Đến nay, đội ngũ các nhà văn chuyên nghiệp của báo qua các thời kỳ đã có thể tập hợp thành một “Hội Nhà văn” với nhiều tác giả có tên tuổi của nền văn học Việt Nam hiện đại…
Điểm danh đội ngũ
Trước khi phát hành số báo đầu tiên vào ngày 20-10-1950 tại Chiến khu Việt Bắc với tên gọi chính thức là Báo Quân đội nhân dân do Bác Hồ đặt, một trong hai ấn phẩm tiền thân của báo là tờ Vệ quốc quân đã có tới 5 nhà văn khá nổi tiếng thời bấy giờ: Thôi Hữu, Thâm Tâm, Trần Đăng, Hoàng Lộc và Vũ Cao.
Nhà văn Thôi Hữu sinh năm 1914 ở Hoằng Hóa-Thanh Hóa, hoạt động báo chí cách mạng từ trước năm 1945, là người tham gia thành lập và quản lý Báo Vệ quốc quân. Ông hy sinh ngày 16-12-1950 trên chiến trường Việt Bắc. Nhà thơ Thâm Tâm sinh năm 1917 ở thị xã Hải Dương, thành danh văn chương từ thời Thơ Mới, mất tháng 8-1950 ở Việt Bắc trên đường đi công tác. Nhà văn Trần Đăng sinh năm 1921 ở Từ Liêm-Hà Nội, từ năm 1948 làm phóng viên Báo Vệ quốc quân, tham gia nhiều chiến dịch lớn và để lại nhiều ghi chép đặc sắc. Trần Đăng hy sinh ngày 26-12-1949 tại Mặt trận Lạng Sơn. Nhà thơ Hoàng Lộc sinh năm 1920 tại Ninh Giang-Hải Dương, mất năm 1949 ở Việt Bắc, tác giả bài thơ “Viếng bạn” và tập truyện ký “Chặt gọng kìm đường số 4” nổi tiếng. Nhà thơ Vũ Cao sinh năm 1920 ở Vụ Bản-Nam Định, đã xuất bản các tập thơ “Đèo Trúc”, “Núi Đôi” và nhiều tập truyện ngắn…
Nhà báo, nhà thơ Anh Ngọc (đeo kính đen) gặp gỡ các chiến sĩ quân đội cách mạng Cam-pu-chia tại Phnôm Pênh năm 1979. Ảnh do nhân vật cung cấp
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, Báo Quân đội nhân dân còn lần lượt được bổ sung thêm một số nhà văn, nhà thơ, như: Vũ Tú Nam, Lê Kim, Nguyễn Trần Thiết… Đội ngũ này tiếp tục được bổ sung một lực lượng khá đông đảo thuộc thế hệ “nhà văn chống Mỹ”, như: Cao Tiến Lê, Trần Hữu Tòng, Dân Hồng, Xuân Miễn, Tô Phương, Anh Ngọc, Đặng Văn Nhưng, Nguyễn Hồng Hà…
Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Báo Quân đội nhân dân được bổ sung thêm nhiều phóng viên mặt trận có “khiếu” thơ văn, để rồi sau năm 1975, trở thành một thế hệ nhà văn thời hậu chiến tiếp tục công tác ở bản báo: Hà Phạm Phú, Hà Đình Cẩn, Đỗ Trung Lai, Phạm Quang Đẩu, Trần Anh Thái… Tiếp đó là một số nhà thơ xuất hiện trong thời kỳ Đổi mới, như: Hồng Thanh Quang, Mai Nam Thắng, Đoàn Hoài Trung…
Cũng cần nhắc thêm 2 cây bút tuy chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng tên tuổi của họ đã khá quen thuộc đối với công chúng. Đó là Đại tá, nguyên Trưởng phòng Biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính Trần Ngọc với nhiều bài thơ đăng rải rác trên báo chí từ hơn nửa thế kỷ trước, trong đó có bài “Chú đi tuần” từng được đưa vào sách giáo khoa phổ thông "Gió hun hút lạnh lùng/ Trong đêm khuya phố vắng/ Súng trong tay im lặng/ Chú đi tuần đêm nay…”. Người thứ hai là cố Đại úy Nguyễn Đình Chiến, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta; trong đó có bài thơ "Gửi các em" đã đoạt giải Nhất cuộc thi thơ năm 1982 của Báo Văn nghệ-Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngoài ra, Báo Quân đội nhân dân còn có nhiều cây bút văn-thơ là hội viên các hội nhà văn địa phương, như: Nguyễn Văn Yên, Nguyễn Đình Xuân (Hội Nhà văn Hà Nội); Trần Thế Tuyển, Đào Văn Sử, Phan Tùng Sơn (Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) v.v.. Thật không ngoa khi ví đội ngũ các thế hệ nhà văn đã và đang công tác ở Báo Quân đội nhân dân là một “Hội Nhà văn Việt Nam thu nhỏ” với nhiều gương mặt tiêu biểu qua các thời kỳ; với đầy đủ các lĩnh vực: Văn xuôi, thơ, lý luận-phê bình và văn học dịch. Trong đó, có 6 tác giả đã được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật, đó là: Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Thâm Tâm, Trần Đăng, Cao Tiến Lê và Anh Ngọc.
