Sinh tử vùng “đất dữ”

Địa bàn biên giới hai xã Phước Bình và Phước Chỉ thuộc thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) được ví là vùng “đất dữ”, thuộc địa bàn biên giới của Đồn Biên phòng Phước Chỉ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh. Gọi thế là vì nơi đây, tình trạng buôn lậu và các loại tội phạm luôn phức tạp. Dải biên giới với nước bạn Campuchia có địa hình bằng phẳng, nhiều đường ngang, lối mở nên các đầu nậu buôn lậu ở bên kia biên giới thường lôi kéo người dân tham gia vận chuyển hàng lậu qua biên giới Việt Nam tiêu thụ.

Trước đây, công tác phòng, chống buôn lậu, tội phạm của Đồn Biên phòng Phước Chỉ đã gian nan, vất vả thì giờ đây càng tăng gấp bội. Thượng tá Nguyễn Văn Hạ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Chỉ vừa về nhận nhiệm vụ 3 tháng nay nhưng dường như ít có ngày anh vắng mặt cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới. “Địa hình biên giới bằng phẳng, nên chỉ một chút chủ quan là đối tượng xuất nhập cảnh trái phép lợi dụng vượt biên trót lọt. Căng thẳng nhất là vào ban đêm và khi mưa dông. Mưa đầu mùa ở đây thường như trút nước, trắng xóa, đứng gần nhau cũng khó nhìn rõ mặt. Còn vào ban đêm, các đối tượng lợi dụng bóng tối băng qua biên giới vào Việt Nam”, Thượng tá Nguyễn Văn Hạ kể.

leftcenterrightdel
Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) kiểm tra thân nhiệt người dân trên khu vực biên giới. 

“Tây Ninh nắng cháy da người” từ lâu đã trở thành câu nói quen thuộc, cửa miệng để chỉ cái nắng gay gắt của vùng đất này. Những tuyến đường đất đỏ sát biên giới trong cái nắng khô khốc, có khi bốc hơi hầm hập sau cơn mưa lớn, vậy mà đi suốt đoạn biên giới này, trong mắt chúng tôi là những chốt trạm, điểm canh trực Covid-19 được bố trí san sát cách nhau từ 300-500m. Giữa trưa nắng oi bức, đoạn đường lầy lội, ngập nước sau cơn mưa lớn cũng không ngăn được chúng tôi tìm đến các chốt PCD Covid-19 nằm sát đường biên. Chúng tôi đến Chốt PCD Covid-19 số 12 tại xã Thành Long, huyện Châu Thành (Tây Ninh) đúng lúc Đại úy Đặng Quang Vinh, Chốt trưởng, vừa đi tuần trở về. Khuôn mặt anh rám nắng, đỏ ửng, lưng áo đẫm mồ hôi sau quãng đường tuần tra dưới cái nắng gay gắt. Thế nhưng khi biết chốt có khách, anh vội vàng xắn áo pha trà mời khách: "Mùa này thời tiết thất thường lắm các anh ạ. Nắng thì đến cháy da. Mưa thì như trút nước làm đường sá sình lầy, đi tuần rất khó khăn. Tôi tranh thủ về chốt để ăn cơm trưa, còn các đồng đội khác ra thay phiên gác. Hằng ngày, chúng tôi thay phiên nhau về chốt để ăn uống và tắm giặt, sau đó lại ra vị trí trực hoặc đi tuần theo kế hoạch, quyết không để trống biên giới một phút nào!".

Quan sát quanh Chốt PCD Covid-19 số 12, chúng tôi để ý một vườn rau nhỏ diện tích khoảng 30m2, trồng đủ các loại rau củ quả: Hánh lá, mướp, rau muống, bí xanh... Trong câu chuyện với Chốt trưởng Đặng Quang Vinh, chúng tôi được biết, không chỉ Chốt PCD Covid-19 số 12, các chốt PCD trên tuyến biên giới này đều tổ chức tăng gia, làm vườn rau để tự túc rau xanh, có nơi còn chăn nuôi gà để bảo đảm bữa ăn, chủ động PCD lâu dài.

Nắng mưa vất vả đến thế nhưng còn có một mối hiểm nguy rình rập ở vùng đất này, đó là những tai nạn do sét gây ra trong những cơn mưa dông lớn. Đây cũng là nỗi lo của nhiều người dân địa phương nhiều năm qua. Tại Chốt PCD Covid-19 số 10 thuộc quản lý của Đồn Biên phòng Phước Tân, nghe câu chuyện về tai nạn sét đánh vừa xảy ra vào giữa tháng 5-2021 đối với Binh nhất Võ Ngọc Nguyện mới thấy được những hiểm nguy rình rập trong những ngày mưa gió. Nguyện là chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh tăng cường lên biên giới tham gia làm nhiệm vụ PCD. Hôm ấy vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng, Nguyện cùng đồng đội đi tuần thì trời đổ mưa dông, kèm những đợt sấm chớp. Cả nhóm nhanh chóng di chuyển vào các chòi tạm để trú mưa. Các chòi này được chốt làm sẵn trên tuyến biên giới, có vị trí cách nhau từ 300-500m để che mưa, che nắng khi đi tuần hoặc đứng gác lúc cao điểm. Vừa vào đến chòi, bỗng một tia sét sáng lòa vụt xuống trước mắt. “Sau tia sét, tôi thấy mình như bị điện giật, té ngã xuống nền đất và bất tỉnh. Đồng đội đã giúp sơ cứu và nhanh chóng cõng tôi vượt qua cơn mưa, đưa về trạm y tế xã cấp cứu”-Nguyện kể lại giây phút sinh tử của mình.

