Nâng cao danh tiếng bình đẳng giới

Theo Sắc lệnh được Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al Saud ban hành ngày 26-9 vừa qua, phụ nữ Saudi Arabia sẽ được cấp giấy phép lái xe. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong vòng 10 tháng tới và chính thức được thực thi từ tháng 6 năm sau.

Sắc lệnh Hoàng gia nhấn mạnh rằng, lợi ích của việc cho phép phụ nữ lái xe còn lớn hơn so với tác động tiêu cực của việc này mang lại, đồng thời khẳng định việc cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ sẽ tuân thủ các quy định Hồi giáo và quy định giao thông. Từ nay đến khi sắc lệnh có hiệu lực, Saudi Arabia có thời gian thực hiện các công tác chuẩn bị như mở rộng các cơ sở cấp phép lái xe, phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng cho hàng triệu lái xe mới... Ngoài ra, Quốc vương Abdulaziz al Saud cũng ra lệnh thành lập một ủy ban cấp cao gồm các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Lao động và Phát triển xã hội, có nhiệm vụ nghiên cứu việc chuẩn bị thực thi luật mới này.

Quyết định này là một phần trong chương trình cải cách đầy tham vọng của Saudi Arabia nhằm thích nghi với kỷ nguyên thời “hậu dầu mỏ” và nâng cao danh tiếng của nước này về vấn đề bình đẳng giới. Hoàng tử Khaled bin Salman, Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, gọi đây là “ngày lịch sử và quan trọng”. Hoàng tử Khaled bin Salman cũng xác nhận, phụ nữ sẽ không phải xin phép người bảo hộ nam giới của họ để học lái xe, cũng như có thể lái đến bất cứ nơi đâu họ muốn.

leftcenterrightdel
Một phụ nữ Saudi Arabia lái xe tại thủ đô Riyadh. Ảnh: Reuters 
Trong khi đó, sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của những cô gái trẻ ở Saudi Arabia. “Thật tuyệt vời. Tôi thấy người mình bay bổng như trên mây”, cô Fawzia Al-Bakr sống ở thủ đô Riyadh chia sẻ. Theo cô gái này, lẽ ra sắc lệnh cho phép phụ nữ lái xe cần phải thực hiện cách đây 20 năm. Về phần mình, cô Haya Rakyane, 30 tuổi, nhân viên ngân hàng ở Ryad chia sẻ, cô chờ đợi quyết định này cách đây hơn 10 năm và hôm nay quả là một ngày hạnh phúc.

Cùng chung niềm vui, Chatha Dousri, nhân viên Công ty Xăng dầu Aramco ở Dahran, thành phố phía Đông của Saudi Arabia chia sẻ rằng, cô biết lái xe và đã từng lái xe, song chỉ dám đi trong khu chung cư nơi cô sinh sống chứ không dám đi ra ngoài đường. “Vì thế, quyết định này thực sự gây “sốc” cho tôi. Nó khiến tôi vui quá, không có từ ngữ nào để diễn tả niềm vui đó”, Chatha Dousri sung sướng nói.

Một bước tiến lớn đúng hướng

Nữ quyền từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi ở Saudi Arabia. Phụ nữ nước này phải nhận được sự đồng ý của người giám hộ, cha, chồng, anh em trai hoặc con trai, để được phép ra nước ngoài, đi làm hay thậm chí là khám, chữa bệnh.

Năm 1962, Quốc vương Faisal bin Abdulaziz Al Saud đã ban hành sắc lệnh mở trường học đầu tiên dành cho nữ giới. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc dỡ bỏ những quy định ngặt nghèo đối với phụ nữ ở quốc gia Trung Đông này.

Sau khi lên ngôi năm 2005, Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz al-Saud đã có nhiều quyết định mang tính bước ngoặt có lợi cho phụ nữ. Ngày 26-9-2011, Quốc vương Abdullah tuyên bố, phụ nữ nước này sẽ được quyền bỏ phiếu và ra ứng cử trong các hoạt động chính trị. Dù trên thực tế, quyền bỏ phiếu và ứng cử của phụ nữ nhìn chung không mang lại nhiều thay đổi trong bối cảnh chính trị ở Saudi Arabia, nơi chỉ một nửa số ghế ở các hội đồng địa phương ít quyền lực là được quyết định thông qua tuyển cử, song tuyên bố trên của Quốc vương Abdullah vẫn nhận được sự tán thưởng từ các nhà hoạt động vì nữ quyền và hoạt động xã hội.

Năm 2013, Quốc vương Abdullah đã bổ nhiệm 30 phụ nữ vào Hội đồng Cố vấn (Majlis al-Shura). Ngoài ra, dưới triều đại Abdullah, phụ nữ còn được phép hành nghề luật sư, được tham gia các Thế vận hội Olympic…

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, khi Quốc vương Abdullah đã qua đời và Quốc vương Salman bin Abdulaziz al Saud lên trị vì, Saudi Arabia vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phái yếu ngồi sau vô lăng. Theo quy định hiện hành, nam giới là công dân và cư trú ở Saudi Arabia mới có quyền lái xe, trong khi phụ nữ nếu bị bắt gặp lái xe nơi công cộng có nguy cơ bị bắt hoặc nộp phạt. Đó là lý do vì sao các gia đình ở Saudi Arabia thường thuê tài xế riêng để đưa đón các thành viên nữ trong gia đình tới trường học, công sở và những nơi khác. Theo con số mới nhất, gần 800.000 nam giới, phần lớn là từ các nước Nam Á hiện đang làm công việc lái xe cho phụ nữ ở Saudi Arabia.

Chính vì vậy, việc cho phép phụ nữ Saudi Arabia lái xe tại quốc gia Trung Đông này được giới phân tích nhận định là “đỉnh cao của sự cải cách”. Đó là một sắc lệnh hợp lòng dân đang được dư luận trong nước hết sức hoan nghênh. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh động thái trên của Saudi Arabia là “một bước tiến lớn đúng hướng”.

CHÂU GIANG