Tôi nhắc lại đầy đủ cả họ tên của các thủ trưởng đại đội, bà vẫn một mực lắc đầu. Cô Na hỏi: “Bác Vuông nhớ kỹ thế, sao mẹ không nhớ ra ạ?”, nhưng bà Hồng vẫn lắc đầu.
Tôi nhìn lên bàn thờ, thấy có ảnh cụ Sen, ảnh bác Hựu và mẹ đẻ của bà Hồng, vội xin thắp hương. Bà Hồng đứng ở góc bàn thờ bên trái vái đáp tạ. Rồi khi mời khách ra bàn uống nước, bà kể: “Nội tôi mất cách đây bảy năm, cụ thọ chín tư tuổi. Mẹ tôi mất năm ngoái. May quá, trước khi chết các cụ đã thấy trong nhà có người đàn ông!". Nói đến đấy, bà Hồng bảo cậu con trai: "Con đi tìm bố về, có khách”.
Cậu thanh niên lấy xe máy phóng đi. Cô Na cứ ngồi nhìn tôi với vẻ dò hỏi. Tôi tiếp tục nhắc thêm vài chuyện cũ, nhưng bà Hồng vẫn bảo không nhớ.
Cậu thanh niên chở về một ông khoảng ngoài sáu mươi tuổi, bà Hồng vội nói: “Bố nó à! Chú Vuông hồi trước đóng quân ở nhà mình. Chú ấy đi công tác, ghé thắp hương cho các cụ”.
Người đàn ông quét cái nhìn sắc ngọt về phía tôi và hỏi cộc lốc: “Anh đóng quân hồi nào?”. Tôi đáp: “Dạ! Từ 15 tháng Giêng năm 1973”.
Ông ta hỏi lại: “Thật chứ?”. Hơi phật ý nhưng tôi vẫn cố bình thản nói: “Anh ạ, ngày trước tôi đóng quân trong nhà ta gần mười tháng, nay mới có dịp ghé thăm. Rất tiếc cụ Sen và bác Hựu đã về với tổ tiên. Tôi đã thắp hương xong, giờ, tôi xin phép gia đình…”.
Tôi đứng lên, chào từ biệt. Không có ai tiễn tôi cả. Sực nhớ ở đây còn có một nhà quen nữa nên tôi tranh thủ ghé chơi. Lúc về, khi xe vừa đến cuối làng thì thấy cô Na đã đứng đợi sẵn. Tôi dừng. Na tươi cười, mời tôi vào ngôi nhà ba tầng bên đường, có vườn cau, ao cá. Na hồn nhiên nói cười khác hẳn với lúc ở nhà mẹ cô và khoe: “Anh chồng cháu khéo tay lắm, cứ cầm con dao bay đi gõ công trình là có tiền ngay. Không ít thì nhiều, ngày nào cũng kiếm được bác ạ. Dinh của mẹ cháu, bác vừa vào chơi cũng do anh ấy xây đấy. Vợ chồng cháu còn một dinh trên tỉnh nữa!”. Tôi khen: “Các cháu đúng là con mẹ Hồng!”. Na pha trà mời tôi và tha thiết muốn tôi ở lại ăn bữa cơm rau dưa, nhưng tôi từ chối là còn phải ghé thăm một vài nơi nữa. Na xịu mặt, rồi cô bỗng nhìn thẳng vào mắt tôi: “Bác Vuông ạ, bác… có phải là bố cháu không?”.
Tôi sững người, nói: “Thật tiếc! Lúc bác gặp mẹ Hồng, cháu đã được 15 ngày tuổi rồi. Cháu sinh ngày 1 tháng Giêng năm 1973 đúng không? Bác phải nói kỹ như vậy để cháu tin. Nếu được cô con gái như cháu, bác phải làm một trăm mâm cỗ để ăn mừng…”.
“Khổ thân mẹ cháu!”-Na thốt lên, rồi rầu rầu kể về người bố dượng...
Ông Hộc lấy mẹ cô năm bà 39 tuổi. Làm khán chợ nên ông hay giúp bà Hồng, khi bày hàng, khi vào xóm xin cho bà xô nước để vẩy rau... Lúc bà Hồng dẫn ông về nhà, cụ Sen và bác Hựu đồng ý ngay. Riêng Na phản đối quyết liệt. Mẹ cô mếu máo nói: “Nhà phải có đàn ông con ạ. Nhà ta bốn người toàn đàn bà, con đi lấy chồng, rồi mẹ cũng sẽ già, thì biết dựa vào đâu?”. Nghe mẹ nói bằng nước mắt, cô Na không phản đối nữa.
