Tuy là lớp học ngắn hạn song các học viên được học kỹ thuật hát rất bài bản, từ sơ cấp đến trung cấp, được các lãnh đạo và các nghệ sĩ nổi tiếng quan tâm. Nghệ nhân Dịu Hương khi ấy đang rất nổi tiếng là một trong những giáo viên của lớp học này. Vừa nhìn thấy Diễm Lộc, bà đã bảo: "Cô bé hát thử một bài xem nào". Diễm Lộc thể hiện giọng ca bẩm sinh của mình với bản “Duyên phận phải chiều” và nhận được lời khen của cô Dịu Hương cùng nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Kết thúc lớp học, Diễm Lộc trở về nhà, chưa biết tính toán thế nào cho con đường nghệ thuật thì Đoàn Chèo Cổ Phong được thành lập và cần tuyển diễn viên. Diễm Lộc lọt vào mắt xanh của đạo diễn và được giao vai chính: Súy Vân.
Súy Vân trong vở “Kim Nham” có nhiều điệu hát khó, nhờ giọng hát bẩm sinh khỏe, trong trẻo nên Diễm Lộc dễ dàng thành công. Tuy là một đoàn chèo nhỏ mới thành lập, song Cổ Phong bước ban đầu làm việc khá chuyên nghiệp. Ngày ấy, khán giả yêu sân khấu không ai không biết nàng Súy Vân vì lỡ yêu khách giang hồ Trần Phương mà giả điên để bỏ chồng, để rồi cuối cùng bị người tình phụ bạc đớn đau. Diễm Lộc nhớ nhất màn 5 của vở, khi Súy Vân một mình lang thang bơ vơ, trắng tay, phải đi ăn mày, vừa lúc người chồng thi đỗ làm quan trở về. Chồng cũ đưa nàng một nắm cơm, bên trong bọc một nén vàng, ngụ ý hai người không thể trở về như xưa được nữa. Súy Vân giở nắm cơm ra, thấy nén vàng, biết là chồng mình, cảm thấy quá xót xa đã nhảy xuống giếng tự tử. Từ vai diễn trong vở chèo cổ nổi tiếng này, diễn viên trẻ Diễm Lộc nổi đình nổi đám trong những đêm diễn ăn khách của Đoàn Chèo Cổ Phong trên khắp các rạp ở Hà Nội.
Ngày ấy, những người làm công tác tư tưởng đã nhìn ra sự bất công dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ không đành lòng nhìn nàng Súy Vân phải nhận một kết cục đắng cay như vậy. Nhà hát Chèo Việt Nam đã bắt tay “làm mới” Súy Vân. Người được giao trọng trách là GS, NSND Trần Bảng với vốn văn hóa, sân khấu thâm sâu được thu nhận từ phương Tây quyện hòa với bản sắc nghệ thuật dân tộc Việt Nam đã đạt đẳng cấp. Vở diễn “Kim Nham” được đổi tên thành “Súy Vân”. Như một mối duyên tiền định, lúc này Diễm Lộc cũng vừa chuyển về Nhà hát Chèo Việt Nam được chọn đóng vai Súy Vân.
Thành công của mấy trăm đêm diễn tại Đoàn Chèo Cổ Phong khi mang sang cuộc cải biên này gần như chẳng đáng gì. Bà gần như phải học lại từ đầu, tất cả các kỹ thuật hát, múa, diễn đều được nâng cao. Bà học múa ba lê cơ bản để thân mình uyển chuyển, hát làm sao để luôn có hơi ấm và đặc biệt, diễn xuất phải kết hợp được lý thuyết của thể hệ Stanislavski (Nga) và Bertolt Brecht (Đức). Nàng Súy Vân nổi tiếng của “Kim Nham” lại tiếp tục học ngày học đêm, cầm bát cơm lên cũng phải hát được một điệu mới cho phép mình ăn. Thế nhưng, những đoạn khó, bà vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu của đạo diễn GS, NSND Trần Bảng. Cô diễn viên trẻ trằn trọc, rồi 1 giờ đêm đội nón đi ra cánh đồng Mai Dịch ngày ấy hoang vu, lộng gió. Một mình với đêm, gió lạnh, tiếng ếch kêu và đom đóm lập lòe trong suốt mấy ngày liền, Diễm Lộc đã cảm nhận được sự cô đơn của kiếp người.
Đến màn Súy Vân giả dại, tập mãi mà đạo diễn vẫn chưa ưng, nhất là lúc cười, ông cho Diễm Lộc ba ngày để học cười. “Tôi chỉ ao ước được nhìn thấy người điên ngoài đời xem họ cười thế nào, nhưng tôi không sao gặp được. Thôi, đành tự mình sáng tạo vậy”-bà nhớ lại. Ngày ấy, cũng ở khu văn công có ngôi nhà đang xây, bắc giàn giáo khá cao, đêm đêm, Diễm Lộc leo lên đấy học cười. Bà tập trung vào một chữ "a", rồi "á", "à" và học cười sao để tiếng vang xa. Dù chỉ một chữ nhưng "a" và "á" có sắc thái biểu cảm khác nhau và khi cười tạo thành vần. Bài cười của Diễm Lộc đã nhận được cái gật đầu của đạo diễn khó tính. Song, kể từ những đêm bỏ nhà đi dầm sương dãi gió, hễ cứ trái gió trở trời là bà lại bị ho, càng già bệnh càng nặng.
Vở “Súy Vân” cải biên ra mắt đã tạo cú sốc cho khán giả cũng như giới làm sân khấu bởi vẻ đẹp tinh tế, trọn vẹn, chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của chèo, bộ môn nghệ thuật lâu đời, niềm tự hào của kịch hát truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, Diễm Lộc nổi lên như một ngôi sao sáng trong làng kịch nghệ nước nhà. Giọng hát, diễn xuất, vũ đạo của bà được trau chuốt từng chi tiết, không thừa bất cứ động tác nào. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, song nhắc đến vai diễn này, người ta phải nói tới Diễm Lộc đầu tiên.
Nhờ lao động cật lực ở vai Súy Vân, rồi sau này là Thị Màu trong “Quan Âm Thị Kính”-hai vai diễn khó nhất trên sân khấu chèo, nên những vai sau này, Diễm Lộc hoàn thành khá dễ dàng. Diễm Lộc trở thành đào chính ăn khách của Nhà hát Chèo Việt Nam với những vở diễn kinh điển. Những cống hiến của Diễm Lộc cho nghệ thuật chèo sớm được ghi nhận. Bà được phong tặng danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên. Kể từ khi ghi dấu ấn với vai Súy Vân, nghệ sĩ Diễm Lộc luôn nhận được những lời mời giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chèo từ Trung ương tới địa phương. Học trò của bà, nhiều người đã thành danh, được nhận danh hiệu NSND trước cả thầy nhưng Diễm Lộc không buồn. Đối với bà, được hát, diễn và sống với sân khấu đã là hạnh phúc vô bờ. Vì thế, khi được phong danh hiệu NSND vào năm 2015, Diễm Lộc đã rất bất ngờ. Bà coi đó là phần thưởng vô giá mà Nhà nước tặng mình ở tuổi U.80, sau gần 6 thập kỷ sống cùng nghệ thuật.
Bài và ảnh: HUYỀN THU