“Thiện xạ cả hai tay”
Không ít người biện giải rằng văn chương và báo chí là rất “kỵ” nhau, vì tư duy báo chí là tư duy sự kiện, còn tư duy văn học là tư duy hình tượng. Cho nên nếu nhà văn, nhà thơ mà quá “sa” vào báo chí thì văn chương sẽ “chết”. Điều đó không đúng với các tác giả ở Báo Quân đội nhân dân. Ngược lại, rất nhiều nhà văn thuộc các thế hệ của báo đồng thời là những cây bút thông tấn nhạy bén; tác giả của những bài phóng sự, điều tra xuất sắc và những bài bình luận thời sự sắc sảo. Nói một cách hình ảnh thì họ là những cây bút chiến sĩ “thiện xạ cả hai tay”: Văn chương và báo chí.
Xin được kể từ các bậc tiền bối: Nhà thơ Thôi Hữu trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947 bên cạnh bài phóng sự “Tù binh trên đường số 4” in kịp thời trên Báo Vệ quốc quân, sau chiến dịch đã có ngay tập truyện ký “Đợi giờ chết” được xuất bản kịp thời như một món quà văn chương mừng chiến thắng. Đặc biệt, bài thơ “Lên Cấm Sơn” của ông luôn có mặt trong các tuyển tập thơ văn kháng chiến:
Lòng tôi xao xuyến tình thương xót
Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa
Tặng những anh tôi từng rỏ máu
Đem thân xơ xác giữ sơn hà…
Lòng tôi bừng thức tình trai mạnh
Muốn viết bài thơ nhộn tiếng cười
Tặng những anh tôi trong lửa đạn
Qua nghìn gian khổ vẫn vui tươi!
Cũng trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, Hoàng Lộc bên cạnh những bài ký sự, phóng sự tác nghiệp kịp thời cho “báo nhà”, còn có bài thơ "Viếng bạn" hết sức xúc động mà theo các nhà nghiên cứu thì đây là bài thơ đầu tiên viết về đề tài thương binh-liệt sĩ, mở đầu dòng thơ tri ân ngót 70 năm nay…
Nhà báoTrần Hữu Tòng (ngoài cùng, bên trái) tác nghiệp tại nơi máy bay vừa bị bắn rơi ở Quảng Bình, tháng 3-1965. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà thơ Thâm Tâm, tác giả của bài thơ "Tống biệt hành" nổi tiếng được chọn in trong tập sách phê bình văn học kinh điển “Thi nhân Việt Nam” cũng từng là cây bút phóng sự thuộc loại “hot” của các Báo Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm, Truyền bá quốc ngữ… Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông vào quân đội, lên Chiến khu Việt Bắc làm Thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân và chính trong thời gian này ông xuất bản tập thơ “Chiều mưa đường số 5”, đến nay đã được tái bản nhiều lần…
Thế hệ “đàn em” của các ông, nhiều người không chỉ là những phóng viên xông xáo, những nhà báo uy tín mà còn là những cán bộ quản lý, chỉ huy các cấp của cơ quan: Nhà văn Đặng Văn Nhưng là Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân. Các nhà văn, nhà thơ: Hà Phạm Phú, Đỗ Trung Lai, Phạm Quang Đẩu, Nguyễn Hồng Hà, Trần Anh Thái, Mai Nam Thắng… từng nhiều năm là trưởng, phó các phòng biên tập. Cùng với những giải thưởng báo chí của các ngành, các cấp mà các anh đã được tặng thưởng, những chức vụ trên đây về mặt nào đó cũng chứng tỏ sự tín nhiệm của cấp trên và sự mến phục của đồng nghiệp đối với năng lực chuyên môn của các nhà văn, nhà thơ ở Báo Quân đội nhân dân.