Cô Na kể, bố dượng cô là người khỏe ghen. Hồi còn cụ nội và bà nội cô, ông ta ghen ngấm ngầm. Từ ngày hai cụ khuất núi, ông ta rất gia trưởng... Kể đến đấy, Na lại thốt lên: “Khổ thân mẹ cháu!”.
Biết mình cũng chả làm được gì, tôi động viên Na, nhờ cô gửi lời chúc sức khỏe đến bà Hồng và hẹn có dịp sẽ quay lại.
*
Ngày tôi đeo ba lô đến nhà “Xê bộ” làm liên lạc, Chính trị viên Cư chỉ cho cái phản gỗ đã lên nước đen bóng như mun, bảo đó là giường của tôi. Cái phản nằm giữa một bên là hông bàn thờ, một bên là vách liếp nứa ngăn với buồng của gia chủ. Phía bên kia bàn thờ là hai tấm phản đơn bằng gỗ thùng ghép làm giường của anh Cư và anh Hớn, thủ trưởng đại đội.
Tôi đang sắp xếp chỗ thì trong buồng vọng ra tiếng trẻ khóc và tiếng ru giọng con gái trẻ măng: À ơi... Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này... Ngay sau đó có tiếng của một cụ bà: “Nó đã biết gì mà ru thế? Đưa bà bế cho, ra ăn cơm đi!”.
Chính trị viên Cư cho tôi biết, cô cháu gái tên là Hồng của cụ Sen mới sinh con ở tuổi chưa đầy mười tám. Cô Hồng là con liệt sĩ. Bà cụ Sen góa chồng từ lúc chưa đầy hai mươi tuổi, cụ ở vậy nuôi bác Hựu. Năm 1954, bác Hựu đi bộ đội và hy sinh ở Mặt trận Điện Biên Phủ khi bác gái đang còn mang thai bé Hồng. Bé Hồng lớn lên là cô gái thông minh, khỏe mạnh, xinh đẹp. Hai mẹ con bà cụ Sen rất hy vọng. Khi cô Hồng học lên lớp 10 thì trúng cái giải nhì học sinh giỏi văn toàn tỉnh. Đùng một cái, cô chửa hoang...
Phải mấy hôm sau, tôi mới nhìn rõ mặt Hồng. Cô còn quá trẻ. Thật tội nghiệp, ở tuổi này mà cô phải bỏ học, phải nuôi con mọn. Thái độ của Hồng khá lặng lẽ. Tôi có cuộc nói chuyện trực tiếp với Hồng sau đó ít ngày. Ấy là lần tôi đang rửa bát ở bể nước, cô đi đến và nói nhỏ: “Anh Vuông cứ để đấy em, con trai ai lại rửa bát!”. Tôi đùa vui bằng câu vè: Làm trai rửa bát quét nhà/ Vợ kêu thì "Dạ, bẩm bà con đây!". Hồng đỏ mặt, nói nhỏ: “Bao giờ có vợ hẵng hay. Bây giờ thì để đấy em”.
Tôi nhường việc rửa bát cho Hồng. Đổi lại, tôi lo gánh nước đổ đầy cái bể đủ cho ba bộ đội, ba phụ nữ và một trẻ sơ sinh sử dụng. Mỗi ngày dùng hết khoảng mười gánh nước; giếng gần, sức trai nên tôi chỉ coi đó là tập thể dục.
Một lần hành quân đi bắn đạn thật, tôi bị mất một quả lựu đạn. Trĩu nặng sợ hãi, khi hành quân về, tôi bỏ cơm, sốt li bì.
Chính trị viên Cư đi công tác, Đại đội trưởng Hớn rất lo lắng cho tôi, anh dùng bài thuốc đánh gió học được thời đi B, vần tôi ra cạo. Tôi tỉnh dần lại và kể về chuyện mất lựu đạn. Anh Hớn nghe xong thất kinh. Anh vội dắt xe đạp rời nhà đi đâu đó một lúc lâu. Khi về, anh nhìn tôi lắc đầu. Anh kể, anh đã đi gặp trợ lý quân giới tiểu đoàn xin hướng giải quyết nhưng chỉ được trả lời là phải tìm cho ra quả lựu đạn.
