QĐND - “Tôi chỉ ước mình có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục được dạy học cho các em học sinh. Mong rằng mai này, khi lớn lên, các em sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, là những chiến sĩ bảo vệ quê hương, những tuyên truyền viên về Trường Sa, Hoàng Sa đến với mọi người, để trái tim mỗi người con đất Việt đều hướng về mảnh đất thiêng liêng giữa trùng khơi”. Những tâm sự trên được thầy giáo trẻ 26 tuổi Nguyễn Ngọc Hạ (giáo viên Trường Tiểu học Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) nói với tôi qua những cuộc điện thoại thường gián đoạn vì sóng yếu...
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, chàng trai Nguyễn Ngọc Hạ không chọn làm giàu từ du lịch biển quê mình, hay theo những con tàu ra khơi để mong mang về nhiều hải sản. Hạ thi đỗ vào Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, với mong muốn mang con chữ dạy cho các em học sinh. Ra trường, Hạ dạy học tại Trường Tiểu học Vạn Phú I, huyện Vạn Ninh. Thế nhưng, Nguyễn Ngọc Hạ vẫn nung nấu ước mơ từ thời sinh viên là được mang tri thức, sức trẻ của mình đến với các em học sinh ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Ngay khi biết thông tin tuyển giáo viên ra công tác tại Trường Sa vào năm 2013, Hạ đã không ngần ngại viết đơn tình nguyện và được chấp thuận. Ước mơ của Hạ thành hiện thực. Với Hạ, biển đã quá gần gũi, thân quen, nhưng khi ra công tác tại đảo Sinh Tồn, anh cũng phải mất vài tháng để quen với thời tiết thất thường. Mưa bão liên tục, nắng nóng kéo dài. Điều ấy cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc học của các em học sinh. Dù đã chuẩn bị tinh thần kỹ từ trước nhưng ngày ấy, chàng trai 23 tuổi vẫn chưa thể hình dung hết được những khó khăn, khác biệt ở nơi cách đất liền hơn 300 hải lý.
Rồi những khó khăn ban đầu cũng dần qua. Với sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, Hạ đã quen với việc tự trồng rau, nuôi gà, vịt, tham gia đánh bắt hải sản để bảo đảm cuộc sống giống như bao người dân nơi đây vì ở đảo không có chợ. Hạ kể, sống gần gũi với các chiến sĩ, anh cũng đã rèn cho mình những tính cách, tác phong quân đội, cũng như thói quen sinh hoạt để phù hợp với cuộc sống trên đảo. Những điều này Hạ không có được khi anh ở trong đất liền…
 |
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ cùng các em học sinh. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Ngoài những khó khăn về điều kiện tự nhiên, cuộc sống, việc dạy học ở đây cũng khác biệt rất nhiều so với ở đất liền và những gì thầy giáo Hạ được đào tạo. Nếu như mọi người quen với hình ảnh những cổng trường rộn tiếng cười nói của hàng trăm học sinh mỗi giờ tan lớp thì ở đảo Sinh Tồn, chỉ có một trường tiểu học, bao gồm cả cấp học mầm non với vỏn vẹn 9 em học sinh, 2 giáo viên. Một thầy giáo phụ trách 6 em học mầm non và thầy Hạ dạy 3 em học tiểu học. Cấp tiểu học, các em học theo mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) - dạy học trong những lớp ghép theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. “Phụ huynh ở đây đa phần là ngư dân, trình độ nhận thức vẫn còn hạn chế nên chúng tôi thường xuyên phải đến nhà để tuyên truyền, phối hợp với họ trong việc giáo dục các em được tốt hơn, tạo nên một gia đình học tập, cộng đồng học tập. Giáo viên ở đây vừa là người thầy, vừa như cha mẹ chăm lo và giáo dục các em”, thầy Hạ kể. Ngoài ra, theo thầy giáo Hạ, do số lượng học sinh quá ít nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo hình thức nhóm, tổ không đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, môi trường cộng đồng nhỏ hẹp cũng ảnh hưởng đến việc hình thành nhân sinh, kiến thức, cũng như kỹ năng sống của các em. Vì vậy, ngoài việc dạy các em theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên còn dạy các em thêm những kỹ năng, kiến thức xã hội, hiểu biết thêm về biển, đảo cũng như tình yêu quê hương đất nước.
Để có thể vượt qua những khó khăn này, người giáo viên như Hạ không chỉ cần năng động, nhiệt huyết mà còn phải sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học cho phù hợp. Hơn thế, đó còn là lòng yêu nghề, yêu trẻ, yêu biển, đảo quê hương của những người giáo viên trẻ như Hạ với tâm niệm: Còn điều gì tuyệt vời, thiêng liêng hơn khi được mang con chữ đến với các em học sinh nơi tiền tiêu của Tổ quốc, nơi cha ông đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để bảo vệ. Đây cũng là điều đã níu chân những người như Hạ tiếp tục sự nghiệp “trồng người” ở Trường Sa.
Ở nơi biển đảo xa xôi, thứ những người thầy như Hạ tự hào nhận được không phải là những giá trị về vật chất mà chính là tình cảm chân thành từ các em học sinh và người dân trên đảo. Hạ xúc động: “Tôi nhớ có lần một học sinh vẽ tặng tôi bức tranh nhân ngày 20-11 mà tôi chính là nhân vật trong đó. Tôi rất xúc động trước tình cảm của em. Hay những lần phụ huynh biếu những bó rau, con cá, miếng thịt. Mặc dù đó chỉ là những món quà nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm chân thành mà học sinh, phụ huynh dành cho giáo viên. Tôi rất trân trọng điều đó”.
Đảo Sinh Tồn bây giờ đã có điện, có sóng điện thoại. Điều này cũng làm cuộc sống vật chất, tinh thần của mọi người sống trên đảo thoải mái, phấn khởi hơn. Năm 2014, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã khánh thành một trường tiểu học mới trên xã đảo Sinh Tồn. Điều đó thể hiện sự nối tiếp truyền thống cha anh, sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục Trường Sa theo tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Đây không chỉ là niềm vui của thầy và trò mà còn là niềm vui chung của tất cả người dân trên đảo. Đó như là động lực để thầy, trò tiếp tục dạy và học thật tốt, yên tâm bám biển, bám đảo với mục tiêu “xa đất liền nhưng không bao giờ xa con chữ”.
Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2016, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ là một trong 42 giáo viên được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” diễn ra tại Hà Nội. Dù không thể đến Hà Nội để tham dự chương trình vì không có tàu về đất liền đúng dịp, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ vẫn vui mừng bộc bạch: “Không đến dự được buổi lễ nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì những bạn bè, đồng nghiệp khác sẽ dự thêm phần của tôi. Quan trọng hơn, đó là những giáo viên trẻ như chúng tôi được cống hiến và được xã hội ghi nhận. Chúng tôi không mong gì hơn thế!”.
THU HÒA