Dù tiếp tục viết nữa hay dừng lại thì gia tài văn chương của Ma Văn Kháng cũng khiến người trong nghề phát thèm. Ông là cha đẻ của gần 30 cuốn sách cả tiểu thuyết, tập truyện ngắn lẫn tản văn. Trong đó có những cuốn tiểu thuyết được nhiều thế hệ độc giả yêu thích như: “Đồng bạc trắng hoa xòe”; “Mùa lá rụng trong vườn”; “Đám cưới không có giấy giá thú”… Tác phẩm của ông cho đến nay vẫn tiếp tục được tái bản. Chặng cuối của cuộc đời, tưởng Ma Văn Kháng dừng lại để nghỉ ngơi, để chiêm ngưỡng thành quả của mấy mươi năm cầm bút, không ngờ ông lại tiếp tục “cày”. Hai tác phẩm mới nhất của ông đều lấy nguồn cảm hứng từ vùng cao.
Tự hào với “đứa con” đẻ muộn
Những người yêu văn chương đều biết, tên thật của tác giả “Đám cưới không có giấy giá thú” là Đinh Trọng Đoàn, ông sinh ra và lớn lên ở làng Kim Liên, nay là phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Trong quá trình công tác, ông có điều kiện gắn bó với vùng cao nên người vùng cao, đất vùng cao đã trở thành một phần máu thịt trong ông. Bút danh Ma Văn Kháng chứa nhiều kỷ niệm. “Kháng” là tên đoàn thể đặt cho nhà văn từ ngày trẻ, khi ông gia nhập Thiếu sinh quân Việt Nam. “Ma” là họ của người anh em kết nghĩa, đã có công tìm thầy thuốc chữa cho ông khỏi căn bệnh sốt rét hoành hành, khi ông ở Lào Cai. Càng về già, những giấc mơ về vùng cao càng sống dậy mãnh liệt, thôi thúc Ma Văn Kháng cầm bút viết. Ở tuổi 79, ông cho ra mắt tiểu thuyết “Người thợ mộc và tấm ván thiên”. Đây là cuốn tiểu thuyết có nguyên mẫu ngoài đời, chính là người bạn của ông. Hai năm sau, ở tuổi 81, Ma Văn Kháng lại cho ra mắt “Chim én liệng trời cao”, với độ dày gần 400 trang, một cuốn tiểu thuyết ca ngợi chiến tranh cách mạng, ngập tràn không khí vùng cao.
Một lần, trao đổi với Ma Văn Kháng, tôi hỏi: “Ở độ tuổi này, ông vẫn sáng tác sung sức, bí quyết gì đây?”. Không ngờ, Ma Văn Kháng bình thản đáp: “Có hai lý do. Một là, về hưu đã lâu, cuộc sống cứ mòn mỏi lê thê trong những ngày rỗi rãi, quẩn quanh trong nghỉ dưỡng và lo buồn về bệnh tật, nên phát sinh tâm lý kinh hãi khi thấy mình đang trở nên một kẻ vô tích sự và như vậy, phải chống lại bằng cách mở computer ra. Hai là, ngẫm ra thì cuộc kháng chiến chống Pháp, một trang lịch sử vàng son quá đẹp vì sự hùng tráng và vẻ tươi đẹp đầu đời của nó, đặc biệt là công cuộc đó đã diễn ra quá độc đáo ở vùng đồng bào các dân tộc miền núi, mà xem ra còn ít người biết đến. Vâng, còn ít người biết đến quá!”.
Đi vào những đề tài ít hấp dẫn như đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài vùng núi, đương nhiên, nhà văn tiên liệu được độ phủ sóng với những độc giả trẻ. Ma Văn Kháng thú nhận: Khi sách mới ra lò, ông đưa cho mấy cháu nội ngoại, chỉ có một đứa đọc, còn đa phần thờ ơ. Bọn trẻ trả lời ông: “Cháu thích đọc truyện vui cơ”. Tuy nhiên, đã ở tuổi thấu hiểu sự đời, ông không hẫng hụt khi những đứa cháu từ chối “đứa con tinh thần” mà ông dồn tâm huyết sinh ra: “Số phận cuốn sách trên thị trường nếu là vậy, thì cũng đành vậy thôi”.
