Nhìn lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cao cả nhưng cũng đầy thăng trầm của Kofi Annan-người châu Phi đầu tiên trở thành Tổng thư ký LHQ-mới thấu hiểu khát vọng hòa bình trong ông lớn đến nhường nào. Khi mới hơn 20 tuổi, chàng trai Kofi Annan sinh ra ở Ghana đã bắt đầu làm việc cho LHQ, tổ chức được sáng lập với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh thế giới, với tư cách là nhân viên phụ trách ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hai nhiệm kỳ Kofi Annan giữ cương vị Tổng thư ký LHQ từ năm 1997 đến năm 2006, cũng là quãng thời gian tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này lao đao vì nguy cơ phá sản, trong khi thế giới bị đe dọa bởi những cuộc xung đột và dịch bệnh, đặc biệt là HIV/AIDS. Nhưng cũng từ đó, Kofi Annan được người ta biết tới như một vị thuyền trưởng tài ba, khi từng bước giúp LHQ “hồi sinh” để tiếp tục trọng trách đấu tranh vì quyền con người và gìn giữ hòa bình. Đồng thời, cái tên Kofi Annan cũng gắn liền với hình ảnh một nhà trung gian hòa giải tận tâm tại các điểm nóng xung đột trên khắp thế giới.
    |
 |
Ông Kofi Annan (bên phải) nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2001. Ảnh: Nobelprize.org |
Ngay cả khi đã rời xa chuyện công cán, khát khao cống hiến cho hòa bình của Kofi Annan vẫn vô cùng mãnh liệt. Năm 2007, ông thành lập Quỹ Kofi Annan với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững toàn cầu, an ninh và hòa bình, đồng thời trở thành thành viên của The Elders, nhóm các lãnh đạo toàn cầu làm việc vì vấn đề nhân quyền do Nelson Mandela sáng lập. Năm 2012, ông tiếp tục giữ vị trí Đặc phái viên của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria với nhiệm vụ dẫn dắt các nỗ lực tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở quốc gia này.
Giải thưởng Nobel Hòa bình mà Kofi Annan vinh dự nhận được vào năm 2001 chính là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực cả đời đấu tranh cho một thế giới hòa bình và công bằng hơn của ông.
Nhưng với cá nhân Kofi Annan, ông cho rằng thành tích lớn nhất của mình là đặt ra Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ, hướng tới những mục tiêu toàn cầu cho các vấn đề như giảm tỷ lệ đói nghèo, tỷ lệ tử vong trẻ em và chấm dứt sự lây lan của HIV/AIDS.
Cảm hứng xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình cũng không chỉ được Kofi Annan thể hiện ở mỗi việc ông làm mà còn được ông truyền tải trong nhiều bài phát biểu hay những câu nói đáng để nhiều thế hệ phải suy ngẫm. Có lần, Kofi Annan đã chia sẻ: “Thế giới ngày hôm nay dành hàng tỷ USD để chuẩn bị cho chiến tranh; vậy chúng ta không nên dành một hay hai tỷ USD để chuẩn bị cho hòa bình sao?”. Ông cũng từng nói rằng: “Chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về tương lai và hành tinh chúng ta sẽ để lại cho con cháu sau này”; “Sự thống khổ ở bất cứ đâu cũng đều là mối quan tâm của tất cả mọi người”; hay “Chúng ta có thể có các tôn giáo khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, màu da khác nhau, nhưng tất cả đều là con người. Chúng ta đều có cùng giá trị cơ bản”.
Ghi nhận những đóng góp của Kofi Annan, các chính khách nổi tiếng trên thế giới đã gọi ông là: “Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử LHQ”, “một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng nhất của lịch sử hiện đại”, “một nhà lãnh đạo và một con người có tầm nhìn xuất chúng”…
Những giải thưởng, những mỹ từ ấy có thể sẽ dần nhạt nhòa theo năm tháng, song có một điều chắc chắn, khát khao được sống trong hòa bình, được mang cuộc sống bình yên cho người khác của Kofi Annan sẽ là di sản mãi trường tồn. Và đúng như Thủ tướng Anh Theresa May đã nói, Kofi Annan đã góp phần to lớn giúp thế giới mà ông vừa rời bỏ trở thành nơi tốt đẹp hơn so với thế giới thời ông được sinh ra.
ANH VŨ