Đêm đó, tôi trằn trọc mãi đến gần sáng mới thiếp đi được. Tiếng còi báo sáng, anh Hớn đi tập thể dục cùng bộ đội. Sốt, buồn và sợ làm tôi cứ nằm im, cắn môi trào nước mắt khóc thầm.
Hồng mang đến cho tôi một bát cháo hành thơm nức và một gói bọc báo nặng trịch. Cô bảo nhỏ với tôi, cô đã biết hết sự tình. Cô giở gói bọc báo ra. Là một quả lựu đạn. Tôi suýt kêu lên rồi ôm lấy quả lựu đạn, trố mắt nhìn để khẳng định xem có phải là nó không. Hồng mủm mỉm cười, nói nhỏ: “Anh Vuông ăn cháo đi! Cháo trứng hành hoa, ăn nóng là khỏi sốt đấy”.
Có tiếng bé Na ọ ẹ, Hồng vội đi ra sân vòng xuống bếp để vào buồng.
Hết lo, tôi húp một hơi gọn cả bát cháo và tiếp tục ngắm quả lựu đạn. Hồng vào lấy bát đem rửa, tôi bất chấp ôm riết lấy cô. Hồng lắc người chối từ nhưng tôi vẫn cứ ôm. Từ người cô thoang thoảng phả ra mùi sữa mẹ thơm lìm lịm. Tôi ôm cô mà không biết hôn thế nào nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác rung động mãnh liệt đến thế…
Tôi yêu Hồng từ buổi sáng đó. Còn Hồng phải đến hơn hai tháng sau mới dè dặt chấp nhận. Ở chung một nhà nhưng chúng tôi chỉ có thể yêu nhau bằng mắt và bằng những lá thư bí mật trao vội cho nhau, bằng những ý nghĩ thao thiết mỗi đêm, khi hai người chỉ cách xa nhau bằng một liếp nứa mỏng.
Vào một ngày nghỉ, anh Cư rủ tôi đi bắt cua đồng về cải thiện. Nhưng ra đến chỗ vắng, anh nói rõ, anh đã phát hiện ra tôi có dấu hiệu không bình thường với Hồng. Anh nói, nếu tôi vấp vào chuyện trai gái với một phụ nữ trẻ hoang thai thì không được. Tôi thú nhận với anh Cư, tôi yêu Hồng bởi cô là người thông minh, nhân hậu. Việc cô nhỡ nhàng chỉ là sự cố trong đời người con gái nhẹ dạ. Hồng là con liệt sĩ, phải thương lấy mẹ con cô ấy. Chính trị viên cảnh báo sự nông nổi của tôi. Anh còn nghiêm khắc nói: “Nếu cậu lợi dụng hoàn cảnh của Hồng để thỏa mãn sự ham muốn thì đừng có trách anh!”.
Biết tôi và đại đội trưởng hợp nhau, anh Cư giao tôi cho anh Hớn ngăn chặn. Nhưng anh Cư đã nhầm. Anh Hớn không tra hỏi tôi điều gì mà bảo tình yêu nó phải thế! Anh còn "bật mí", anh đã khảo Hồng, biết cô bán đi một bên đôi bông tai để lấy tiền nhờ mua quả lựu đạn ở chợ đen cho tôi, anh rất cảm động chuyện đó. Anh bảo tôi, phải kín đáo và phải giữ gìn, không được làm hại đời cô ấy một lần nữa.
Tôi đem hết cả những điều anh Hớn nói, viết một lá thư dài cho Hồng. Cô nhanh chóng hồi đáp một thư cũng rất dài và thấm loang vết nước mắt. Thường thì nhận thư của Hồng, đọc xong, tôi đốt đi, nhưng lá thứ này tôi đã nhai nhuyễn, chiêu nước, nuốt hết vào bụng.
Chúng tôi cầm cự thêm hai tháng thì một cơ hội vàng bất ngờ đến: Cái đồng hồ báo thức của chỉ huy bị hỏng. Biết tôi có cô em làm ở cửa hàng bách hoá thị trấn gần quê, anh Cư cho tôi mượn xe đạp về phép thăm nhà một ngày với điều kiện phải mua được chiếc đồng hồ báo thức. Tôi mừng quá, rủ Hồng về quê tôi ra mắt... Hồng từ chối, nhưng lúc 5 giờ sáng, đạp xe ra đến núi Trinh Văn, tôi đã thấy Hồng chờ sẵn. Dọc đường Hồng kể, cô đấu tranh suốt đêm rồi... liều. Cô đã nhờ Cúc, bạn cô bán hộ gánh rau. Hồng nói với tôi phải cố làm sao 3 giờ chiều cho cô về. Tôi nói để Hồng yên lòng, chúng tôi có tất cả mười tiếng, đạp xe đi về chỉ mất sáu tiếng, còn những bốn tiếng để ở chơi nhà tôi.