Chốt canh trực “3 không”

Theo cung đường tuần tra biên giới xuyên Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, huyện Tân Biên (Tây Ninh), chúng tôi đến Chốt PCD Covid-19 số 10 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chàng Riệc quản lý. Khu vực biên giới này là những triền đất thoai thoải trải rộng với nhiều đường mòn, lối mở qua lại. Kể từ khi dịch bùng phát, nhằm kịp thời “khóa chặt” biên giới nên BĐBP tỉnh Tây Ninh đã thiết lập các chốt PCD, ngăn nguồn dịch bệnh xâm nhập vào nội địa. “Khu vực này hiện nay ở trong tình trạng “3 không”: Không điện, không nước, không sóng điện thoại. Ban ngày trời nóng như rang, có khi ngồi trong chốt như ngồi trong lò sưởi. Hơn nữa, muỗi mòng, rắn rết cũng rất nhiều nên chúng tôi phải thường xuyên tổ chức phun xịt khử trùng, PCD. Thường lệ, cứ vài hôm anh em lại thay nhau vận chuyển nước sạch, đổi bình ắc quy tích điện để phục vụ sinh hoạt cho các chốt”-Thiếu tá Nguyễn Văn Sự, Chốt trưởng Chốt PCD Covid-19 số 10, kể về khó khăn hiện tại.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An tuần tra bảo vệ biên giới. phòng, chống dịch Covid-19.

Những ngày ở biên giới Tây Nam, chúng tôi cùng xuôi về tuyến biên giới tỉnh Long An. Tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, trong câu chuyện với Trung tá Lê Trọng Tình, Đồn trưởng, chúng tôi được nghe kể về những câu chuyện thực hiện nhiệm vụ PCD, trinh sát, mật phục, truy bắt các đối tượng vận chuyển hàng lậu, vượt biên. Chia sẻ về cách tổ chức lực lượng bảo đảm khép kín tuyến biên giới dài 14km, anh Tình chia sẻ: “Ngoài các chốt chính, đồn còn mở rộng các chốt phụ ở những khu vực hoang vu, vắng vẻ, không có dân cư sinh sống, thiếu nguồn nước sạch và điện thắp sáng, phương tiện giải trí... để bảo đảm khép kín biên giới. Các chốt chính chia nhỏ lực lượng ra để đi tuần, hỗ trợ các chốt phụ; bố trí lực lượng “mũi nhọn” sẵn sàng cơ động chi viện cho các chốt kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm”.

Vững vàng nơi gian khó

Những ngày ở biên giới, đến các chốt PCD Covid19, chúng tôi luôn bắt gặp những ánh mắt tự tin, tràn đầy sự quyết tâm, chủ động khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa bảo vệ, quản lý biên giới, vừa PCD Covid-19. Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Để "khóa chặt" biên giới, BĐBP tỉnh đã triển khai 129 chốt PCD Covid-19 cố định, 32 tổ tuần tra, kiểm soát lưu động, 12 trạm biên phòng, 27 điểm cảnh giới quân số trực 24/24 giờ. Từ đầu năm 2021 đến nay, BĐBP tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ 141 vụ/778 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, khởi tố 7 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 800 triệu đồng...”.

Các chốt PCD Covid-19 đều nằm ở những vị trí xa dân, giữa rừng, khu vực hẻo lánh nên chuyện sắp xếp để có nguồn điện thắp sáng, nước phục vụ cho sinh hoạt luôn là bài toán khó khăn. Nhưng thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tổ chức, đơn vị đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, trao tặng trang thiết bị y tế, vật dụng sinh hoạt tới các chốt PCD. Có những chốt dã chiến được Bộ tư lệnh BĐBP đầu tư bằng nhà tiền chế, với đầy đủ trang bị phục vụ sinh hoạt: Bồn giữ nước sạch, giá điện năng lượng mặt trời, giường, tủ, bàn ghế, thiết bị vệ sinh...

Trong câu chuyện với tôi, Đại tá Lê Hồng Vương chia sẻ niềm vui về việc sắp tới đây, các trạm, chốt trên tuyến biên giới sẽ được các cấp ngành, địa phương khảo sát, triển khai xây dựng các cột chống sét ở các chốt PCD Covid-19, lắp đặt các hệ thống camera ở một số “điểm nóng”. Các chốt, trạm dã chiến ở khu vực biên giới rồi đây cũng sẽ được đầu tư xây dựng kiên cố, trang bị đầy đủ bảo đảm cho lực lượng PCD lâu dài.

Chúng tôi rời biên giới khi trời chiều đổ mưa như trút nước. Qua cửa kính xe ô tô chạy dọc theo đường tuần tra biên giới, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ ở các chốt PCD Covid-19 lặng lẽ đi tuần, canh trực ở các điểm chốt PCD in đậm trong chúng tôi về sự quả cảm, vượt lên gian khó. Dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa biết bao giờ chấm dứt, nhưng chúng tôi luôn vững tin các anh sẽ chiến thắng, tạo được "lá chắn thép" vững vàng nơi tuyến biên giới Tây Nam.

Bài và ảnh: HUY PHONG - BẢO MINH