Và thật đáng nể khi phải hoàn thành tốt công việc của những cán bộ, phóng viên trong guồng máy của một tờ báo chính trị xuất bản hằng ngày, các văn nghệ sĩ của Báo Quân đội nhân dân vẫn đều đặn công bố những sáng tác văn học của mình trên những ấn phẩm văn chương sang trọng như: Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, chương trình “Tiếng thơ” và “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam v.v.. Nhiều tác phẩm của họ đã được trao tặng các giải thưởng văn chương danh giá. Chỉ tính riêng thế hệ từ sau năm 1975 đến nay đã có: Hà Phạm Phú đoạt 5 giải thưởng về thơ và truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trao tặng. Hà Đình Cẩn đoạt 2 giải thưởng Bộ Quốc phòng, 2 giải thưởng của Báo Văn nghệ, 7 giải thưởng kịch bản văn học của Hội Nghệ sĩ sân khấu và Hội Điện ảnh Việt Nam. Đỗ Trung Lai đoạt Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1989-1994) và giải thưởng truyện ngắn Báo Văn nghệ. Phạm Quang Đẩu đoạt 2 giải thưởng truyện ngắn và Giải thưởng văn học sông Mê Công lần thứ 3 (năm 2010). Trần Anh Thái đoạt 2 giải thưởng thơ Báo Văn nghệ và Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1994-1999) cho tập trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời”. Hồng Thanh Quang đoạt giải thưởng cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1998-2000. Mai Nam Thắng đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác về đề tài Hải quân năm 1990 và 2 lần đoạt Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng với tập trường ca “Cổ tích làng cát” (1999-2004) và bài thơ “Lính biển xem chèo” được phổ nhạc (2004-2009)…
Tươi nguyên phẩm chất chiến sĩ
Là những cây bút “thiện xạ cả hai tay” văn chương và báo chí, nhưng trước hết các thế hệ nhà văn ở Báo Quân đội nhân dân là những người chiến sĩ mang trong mình phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất ấy không chỉ thể hiện qua những tác phẩm thơ-văn có nội dung tư tưởng tốt và trình độ nghệ thuật cao mà con thể hiện ở đạo đức, lối sống và tác phong sinh hoạt của một người lính thực thụ.
Trong cuốn "Tuổi xuân những trang thơ-những cuộc đời" (NXB Thanh Niên, 1990), nhà nghiên cứu Nguyên An đã viết về Thôi Hữu, người tham gia sáng lập và quản lý tờ Vệ quốc quân trong nhiều năm trước khi chuyển đổi thành Báo Quân đội nhân dân: “Sự thành công của Thôi Hữu không chỉ thể hiện ở những trang viết do nhà thơ để lại, mà quan trọng hơn, là ở cả nhân cách đặc biệt của anh, một nhân cách được đào luyện từ cuộc sống không ngừng nghỉ của bản thân anh trong trào lưu chung của cách mạng, trong sự giáo dục, dìu dắt của nhân dân và của Đảng”. Noi gương những người đi trước, các thế hệ nhà văn, nhà thơ ở Báo Quân đội nhân dân luôn luôn kiên định vững vàng trước những khúc quanh của lịch sử, những chao đảo của thế cuộc, những xu hướng lệch lạc trong đời sống văn học nghệ thuật qua các thời kỳ. Phẩm chất ấy đã góp phần làm nên truyền thống của tờ báo Quân đội nhân dân, tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước.
Phẩm chất chiến sĩ của các thế hệ nhà văn ở Báo Quân đội nhân dân luôn tươi nguyên trong sự nghiệp văn chương của họ. Hầu hết những tác giả sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục gặt hái những thành quả nghệ thuật, nhất là những tác phẩm về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Nhiều tác giả trưởng thành từ Báo Quân đội nhân dân đã được điều chuyển sang làm công tác quản lý, lãnh đạo ở một số cơ quan văn hóa, văn học, nghệ thuật. Từ Báo Quân đội nhân dân, nhà thơ Vũ Cao-tác giả bài thơ "Núi Đôi" nổi tiếng-được điều động sang làm Phó tổng biên tập, rồi Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội một thời gian, sau đó lại được điều sang làm Giám đốc NXB Hà Nội. Trung tá, nhà văn Trần Hữu Tòng chuyển sang làm Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở của Bộ Văn hóa-Thông tin (cũ) và hiện nay là Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà văn Hà Nội. Trung tá nhà văn Hà Phạm Phú, nguyên Trưởng phòng Biên tập Văn hóa-Thể thao chuyển sang làm Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó làm Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn. Nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngành sang Báo Công an nhân dân, được bổ nhiệm Phó tổng biên tập báo và hiện nay là Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết…
Cuộc sống không ngừng vận động và phát triển. Đời sống văn học đòi hỏi các nhà văn phải cập nhật những xu hướng nghệ thuật tiến bộ trong sáng tác của mình. Cách tân, đổi mới là nhu cầu khách quan của văn nghệ sĩ; nhưng dẫu cố gắng cách tân, đổi mới bao nhiêu thì các nhà văn trưởng thành từ Báo Quân đội nhân dân vẫn viết với tâm thế của người chiến sĩ. Thực tế đã như thế và mãi mãi vẫn như thế!
TUYÊN HÓA