Mẹ tôi đón chúng tôi vui mừng quá đỗi. Cái Hằng, em tôi xung phong lo việc mua đồng hồ báo thức và đi chợ mua thức ăn về đãi khách quý. Chỉ một loáng nó về, một tay cầm cái đồng hồ báo thức mới cứng, một tay lái chiếc xe đạp, hai bên ghi đông treo nào là con cá chép vàng ươm, nào là rau quả với cặp bánh đa vừng. Hồng xin phép xuống bếp phụ với em gái tôi.
Tôi kể với mẹ, Hồng là con liệt sĩ, đã học lớp 10 và giấu nhẹm chuyện Hồng đã có con. Mẹ tôi chỉ ngồi nhai trầu và luôn luôn cười gật đầu. Bữa cơm thịnh soạn đãi khách quý được dọn lên. Mẹ tôi ngồi ngây người sung sướng tiếp miếng ngon nhất cho Hồng. Bà nhìn Hồng đầy yêu thương, tin cậy. Trong khi đó thì cái Hằng mặt cứ lầm lì, thỉnh thoảng có tiếp thức ăn cho Hồng nhưng thái độ gượng gạo chứ không nhiệt thành như lúc tôi và Hồng vừa về.
Cơm xong, Hằng nháy tôi ra vườn. Nó độp hỏi: “Chị Hồng có vấn đề phải không?”. Tôi hỏi: “Vấn đề gì?”. Hằng nói luôn: “Chị ấy đã có con, em ngửi thấy toàn mũi sữa”. Tôi đành kể nhanh với em gái hoàn cảnh của Hồng, tình yêu tôi mang ơn Hồng... Không cho tôi nói hết, Hằng ngắt lời bằng câu: “Anh không được ấm đầu như thế!”.
Hồng đã đoán ra thái độ của Hằng. Trên đường về, tôi đã kể lại hết với Hồng. Cô rất buồn nhưng lại bảo với tôi, Hằng quyết liệt thế là đúng. Cô không xứng đáng làm dâu gia đình tôi. Tôi vẫn tiếp tục năn nỉ Hồng để cô hiểu tình yêu của mình. Dần dần Hồng cũng vui lên. Nhưng khi về nhà Hồng thì có chuyện động trời. Cô Cúc đã phản bội Hồng. Cô ta đã rỉ tai với nhiều người chuyện Hồng bí mật về chơi quê tôi. Anh Cư cầm cái đồng hồ, vỗ vai tôi nói: “Thế này thì công ít tội nhiều rồi!”.
Đơn vị tôi đi chiến trường. Ba tháng hành quân, tôi viết cho Hồng hai mươi tám lá thư nhưng không nhận được hồi âm nào. Từ đấy cho đến bốn mươi năm sau tôi mới trở lại quê Hồng...
*
Chuông điện thoại reo làm ngắt mạch suy nghĩ của tôi. Nhìn thấy số của cô Na trong máy, tôi mừng rỡ: “Na à? Bác Vuông đây!”. Không có tiếng đáp. Tôi nhắc lại: “Bác Vuông đây! A lô!”. Có tiếng bà Hồng, giọng run run: “Cảm ơn anh đã về thắp hương cho bà và mẹ em. Anh đi mạnh khỏe nhé! Thôi, anh đừng về làng em nữa, anh Vuông nhé. Chào anh!”.
Bà Hồng tắt máy. Tôi vội bấm lại số của cháu Na mấy lần nhưng máy vẫn bị ngắt.
Tôi buồn lắm, nhưng khi định thần lại liền đoán rằng, ngôi nhà của bà Hồng đã có người đàn ông trụ cột. Có lẽ sự có mặt của tôi, dù là một khoảnh khắc làm khách, cũng không tốt cho cuộc sống gia đình của bà… Vâng! Có lẽ là như thế!
Truyện ngắn của LÊ NGỌC MINH