Ma Văn Kháng nhớ lại quãng thời gian "sinh nở" tác phẩm: “Chim én liệng trời cao" được viết lại từ một truyện vừa, có tên “Chim én”, đã in vào những năm 70 của thế kỷ trước. Nay rỗi rãi giở ra nhẩn nha đọc, bỗng nảy ra tham vọng là cần thiết để nâng tầm vóc nó lên. Quái quỷ là cái ham hố của anh nhà văn ta. Hăm hở lắm, dù lúc đó mới đi bệnh viện đặt thêm 3 cái stents ở động mạch vành về, sức khỏe rất kém”. Ông thích nhất khi viết chương 19 (phần một), đó là những trang văn trữ tình về mùa cốm ở một làng Tày. Chương 7 (phần hai) kể chuyện Tiển bắn hổ cứu Thào Câu. Chương 14 (phần hai) kể lại sự việc anh Nhã cứu Tiển (tên các nhân vật trong tiểu thuyết-PV)… Ngoài 80 tuổi nhưng bút lực của Ma Văn Kháng vẫn dồi dào. “Chim én liệng trời cao” được hoàn thành nhanh chóng: “Công việc kéo dài từ tháng 9-2016 đến tháng 2-2017 thì xong. Và tiếp đó, tôi gửi ngay đến nhà văn Thúy Loan, Trưởng ban Biên tập sách văn học, NXB Kim Đồng với lời nhắn: Bác tuổi cao quá rồi, không chờ đợi được đâu. Vậy đọc sớm và cho bác ý kiến là có in được không để bác biết, còn bao giờ in cũng được. 15 ngày sau, Thúy Loan trả lời: In được bác ạ. Sách sẽ ra vào tháng 5-2017. Mừng nữa là trong quá trình biên tập, cô Kiều Nga, một biên tập viên trẻ, vừa đọc vừa nhắn tin: Bác ơi, cháu vừa đọc vừa thích thú và hồi hộp”. Mỗi một người đọc phản hồi với thái độ tích cực đều khiến nhà văn già mừng vui: “Thì ra còn là vậy!”-ông thốt lên. Khi “Chim én liệng trời cao” ra đời, Ma Văn Kháng đọc đi đọc lại, hài lòng khi thấy NXB không sửa chữa gì: “Ngoại trừ hơi tiếc là NXB cắt mấy câu tình tứ ở chương 19, phần một, đoạn đôi nam nữ gặp nhau tình tự dưới gầm sàn đêm giã cốm”. Nhưng một cuốn sách hướng đến đối tượng độc giả thiếu niên nên mấy câu tình tự dù hay, dù tác giả tiếc, chắc NXB cũng không thể không biên tập.
Có người nói rằng, những tác phẩm viết ở giai đoạn cuối đời của Ma Văn Kháng không thể vượt qua những gì nhà văn đã làm được trong giai đoạn trước như “Mùa lá rụng trong vườn” (1985) hay “Đám cưới không có giấy giá thú” (1989). Nhưng Ma Văn Kháng không giận: “Đó là quyền đánh giá của mỗi người. Tôi rất tôn trọng và vô cùng cảm ơn. Tuy nhiên, tôi yêu quý tất cả những gì tôi đã viết. Vì tôi nghĩ, tất cả đều là những thành tố góp phần tạo nên một chỉnh thể có tính tổng hợp cao và nó là cái gì đó thì cần được phân giải kỹ càng”. Sự thích hay không thích của dư luận không ảnh hưởng tới niềm tự hào mà nhà văn dành cho “đứa con” mới sinh: “Với tôi, cuốn “Chim én liệng trời cao” là một đóng góp nho nhỏ làm đẹp thêm hình tượng thiếu nhi Việt Nam trong cuộc kháng chiến và cách mạng. Thích nữa là do miêu thuật một hành trình có tính phiêu lưu mạo hiểm của chú bé thiếu niên Trần Văn Tiển mà tôi có dịp trình bày cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, cảnh quan đặc sắc cùng các nhân vật mang dấu ấn thời đoạn và các tình huống kỳ thú hiếm hoi ở vùng đồng bào Dao, Mông, Hà Nhì…”.
