bản năm 1997, ký tặng tôi năm 2006, tôi giữ như một món bảo vật. Nhớ lắm, lời dặn của bác Văn: "Bác mong cháu và những người làm báo tiếp tục viết với tinh thần dũng cảm. Nếu có khó khăn thì cũng phải quyết tâm làm cho kỳ được" đã tiếp thêm động lực, giúp tôi trụ vững, tiếp tục với những con chữ, với những tác phẩm nhỏ của mình suốt 35 năm qua.

Tác giả Phạm Thị Xuân Khải sinh năm 1947, ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha của bà là cán bộ tập kết ra Bắc, sau này làm Phó vụ trưởng Vụ Miền Nam, Ban Tổ chức Trung ương. Năm lên 7 tuổi (1954), Xuân Khải ra miền Bắc học tập. Năm 1974, khi một trong hai người em trai hy sinh trong chiến trường B, bà đang học năm thứ 2 Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội), đã viết đơn bằng máu xin đi B. Vào chiến trường, bà làm phóng viên cho Báo Cờ giải phóng của Khu V. Miền Nam giải phóng, Xuân Khải về Bình Định làm cán bộ ở Sở Văn hóa. Tháng 8-1985, ở tuổi 38, bà ra Hà Nội học tiếp chương trình đại học. Khi viết bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác”, bà gửi tặng đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí Lê Đức Thọ chuyển cho Ban biên tập Báo Tiền Phong với lời đề nghị thẩm định kỹ nhân thân tác giả và động cơ sáng tác, nếu tốt thì cho đăng. Sau khi bài thơ gây chấn động dư luận với những đánh giá đa chiều, các đồng chí lãnh đạo cấp cao như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ... đều động viên Xuân Khải yên tâm học tập. Năm 1989, Xuân Khải tốt nghiệp đại học, mặc dù không còn công tác trong cơ quan nhà nước nhưng bà vẫn tiếp tục viết và chọn những công việc có ích, phù hợp với khả năng để làm. 3 người con của bà chăm chỉ học tập và nay đều thành đạt trong cuộc sống.

PHẠM THỊ XUÂN KHẢI