Trong căn phòng treo đầy những tấm ảnh đen trắng tựa một bảo tàng thu nhỏ, NSNA Đặng Văn Thông như người dẫn đường đưa chúng tôi ngược về quá khứ. Sinh năm 1932 tại Nam Định; năm 1940, cậu bé Đặng Văn Thông theo gia đình vào sống ở vùng ngoại ô Trại Mát của Đà Lạt. Dù chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10km nhưng vào những năm 40 của thế kỷ trước, Trại Mát vẫn là vùng đất khá hoang vu. Tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang-Đà Lạt mỗi ngày có hai chuyến tàu chạy qua, đỗ lại ga xép Trại Mát vài phút ngắn ngủi để đưa đón khách và bốc dỡ hàng hóa.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông. Ảnh: VŨ ĐÌNH

Ngày nhỏ, Đặng Văn Thông được cha mẹ cho học ở trường làng, đến tuổi thiếu niên, gia đình gửi cậu đến phụ việc cho người chú có tên là Đào Văn Lý, chủ hiệu ảnh Dalat Photo tại khu Hòa Bình, trung tâm Đà Lạt. Tại đây, Đặng Văn Thông bắt đầu làm quen với nghề nhiếp ảnh. Ban đầu chỉ là những việc phụ, như: Cắt phim, pha thuốc, tráng, phóng ảnh... dần dần, cậu bé Thông được học kỹ thuật chụp ảnh và giao máy để chụp cho khách. Chiếc máy ảnh đầu tiên Đặng Văn Thông sử dụng mang nhãn hiệu Lumiére của Pháp, chạy phim 6x9cm, có thể chụp khoảng 10-12 tấm/cuộn phim. Sau những giờ làm việc ở tiệm, Đặng Văn Thông thường rong ruổi trên những nẻo đường ở TP Đà Lạt để ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Nhìn cảnh sắc lãng mạn, thơ mộng hiện ra trên từng bức ảnh, cảm xúc trước thiên nhiên trong anh trỗi dậy, tâm hồn phơi phới, bay bổng, tưởng như mình sở hữu quyền năng huyền bí, có thể níu giữ được thời gian và vẻ đẹp của thiên nhiên, con người mãi mãi.

Vào những năm 40-60 của thế kỷ trước, Đà Lạt là thành phố chịu ảnh hưởng mạnh bởi văn hóa, lối sống phương Tây. Vì thế, người dân rất yêu thích chụp ảnh nhằm lưu lại những khoảnh khắc bên thiên nhiên, bạn bè, người thân. Nghề chụp ảnh sớm phát triển và những người làm nghề có thu nhập khá tốt. Cuộc sống an nhàn, đặc thù công việc đậm chất sáng tạo cùng với không gian thơ mộng khiến những người làm nghề chụp ảnh có tâm hồn nghệ sĩ. Ngoài giờ làm việc, họ thường gặp gỡ nhau ở những quán cà phê để cùng trao đổi về kỹ thuật, hoặc khoe với nhau những tấm ảnh đẹp. “Trước thế hệ chúng tôi, Đà Lạt có những NSNA nổi tiếng, như: Nguyễn Mạnh Đan, Nguyễn Cao Đàn... Tôi thường xuyên giao thiệp và được các anh tận tình chỉ dẫn. Cùng thời thì có Nguyễn Bá Mậu nổi tiếng về chụp chân dung, cuộc sống; Trần Văn Châu nổi tiếng về chụp không ảnh và đại cảnh. Mỗi người đều có thế mạnh riêng nhưng chúng tôi chẳng bao giờ giấu nghề mà luôn sẵn sàng trao đổi, học hỏi lẫn nhau”, ông Đặng Văn Thông nhớ lại.

Năm 1960, ông được nhận vào làm việc tại Nha Địa dư quốc gia, đảm nhiệm công việc chế bản từ bản vẽ qua phim và từ phim qua bản kẽm để in ấn các loại bản đồ. Khi chính quyền cách mạng tiếp quản Đà Lạt, ông tiếp tục làm việc tại Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt thuộc Cục Bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu) đến năm 1990 mới nghỉ hẳn. Đây chính là sự khác biệt của ông đối với nhiều nhiếp ảnh gia khác ở Đà Lạt. Bởi đời công chức không chỉ giúp ông không quá bức bách về “cơm áo gạo tiền” mà còn rèn luyện cho ông đức tính cần mẫn, chỉn chu, cẩn thận trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

Vì thế, dù đã chụp hàng vạn bức ảnh, trong đó nhiều bức có tuổi đời 50-60 năm nhưng đến nay, NSNA Đặng Văn Thông vẫn giữ được phim và ảnh gốc, nên khi cần vẫn có thể in ra những bức ảnh chất lượng cao. “Để lưu trữ được phim và ảnh lâu dài, mỗi tấm phim, bức ảnh sau khi chụp, tôi đều ghi chép cẩn thận thời gian, địa điểm, rồi cắt và cho vào túi ni lông, túi giấy kín, sau đó cất vào các hộp có thuốc chống ẩm. Sau này khi có máy tính thì tiến hành sao chụp và chuyển vào lưu trữ trong máy. Nhờ thế, tư liệu luôn được bảo quản trong trạng thái tốt”, ông chia sẻ.