Bằng lòng với những gì chưa làm được…
Một số nhà văn bi quan về tình hình văn chương hôm nay. Họ cho rằng, văn chương hư cấu bây giờ gần như không mấy tác dụng. Nó không thúc đẩy ai, không thay đổi được điều gì, không làm cho cuộc sống tốt hơn hay dở đi. Nhưng Ma Văn Kháng không nghĩ vậy: “Không có gì mà phải bi quan cả. Tác phẩm văn học không phải là cuốn sách giáo khoa theo ý nghĩa đi dạy dỗ ai. Vả chăng, nhà văn cũng không ai thích đảm nhiệm vai trò nhà sư phạm, nhà truyền bá đạo đức. Dẫu, đã có lúc họ làm điều đó một cách xuất sắc như trường hợp “Thép đã tôi thế đấy” với tư tưởng “Người ta chỉ sống có một lần”… chẳng đã từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam những năm khói lửa chiến tranh cách mạng. Quan trọng là điều như Jean Paul Sartre (nhà triết học, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia… người Pháp-PV) nói: “Văn hóa chẳng cứu vớt được ai, chẳng cứu vớt được cái gì, văn hóa không biện hộ. Nhưng đấy là sản phẩm của con người; con người tự phóng chiếu trong đó, tự nhận ra mình trong đó, riêng chỉ có tấm gương ấy cũng cho con người thấy hình ảnh của mình”.
Hình như Ma Văn Kháng chưa bao giờ bi quan hay đổ lỗi. Những tháng năm sống ở vùng cao, với người này, người kia là những năm tháng gian nan, vất vả, còn với Ma Văn Kháng, lại giúp ông có thêm tình yêu mới, nguồn mạch mới trong sáng tạo trong văn chương. Đọc hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương”, nhiều người nhận ra: Dưới ngòi bút Ma Văn Kháng, hình như ai cũng tốt, cũng đẹp. Là bởi vì ông có lý của mình: Nếu người nào đó, sự việc nào đó chưa được đẹp, được hay, ắt có lý do của nó. Nhà văn không trách đời, không trách người và càng không trách mình. Ông từng nói: “Chẳng ai dự liệu được đời mình sẽ thế nào cả. Cách mạng là ngọn gió lớn, thổi ta là hạt bụi đi đến các chân trời, một nhà thơ đã viết thế. Không ai chọn thời đại, hoàn cảnh để sinh ra và sống với nó cả. Vấn đề đặt ra là biết sống cho đúng với tư cách một con người trong mỗi hoàn cảnh. Đến tuổi này thì tôi hài lòng với những gì đã trải qua, đã làm được và bằng lòng với những gì chưa làm được”.
Ma Văn Kháng đã ôm trọn những giải thưởng văn chương danh giá: Giải thưởng Văn học ASEAN 1998; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012. Còn bây giờ, ông chỉ mong tuổi già được sống những ngày vui vẻ trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc. Ông không bao giờ cân đo văn chương cho mình và lấy của mình thứ gì. Bởi, “tôi trở thành nhà văn như một ngẫu nhiên, không cố ý. Nên chẳng có gì ân hận”-ông nói. Sau cuốn “Chim én liệng trời cao”, nhà văn chưa có thêm dự án sáng tác nào. Ma Văn Kháng chia sẻ: “Thảng hoặc sức khỏe cho phép và có cảm hứng thì tôi viết vài ba bài báo nhỏ”. Một ngày bình thường của nhà văn: Sáng dậy lúc 6 giờ. Tập thể dục bằng đi dưỡng sinh quanh khu hồ Ngọc Khánh. Ăn sáng, uống thuốc (9 loại). Buổi trưa nghỉ ngơi. Buổi chiều đi đón cháu nội ở nhà trẻ rồi trở về nhà. Buổi tối của ông dành cho việc xem ti vi và ngủ. Ma Văn Kháng tổng kết: Cuộc sống của ông như bất kể một ông già hưu trí bình thường nào khác. “Không có thú vui gì đáng kể. Chỉ có một nỗi sợ, sợ mình thành kẻ vô tích sự”.
NÔNG HỒNG DIỆU