Trong kho tư liệu ảnh của NSNA Đặng Văn Thông, số lượng tác phẩm chụp phong cảnh, đời sống phố phường chiếm số lượng lớn, đây cũng chính là những lĩnh vực làm nên tên tuổi của ông. Những bức ảnh do ông chụp bình minh, hoàng hôn, hồ Xuân Hương, hồ Mê Linh, rừng thông, mây và sương, cuộc sống phố phường Đà Lạt được xem là mẫu mực, thậm chí trở thành mô-típ được giới nhiếp ảnh Đà Lạt sau này thường xuyên áp dụng. Điển hình như tấm ảnh ông chụp hồ Xuân Hương năm 1950 với hình ảnh người ngư phủ ngồi trên thuyền giăng lưới vào buổi sớm đầy sương, bên phải là nhà hàng Thủy Tạ soi bóng trên mặt nước, xa xa là đồi thông và tháp chuông cao vút của Trường Lycee Yersin (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt). Một bức ảnh khác ông chụp cảnh mùa xuân trên hồ Xuân Hương vào năm 1955 với tiền cảnh là cành mai anh đào bung nở rực rỡ, trung cảnh là nhà hàng Thủy Tạ, xa xa là Đồi Cù và tháp chuông cao vút của Viện Đại học Đà Lạt (nay là Trường Đại học Đà Lạt) in đậm trên nền trời trong vắt. Tất cả đều có bố cục hài hòa, chặt chẽ, màu sắc trong sáng, lột tả chân thực vẻ đẹp rực rỡ, lãng mạn và rất đỗi thanh bình của Đà Lạt. Trong một bức ảnh khác do ông chụp về khu Hòa Bình, trung tâm Đà Lạt vào năm 1952, chỉ bằng vài nét chấm phá, người xem có thể cảm nhận rõ không khí phố phường Đà Lạt và nét sinh hoạt đặc trưng của người dân Đà Lạt thời ấy. Người phụ nữ mặc áo dài nền nã, đội nón lá gánh hàng đi trên phố, phía trước là chiếc xe ngựa chở vài người khách đang gõ nhịp cùng chiều, xa xa là những dãy phố với những chiếc xe lam im lìm như còn ngái ngủ. “Đó chính là nếp sống, nét văn hóa đặc trưng của Đà Lạt những năm 40-60 của thế kỷ trước. Phố phường hãy còn vắng vẻ, người dân hiền lành chất phác, cuộc sống ít bon chen. Riêng phụ nữ Đà Lạt lúc nào cũng dịu dàng, kín đáo, mỗi khi ra đường đều mặc áo dài. Xe ngựa là phương tiện chủ yếu, dùng để chở người và hàng hóa”, ông trầm ngâm nhớ lại.

leftcenterrightdel
Tác phẩm “Thủy Tạ-Đà Lạt” chụp năm 1955. Ảnh: ĐẶNG VĂN THÔNG

Theo NSNA Đặng Văn Thông, để có một tấm ảnh chất lượng thì ngoài am hiểu và nắm chắc kỹ thuật, phải có sự kiên trì, niềm đam mê và sự sáng tạo. Có những góc ảnh phải chụp đi chụp lại nhiều lần mới cho ra một bức ảnh ưng ý, nhưng cũng có những góc quen, dẫu đã chụp nhiều lần mà lần nào cũng trở nên mới lạ. Bởi thế, mỗi khi ngắm một bức ảnh do ông chụp, người ta không chỉ thấy vẻ đẹp “rất điển hình” của Đà Lạt mà còn cảm nhận được tình yêu và sự tài hoa của người nghệ sĩ đặt vào tác phẩm.

Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, những bức ảnh của nghệ sĩ Đặng Văn Thông còn là một kho tư liệu quý bởi qua đó, ta có thể cảm nhận được rất nhiều khía cạnh khác nhau từ bộ mặt đô thị, thiên nhiên đến nếp sống, nét sinh hoạt của người Đà Lạt qua các thời kỳ. Thậm chí có những tác phẩm có thể giúp ta hình dung rõ những hình ảnh đã trở thành dĩ vãng. Ví như tác phẩm “Hồ Mê Linh-Đà Lạt, năm 1948”, đến nay khung cảnh chỉ còn là kỷ niệm và nếu thành phố muốn khôi phục lại hồ Mê Linh cùng không gian xung quanh hồ, hẳn người ta sẽ phải tìm lại bức ảnh của ông.

Giờ đây, dù tuổi cao, sức yếu nhưng NSNA Đặng Văn Thông vẫn không ngừng sáng tác. Tuy nhiên, bên cạnh niềm say mê với công việc và cái đẹp thì với ông giờ đây còn xuất phát từ một lý do khác, đó là sự trăn trở, lo lắng trước sự “tàn phai” của “nhan sắc” Đà Lạt. Ông bảo trước đây, bước ra khỏi nhà là thấy cảnh đẹp nhưng bây giờ điều đó đang dần trở nên hiếm hoi. Những rừng thông trong thành phố thưa vắng, màn sương nhạt dần, nhiều thác nước đã cạn khô, cuộc sống phố phường bon chen, xô bồ hơn trước… và ông như người “nhặt cánh hoa lê cuối mùa” nhằm níu giữ thời gian, vẻ đẹp Đà Lạt. Hy vọng khi ngắm nhìn những tác phẩm của ông, mọi người sẽ thêm yêu và có trách nhiệm hơn để giữ cho Đà Lạt đẹp mãi với thời gian.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG